Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Mót' bãi bồi ven hồ thủy điện để trồng ngô

Đang mùa cạn nước, ven lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lộ lên những bãi bồi giàu phù sa. Tận dụng điều này, người dân tiến hành trồng ngô cải thiện thu nhập. Bà con nói vui rằng, họ đang "mót" đất bãi để sản xuất.
Bản Hòa Lý là nơi đầu tiên ở xã Mỹ Lý trồng ngô ven hồ thủy điện. Từ tháng 2 âm lịch, nước bắt đầu rút, bà con rủ nhau ra phát cỏ trỉa ngô. Ảnh: Hữu Vi

Gia đình chị Kha Thị Thỏa là một trong những hộ dân ở bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) "mót" đất bồi trồng ngô ven hồ thủy điện Bản Vẽ.

Chị cho biết: “Vụ ngô này nhà tôi trồng 5 gói hạt giống (5kg), thu được 5 tấn ngô bắp. Ngay từ bắp ngô còn non đã có người đến hỏi mua. Khách mua chủ yếu là người dân ở các thôn bản lân cận không trồng ngô. Họ mua về phục vụ chăn nuôi. Giá ngô bắp, mới bẻ về khoảng 2.000đ/kg”. Như vậy với một vụ ngô trỉa trên bãi sông, gia đình chị Thỏa có thêm nguôn thu khoảng 10 triệu đồng.

 
Những bãi phù sa lộ ra khi nước hồ thủy điện rút rất phù hợp để trồng ngô. Ảnh: Lữ Phú

Gia đình chị Thỏa không phải nhà trồng nhiều ngô nhất ở bản Hòa Lý. Theo tìm hiểu, có những nhà trồng trên 1ha ngô ven bãi sông thu khoảng 10 tấn ngô bắp. Đây là nguồn thu đáng kể từ trồng trọt đối với một địa bàn chỉ quen chăn nuôi như xã Mỹ Lý.

Ông Vi Văn Trọng - Trưởng bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý thông tin: Bản có 158 hộ dân thì hầu hết đều trồng ngô ven bãi sông. Ước tính cả bản có khoảng 25ha. Hòa Lý cũng là thôn bản đầu tiên trong xã trồng ngô ven bãi sông.

Cư dân bản Hòa Lý sống ven hồ thủy điện Bản Vẽ. Hàng năm, từ tháng 2 đến tháng 8 dương lịch là lúc nước hồ rút, lộ ra những bãi bồi phù sa. Từ hơn 1 năm nay, người dân trong bản rủ nhau ra bãi, phát cỏ dại, trỉa ngô.

 
Ngô thường được tư thương tìm đến tận nơi thu mua ngay khi còn non. Ảnh: Hữu Vi

Ông Vi Khăm Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: “Lâu nay bà con trồng trọt vẫn phụ thuộc vào nguồn nước mưa, năng suất thấp. Những khoảng đất trống ven hồ thương đã tích trữ một lượng nước nhất định, lại là bãi phù sa nên người trồng ngô không cần phải dùng đến phân bón. Trỉa xuống chỉ cần làm cỏ một lượt là cây ngô đã phát triển tốt, lấn át cỏ dại.

Ông Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý còn cho biết thêm: Việc tận dụng những bãi bồi ven lòng hồ thủy điện để trồng ngô cho hiệu quả khá tốt để cải thiện thu nhâp. Gần đây đường sá trên nhiều địa bàn đã thuận lợi hơn nên có ngô là tư thương đến tận rẫy thu mua. “Sắp tới chúng tôi sẽ tuyên truyền cho người dân trên địa bàn trồng thêm ngô dọc vãi sống để cải thiện thu nhập" - ông Đào nói.

 
Trồng ngô ven lòng hồ thủy điện có thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng trên một đơn vị diện tích. Đây là điều hiếm thấy ở một địa bàn mà bà con chỉ quen chăn nuôi gia súc. Ảnh: Lữ Phú

Ở một số địa bàn ven lòng hồ thủy điện như: xã Hữu Khuông, Mai Sơn (Tương Dương) số diện tích bãi bồi vào mùa nước rút là khá lớn. Người dân một số thôn bản ở Hữu Khuông cũng đã tận dụng những bãi bồi này để trỉa ngô, canh tác rau màu, cây thuốc lá. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con, việc tận dụng những bãi bồi này để phục vụ canh tác gặp một số khó khăn: “Nhiều nhà vẫn có thói quen thả rông trâu bò. Trồng ngô khác nào miếng mồi ngon cho chúng" - một người dân ở xã Hữu Khuông cho biết.

Tác giả: Hữu Vi - Lữ Phú
Nguồn tin: Báo Nghệ An