Sức sống ở làng thanh niên lập nghiệp: Cuộc chinh phục vùng đất khó
- 16:32 20-05-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khó khăn bủa vây vùng đất hoang vu này vì không đường, không điện, không nhà, nhưng sức trẻ đã chinh phục được những quả đồi hoang ở xã Thanh Thủy và Thanh Hà (H.Thanh Chương, Nghệ An), biến nó thành ngôi làng trù phú.
Biến đồi hoang thành ngôi làng trù phú
Lúc đó đã gần 30 tuổi và có 4 năm là đội viên chinh phục những vùng đất khó để mở làng thanh niên lập nghiệp, nhưng năm 2000 đặt chân đến vùng đất này anh Võ Tuấn Vi, Tổng đội phó Tổng đội 9, Tỉnh đoàn Nghệ An (trước đây gọi là Làng thanh niên lập nghiệp Sông Rộ), cũng phải phát ngán vì quá khó khăn. “Anh em chúng tôi phải lội bộ ven suối nhiều cây số để vào đây khảo sát, dựng lán. Lúc đó chưa có đường, toàn rừng núi hoang vu, một số anh em trẻ được vận động lên đây lập làng cứ nằng nặc đòi về”, anh Vi kể.
Ngôi làng này được T.Ư Đoàn “khai sinh” vào năm 2000, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định xây dựng dự án các làng thanh niên lập nghiệp. Mục tiêu của Làng thanh niên lập nghiệp Sông Rộ là biến các quả đồi hoang thành ngôi làng quy mô 150 hộ gia đình trẻ, vừa phát triển kinh tế bằng trang trại, vừa bảo vệ rừng.
Ban đầu, ban chỉ huy làng chỉ có 4 người thuộc biên chế của Tỉnh đoàn Nghệ An. Đây là những người mở đầu cho công cuộc khai lập làng, biến rừng hoang thành nơi làm giàu. Trong năm đầu tiên, có 20 thanh niên ở các địa phương của Nghệ An xung phong đến đây khai cơ, lập nghiệp.
Dựa vào con đường mòn do dân đi rừng lâu ngày tạo thành, ban chỉ huy làng đo đạc, chia cho mỗi đội viên 3 ha đất rừng để ở và sản xuất. Anh Hà Văn Dương, một trong những thanh niên được kêu gọi lên lập làng đợt đầu tiên, cho biết lúc đó anh 20 tuổi, nhận xong đất, dù đã được định hướng sẽ trồng chè công nghiệp nhưng anh không mường tượng cây chè công nghiệp hình dáng ra sao.
“Tôi ra phát cây bụi, lấy cuốc cuốc mấy nhát, thấy đất khá tốt thì rất mừng, nhưng giữa rừng hoang vu này, đường chưa có, điện cũng không biết bao giờ mới tới, nên thấy tương lai mịt mù quá cũng phát nản, muốn bỏ về, nhiều anh em khác cũng thế”, anh Dương kể.
Sỏi đá đã thành cơm
Một năm sau khi được giao đất, anh Dương cùng những đội viên đầu tiên đến khai đất bắt đầu được hướng dẫn trồng chè công nghiệp. Đất này phù hợp với cây chè nên sau khi được cắm lên, chè phát triển rất nhanh. 3 năm sau, anh thu hoạch lứa chè đầu tiên và “đã thấy tương lai” vì chè bán được giá.
Được cây chè tiếp sức, anh Dương từ đó suốt ngày hì hục đào, cuốc toàn bộ 3 ha đất đều trồng chè. Con đường nối từ đường mòn Hồ Chí Minh vào làng được khai mở, điện lưới được kéo đến. Nhìn thấy tương lai, những đội viên sau đó khi được vận động đến đây, đều rất háo hức. Rồi anh Dương cưới vợ vào năm 2006. Hai vợ chồng dựng nhà trên đất được cấp để ở và chăm sóc chè. 10 năm sau, vợ chồng anh có cơ ngơi khá thành đạt. Mấy năm qua, giá chè khá ổn định nên mỗi năm, 3 ha chè mang về cho vợ chồng anh khoảng 150 triệu đồng. Cây chè đã phát triển ổn định, việc chăm sóc và hái chè cũng trở nên rất đơn giản khi đều thực hiện bằng máy nông cụ.
Năm 2002, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Vân sau khi cưới đã quyết định rời quê ở H.Đô Lương (Nghệ An) đi theo tiếng gọi lên núi lập làng. Khi đó, vợ chồng anh Vân và những đội viên đến sau phải vào sâu hơn Đội sản xuất số 1 (những người đến đợt đầu) khoảng 10 km đường rừng.
“Đó là con đường đất đá lổn nhổn, chúng tôi phải đi bộ cả mấy tiếng đồng hồ. Lên nhìn thấy núi rừng hoang vu, không nhà, không điện mà phát nản”, anh Vân nhớ lại.
Nhưng khi nhìn thấy những đồi chè đã bắt đầu phủ màu xanh trên những ngọn đồi của những người đã đến trước ở Đội sản xuất số 1, vợ chồng anh và những đội viên khác như được gieo thêm niềm tin. Từ 3 ha đất được chia, phía dưới vợ chồng anh Vân trồng chè, phía trên trồng keo. Nhờ thời tiết và thổ nhưỡng thích hợp nên chè phát triển rất tốt.
Đến nay, ngoài chè mỗi năm cho thu về 100 - 120 triệu đồng, anh trồng 400 gốc cam và năm vừa rồi, dù chỉ có 200 gốc cam mới cho quả nhưng vợ chồng anh đã thu về 130 triệu đồng.
Chỉ vào một quả đồi còn rậm rì cây bụi và những cây gỗ tạp ở phía trước nhà, anh Vân nói: “Thời điểm các thanh niên tình nguyện đến lập làng ở đây toàn thế cả. Nhưng nay, sau 15 năm, sức trẻ đã biến nơi đây thành một khu dân cư trù phú 50 hộ dân với những đồi chè xanh mướt”.
Còn anh Võ Tuấn Vi, Tổng đội phó Tổng đội 9, cho biết, khu vực Đội sản xuất số 2 trước đây từng là nơi khó khăn nhất của làng, nhưng hiện các hộ gia đình cũng đều đã có cuộc sống ổn định, hộ thấp nhất cũng có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Giao thông đã rất thuận lợi khi đường nhựa và bê tông đều đã “chạy” đến tận cổng nhà.
Hiện, Làng thanh niên lập nghiệp Sông Rộ có 150 hộ dân với 230 ha chè, cho thu về trên 10 tỉ đồng/năm, 20 ha lúa đủ cung cấp lương thực cho các hộ đội viên, 20 ha cam, hơn 100 ha keo nguyên liệu, 10 ha tre điền trúc lấy măng. Mỗi năm, thu nhập từ trồng trọt của làng khoảng 15 tỉ đồng và 5 tỉ đồng từ chăn nuôi.
Tác giả bài viết: Khánh Hoan
Nguồn tin: