Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tương Dương đột nhiên 'hot' trên các diễn đàn du lịch

Trên các diễn đàn du lịch hiện “truyền tay” nhau bí quyết du lịch “bụi” ở miền Tây Nghệ An và chấm điểm cao cho Tương Dương bởi nhiều cái nhất.
"Ngôi sao mới nổi" trên bản đồ du lịch Nghệ An 

Những ngày đầu tháng 5, qua diễn đàn mở trên mạng xã hội Facebook, nhóm 5 bạn trẻ đến từ Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã cùng hội tụ để thực hiện một chuyến du lịch “bụi” khám phá các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, và các huyện miền Tây Nghệ An cũng nằm trong lịch trình ấy.

Bằng xe máy, 5 bạn trẻ đã có hành trình trải nghiệm khó quên ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Trong đó, Tương Dương là điểm đến được lưu lại nhiều ngày hơn cả.

 
Du lịch trải nghiệm trên thác Khe Kiền (Tương Dương). Ảnh: Thành Cường

Nguyễn Hoàng Hiệp - sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Ở Tương Dương, chúng em trải nghiệm nghỉ trưa ở rừng săng lẻ, đi thuyền khám phá thuỷ điện Bản Vẽ, ở homestay cùng đồng bào dân tộc Thái… Tất cả đều khá mới mẻ và thú vị. 

Tuy nhiên, chúng em cũng gặp một số khó khăn về vấn đề ăn, nghỉ vì dịch vụ ở các điểm đến du lịch chưa phát triển. Các điểm đến cũng không có bản chỉ dẫn nên chúng em đều phải tự mò mẫm”.

Những chuyến du lịch “bụi” như của nhóm 5 bạn trẻ nói trên đến với huyện Tương Dương ngày càng nhiều. Trên các diễn đàn du lịch hiện “truyền tay” nhau bí quyết du lịch “bụi” ở miền Tây Nghệ An và “chấm điểm” cao cho Tương Dương bởi nhiều cái nhất: Diện tích tự nhiên lớn nhất trong các huyện ở Việt Nam, địa hình phức tạp nhất và đông đảo thành phần dân tộc nhất Nghệ An.

“Cẩm nang” du lịch Tương Dương chỉ dẫn rõ những nét hấp dẫn của vùng đất này như có nhiều khu rừng nguyên sinh như: Rừng săng lẻ (Tam Đình), rừng lạnh nguyên sinh (Tam Hợp), rừng cây lùn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (Tam Quang), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nga My), nhiều hang động đẹp ở các xã Hữu Khuông, Yên Thắng, Xá Lượng, Tam Đình, Tam Quang…

Tương Dương còn có hồ thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố rộng lớn, tạo nên vô số ốc đảo và luồng lạch; lòng hồ có nhiều hang động đẹp như: Thẳm Nặm, Thẳm Kèo... hứa hẹn những điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn. 

Về không gian văn hóa, Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái với những phong tục cổ truyền rất đặc sắc như bản Chắn, bản Mác, bản Cây Me, bản Nhặn, bản Phòng (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Lưu Phong (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn)... 

Khởi động tích cực trong năm 2017

Năm 2017, huyện Tương Dương bắt đầu có những khởi động tích cực để phát triển du lịch. Ông Vi Văn Son - Trưởng phòng VHTT cho biết: “Nhiều năm nay huyện chưa có điều kiện để tập trung phát triển du lịch, nhưng năm nay được xác định là năm đột phá, các hoạt động du lịch đều được đẩy mạnh. 
Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Tháng 4 vừa qua, huyện chính thức khởi động tuyến du lịch sinh thái rừng săng lẻ (Tam Đình), khe Cớ (Tam Đình), Thằm Cúng (Tam Đình) và du lịch cộng đồng ở bản Lau (Thạch Giám). Sự kết nối các điểm đến này dựa trên sự gần gũi, thuận tiện về khoảng cách, thời gian di chuyển, hài hoà về loại hình du lịch cũng như những dịch vụ có thể cung cấp cho du khách”.

Đáng chú ý, tháng 3 vừa qua, Huyện đoàn đã tổ chức trồng 2.000 gốc hoa đậu anh đào để tạo điểm nhấn cho Khu du lịch Khe Cớ (Tam Đình). Nguồn giống hoa được tìm chọn trong tự nhiên, ngay trên địa bàn huyện. Đây là loài hoa dễ trồng, dễ sống, thường trổ hoa vào mùa xuân, khoảng tháng 1, tháng 2, sắc hoa hồng rực rỡ sẽ điểm xuyết cho bức tranh phong cảnh thiên nhiên ở khu vực Khe Cớ thêm hấp dẫn.

Anh Lê Hồng Thái - Bí thư Huyện đoàn Tương Dương cho biết: “Tương Dương là huyện đầu tiên ở khu vực miền Tây Nghệ An trồng loài cây này trên diện rộng. Chúng tôi hy vọng đến mùa hoa nở, cùng với công tác truyền thông, quảng bá và sức lan toả trên mạng xã hội sẽ thu hút lượng lớn khách đến tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nếu thành công, từ Khe Cớ, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng loài cây này đến nhiều địa điểm khác trên địa bàn huyện nhằm tạo ấn tượng cho du khách, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Tương Dương thân thiện, mến khách”.

 
Tác giả: Phước Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An