Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bán dừa “tắm trắng” coi chừng mang họa

Nhiều người bán muốn dừa giữ được tươi lâu và không bị vàng ố nên dùng thuốc tẩy, hóa chất để ngâm dừa. Việc ngâm dừa vào thuốc tẩy, hóa chất này có khả năng bị xử lý nặng.
Ngoài làm thức uống giải khát tốt, nếu uống đúng cách nước dừa còn nhiều công dụng như cung cấp năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho sức khỏe tim mạch, đẹp da,…Chính vì thế mà nhiều người rất chuộng thức uống này. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều cơ sở ngâm dừa vào hóa chất, chất tẩy trắng nhằm để dừa tươi lâu hơn, nhìn bắt mắt hơn.  Nếu không ngâm vào những chất này dừa sẽ không để được lâu, dễ bị đen.
 
Dừa là thức uống có nhiều công dụng nên được nhiều người bán. Ảnh: Nguyên Võ

Một số chất tẩy nguy hiểm sức khỏe người dân

Qua xét nghiệm một số mẫu dừa, cơ quan chức năng cho biết,  phát hiện một số mẫu dừa có chứa chất tẩy trắng (Na2SO3) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Việc ngâm chất này vào dừa có khả năng thấm vào bên trong trái dừa gây ảnh hưởng rất lớn đế sức khỏe người tiêu dùng . Na2SO3 khi vào cơ thể người có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng. Ngoài ra, Na2SO3 còn có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch, hệ thần kinh.

Một số nơi khác còn ngâm dừa  bằng chất axit oxalic (H2C2O4), đây là loại chất tẩy trắng cực mạnh dùng trong công nghiệp. Theo chuyên gia nếu dùng chất này ngâm vào dừa với liều lượng cao sẽ rất nguy hiểm, nếu chất này đi vào cơ thể người dân có khả năng gây sỏi thận. Ngoài ra, nếu chất này dùng với liều lượng cao có thể gây ngộ độc hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.

 
Vì muốn dừa giữ được màu sắc bắt mắt nên một số nơi ngâm dừa vào hóa chất. Ảnh: Internet

Một số chuyên gia khuyên người dùng nên lựa chọn những quả dừa chưa được gọt vỏ sẵn, không nên mua những quả dừa đã gọt sẵn mà màu trắng tinh, những quả dừa gọt sẵn màu trắng tinh như thế nguy cơ bị ngâm hóa chất rất cao.

Cách xử lý người ngâm hóa chất vào dừa

Theo luật sư Luật sư Lê Thành Kính – Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, Hành vi của những cơ sở này đã vi phạm Điều 7, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 3 Điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.

Ngoài ra, còn có các hình thức phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 tháng đến 12 tháng đối với từng hành vi.

Bên cạnh đó cơ sở cần có biện pháp khắc phục hậu quả: Như buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; Trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, thì người sản xuất có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm;  Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm; Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

 
Tác giả: Nguyễn Võ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM