Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trải lòng của du học sinh về 'cuộc sống đâu chỉ màu hồng'

Những năm trở lại đây, việc du học không còn là điều xa lạ với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, qua chia sẻ của những du học sinh Nghệ An đang học tập ở các nước châu Âu, cuộc sống của họ không chỉ là màu hồng.
Du học ở Cộng hoà Pháp được gần 2 năm, Thảo Trang (SN 1998) - cựu học sinh chuyên Pháp trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã dần làm quen, thích ứng với nhịp sống ở xứ người. Thảo Trang chia sẻ, ngay khi đang học THPT, Thảo đã mong muốn được đi du học nước ngoài, nhất là ở Pháp.

Vốn tiếng Pháp khá tốt lại tìm hiểu qua các anh chị đi trước nhưng những ngày đầu đặt chân sang nước Pháp, Trang không khỏi ngợp trước văn hóa, nhịp sống nước ngoài. Trang cho biết, thời gian đầu mới sang em không thể nghe hiểu được mọi người xung quanh nói chuyện hay bắt kịp được bài giảng trên lớp của thầy cô. Sau mỗi giờ học trên trường, Trang phải mượn sách vở của các bạn cùng lớp để chép lại.

Những lần thi đầu tiên, điểm số quả thực là cơn ác mộng khi em chỉ vừa đủ điểm, thậm chí có môn phải học lại. Đó là cú sốc không nhỏ bởi trước khi sang Pháp du học, em có thành tích khá cao trong lớp. Việc giao tiếp với các bạn bản xứ cũng gặp không ít khó khăn do khác biệt văn hóa, lối sống. Ví dụ, một số câu hỏi nếu ở Việt Nam được xem là bình thường lại là bất lịch sự nếu nói với người nước ngoài. Sau vài lần vấp phải, Trang đã rút ra được không ít bài học cho bản thân.
Căn phòng gác mái 12 m² của sinh viên Nguyễn Phan Linh ở thành phố Munich (Đức). Ảnh: NVCC

Quản lý tiền nong cũng là một bài toán khó với du học sinh. Một cựu học sinh “chuyên Phan” khác, Nguyễn Phan Linh (SN 1995)  - du học sinh ở thành phố Munich (CHLB Đức) nhớ lại: “Lúc vừa sang đây, tháng đầu tiên em tiêu hơn 2.000 euro. Các thủ tục nhập học, thuê nhà, làm thẻ thư viện… đã ngốn hết gần 1.500 euro chỉ trong 1 tuần. Với hơn 500 euro còn lại, em phải chi tiêu tằn tiện cho hết tháng trước khi được bố mẹ chu cấp thêm”.

Linh cho biết, thông thường các du học sinh sẽ lựa chọn thuê nhà ở cùng chủ hoặc 2, 3 bạn sẽ thuê chung ở cùng nhau. Về phần Linh, hiện em đang ở trong căn phòng rộng 12 m² với giá 30 euro/m², chưa bao gồm tiền điện, nước, internet hàng tháng. Gọi là phòng nhưng thực chất nơi Linh ở là tầng áp mái được chủ nhà sửa sang lại và cho sinh viên thuê.

Linh cho biết, tuy ở cùng chủ nhà hơi bất tiện nhưng em không cần phải tự đi làm các thủ tục đăng ký lắp internet, điện, nước như các bạn thuê nguyên căn nhà về sống với nhau. Sau nhiều lần chi tiêu quá đà, Linh mới có thể cân đối việc thu chi trong cuộc sống của mình. 

Ở nước ngoài, du học sinh cũng phải tập thói quen sử dụng các phương tiện công cộng khi đi học hoặc đi làm. Du học tại Paris đắt đỏ, Nguyễn Thúy Ngân (SN 1994, ở TP Vinh) như nhiều sinh viên Việt chọn thuê trọ xa trường, xa trung tâm để giảm chi phí.

Để đến trường, Ngân thường phải ngồi tàu điện ngầm 50 phút hoặc đổi 2 lần xe buýt còn chỗ làm thêm cách nhà của Ngân 30 phút tàu điện ngầm. Với hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt như ở Paris, thời gian đầu mới đi loại phương tiện công cộng này, Ngân không ít lần suýt khóc vì đi lạc hoặc bắt nhầm chuyến.

Không giống như tưởng tượng, nhiều ga tàu điện ngầm ở Paris không hề đẹp như những gì chiếu trên tivi. Vào giờ cao điểm, tàu điện ngầm chật cứng người và là "giờ vàng" của những kẻ móc túi nên các bạn du học sinh phải hết sức chú ý.

Vào "mùa" biểu tình, đình công, nhiều phương tiện công cộng cũng bị "tê liệt". Có lần Ngân suýt không kịp đến trường thi vì nhân viên ga tàu điện ngầm đình công. Những lúc này, Ngân cùng các bạn chỉ có thể lên mặt đất bắt xe buýt hoặc chạy bộ về trường nếu cả hệ thống xe buýt cũng đình công. Sau gần 5 năm sống ở Paris, Ngân tạo được thói quen theo dõi tin tức để tránh các vụ đình công, biểu tình.

 
Sinh viên Nguyễn Thúy Ngân làm việc tại một tiệm bánh mỳ ở Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: NVCC

Tất nhiên, cuộc sống của du học sinh không thể không nhắc đến việc làm thêm. Sang Anh du học theo diện học bổng thạc sỹ, Lê Thị Phương Anh (SN 1993) vẫn quyết định đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống cũng như đi du lịch. Thời gian rảnh, Phương Anh làm chạy bàn cho nhà hàng hoặc làm thông dịch viên.

Cũng như các du học sinh khác, theo quy định, Phương Anh không được làm thêm quá 20 giờ/1 tuần trong năm học. Phương Anh cho biết, vào thời điểm hè, sinh viên có thể đi làm thoải mái hơn nhưng nếu mức lương cao, sinh viên cũng sẽ phải nộp thuế. Chính vì lý do này, một số sinh viên đã chấp nhận đi làm chui bất chấ nhiều rủi ro như bị chủ bóc lột, không trả đúng lương theo thỏa thuận (vì không có hợp đồng hợp pháp). Thậm chí có thể bị cảnh sát kiểm tra, đánh dấu vào hồ sơ. 

Và đó chỉ là một trong rất nhiều những khó khăn mà các bạn du học sinh xứ Nghệ nói riêng và Việt Nam nói chung gặp phải khi đặt chân lên xứ người học tập. Rất nhiều bạn du học sinh phải luôn nỗ lực để tránh sa ngã vào những cám dỗ ở xứ người khi không có gia đình bên cạnh.

 
Đậu Linh Chi - Phó Chủ tịch Ban điều hành Hội du học sinh Nghệ Tĩnh cho biết, các bạn học sinh Nghệ An lựa chọn du học chủ yếu  ở các nước Mỹ, Pháp, Anh, Nga và gần đây là Hà Lan. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình 1 năm, một du học sinh Nghệ An học tự túc ở trường công của Mỹ cần trung bình khoảng 30 nghìn USD, học các trường tư cần 60 nghìn USD. Đối với diện học bổng của Nga, trung bình mỗi năm 1 du học sinh cần 1.500 - 1.800 USD, theo diện tự túc ít nhất 8.500 USD. Ở Pháp, các trường đại học công không mất học phí, các du học sinh cần bỏ 5.000 - 7.000 euro/1 năm.

Tác giả: Chu Thanh
Nguồn tin: Báo Nghệ An