Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


12 khu đất vàng vào 'tầm ngắm', Nghệ An nói gì?

Trong số 60 dự án đất công được chuyển đổi mục đích sử dụng sau cổ phần hóa DNNN sẽ bị thanh tra, Nghệ An được chú ý bởi tỉnh này chiếm đến 12 mảnh.
Nguy cơ “chảy máu” đất công…

Theo bộ Tài chính , qua tổng hợp báo cáo về việc rà soát, hiện nhiều DNNN được thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại cao (hay gọi là đất vàng), tuy nhiên khi cổ phần hóa thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cũng chưa được sự đồng ý của Thủ tướng.

Trong khi đó, bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Do đó, nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi xác định giá đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn, chưa sát với giá thị trường làm thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vì vậy, bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 60 dự án, để thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.

Trong văn bản trả lời bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ dẫn ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đồng ý bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017.

Đáng chú ý, trong danh sách vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ lần này, ngoài 2 thành phố lớn có nhiều dự án đất "vàng" trong diện sẽ thanh tra là Hà Nội (25 dự án) và TP.HCM (13 dự án), có tới 12 dự án là nằm trên tỉnh Nghệ An.

Nghệ An: “Chúng tôi chưa nhận được văn bản”

Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Nghệ An – ông Lê Đức Cường cho biết: hiện tại Nghệ An chưa nhận được văn bản chỉ đạo cụ thể về vấn đề trên mà mới chỉ được biết thông tin qua báo chí. “Vì chưa có chỉ đạo cụ thể nên chúng tôi phải chờ văn bản sau đó có ý kiến của ủy ban thì mới phát ngôn với báo chí được. Quan điểm của chúng tôi là có thanh kiểm tra thì chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ để giải trình” – người phát ngôn tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Ông Bùi Vĩnh Huệ - Giám đốc Cty CP Tư vấn 6 ở TP Vinh là chủ đầu tư một dự án khu nhà ở liền kề cũng xác nhận với PV ĐS & PL về hiện trạng mảnh đất và dự án mà cty này sở hữu. Ông Huệ cho biết: trước đây cty là DNNN, sau khi cổ phần hóa có xin chuyển đổi mục đích sử dụng gần 2.300m2 từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở, trả tiền thuê đất hàng năm, sau đó xây nhà ở và bán.

“Chúng tôi thực hiện theo luật, đất sản xuất của cơ quan chuyển sang đất dân cư thì luật quy định như thế nào chúng tôi thực hiện thế ấy” – ông Huệ nói.

Đặc điểm chung của 12 mảnh đất này là đều có diện tích lớn, đa số rộng vài nghìn m2, có mảnh rộng tới hơn 30.000 m2 và đều chiếm những vị trí đẹp tại TP Vinh hoặc lân cận, đều được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh sang thành đất ở.

 
dat vang
 
dat vang1
Dự án chung cư Trường Thịnh của Cty CP Tecco miền Trung - 1 trong 12 dự án ở Nghệ An sẽ bị thanh tra trong năm 2017 (ảnh chụp ngày 24/5/2017)

Một điểm nổi cộm nữa là đất “vàng” sau khi chuyển đổi nhưng một số nhà đầu tư vẫn nợ tiền thuế đất như Dự án tòa nhà Lũng Lô nợ gần 18 tỷ đồng, Dự án TTTM và chung cư cao tầng ở phường Bến Thủy nợ hơn 28 tỉ đồng…

Chưa tính đến sai phạm có thể sẽ bị khui ra, riêng việc nợ thuế của các dự án này đã phản ánh tình trạng “chảy máu” đất công tại tỉnh này nghiêm trọng như thế nào.

Chia sẻ với ĐS&PL, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Đang có một lỗ hổng quá lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các DN có vốn Nhà nước. Bởi vậy thanh tra là cần thiết”.

TS. Liêm cho rằng có một vài vấn đề nổi cộm trong câu chuyện này như sau: Sau cổ phần hóa, nếu các mảnh đất vàng đó DN vẫn dùng thì họ chẳng có lợi ích gì, nhưng nếu họ chuyển mục đích sang đất dự án xây dựng khách sạn, TTTM… thì đáng lẽ phải định giá đúng giá thị trường. Muốn vậy phải đấu giá công khai, chứ nếu chỉ tự xác định giá thì xác định theo cơ sở nào? Vấn đề nữa là nếu nâng giá thuê đất đó lên thì ai phải trả tiền? Tôi cho rằng nếu người mua cuối cùng phải trả tiền chứ không phải chủ đầu tư thì không hợp lý và gây hoang mang dư luận...

“Tôi đề nghị chọn một vài dự án làm thí điểm để thanh tra trước, từ đó sai phạm hay không, sai phạm những gì sẽ được làm rõ” – TS Liêm nói.

Một số “kịch bản” phù phép đất công sau Cổ phần hóa DNNN

(Luật sư Nguyễn Thế Truyền – GĐ Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Xung quanh vấn đề xử lý đất công sau cổ phần hóa DNNN thì có thể xảy ra một số “kịch bản” thường thấy như sau:

Thứ nhất là DN không tính giá trị đất vào giá trị DN mà chỉ tính là đất thuê trả tiền hàng năm, từ đó hạ thấp giá trị DN để bán cổ phần giá rẻ.

Và để phục vụ câu chuyện thứ nhất đó thì sẽ dẫn đễn câu chuyện thứ hai là sau khi cổ phần hóa xong, DN xin chuyển đổi mục đích, khi chuyển xong thì họ phân lô bán nền, xây TTTM, chuyển nhượng dự án... Trong số đó lại có nhiều DN nắm một mớ cổ phần nhưng không có tiền chuyển đổi mục đích thì bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác, dẫn đến đất công nhưng do cty tư nhân nắm quyền định đoạt.

Ngoài ra, một số DN còn có một “kịch bản” hay nữa là: xin cổ phần hóa, hạ giá doanh nghiệp, mua xong cổ phần xong xin dự án ở bên ngoài, xin đất bên ngoài để chuyển sản xuất kinh doanh ra đấy, còn miếng “đất vàng” cũ thì xin liên doanh liên kết.

Đây chính là kịch bản đã được áp dụng cho Cty Cao su sao vàng, sứ Hải Dương, bánh kẹo Tràng An, Rượu HN, Dược phẩm TW3. Đơn cử như Dược phẩm TW3 xin đất ở Bắc Ninh, còn “đất vàng” số 9 Trần Thánh Tông thì liên kết trao tay mua bán cho cựu chủ tịch Ocean bank Hà Văn Thắm.

Kịch bản này đã đi ngược lại mục đích ban đầu của cổ phần hóa, khiến cho tài sản của Nhà nước không được chuyển dịch sang cá nhân mà sang các nhóm lợi ích. Chỉ khi người dân làm chủ thì tài sản mới được xác định đúng giá trị, Nhà nước mới không bị thất thoát tiền.

Hiện nay một trong những lỗ hổng của luật là bắt đấu giá cổ phần công khai nhưng luật lại cho phép DN bán cổ phần cho cổ đông chiến lược. Đây chính là câu chuyện Cty Vận tải thủy mua hãng phim truyện Việt Nam. Vận tải thủy thì biết gì về phim, tại sao lại làm cổ đông chiến lược của hãng phim truyện VN, phải chăng mục đích của họ không phải là phim ảnh gì mà chẳng qua chỉ là ở chỗ mảnh “đất vàng” ở số 4 Thụy Khuê??

Tác giả bài viết: Minh Minh

Nguồn tin: