Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cải tạo chất lượng đàn lợn gặp khó

Theo thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Nghệ An hiện có gần 900 nghìn con, trong đó 60% là giống lợn nội, năng suất thịt thấp, tỷ lệ mỡ cao. Trong bối cảnh chung hiện nay, chăn nuôi lợn tại tỉnh này lại càng thêm khó khăn.
Khủng hoảng thừa

Ông Lê Quang Trạm, Trạm trưởng Trạm Giống chăn nuôi huyện Thanh Chương cho biết, trạm hiện có 7 con lợn đực cấp ông các giống Landrace, Yorkshire, Duroc, Bedu đang trong độ tuổi khai thác. Dù biết, đây là tài sản quý giúp cải tạo đàn lợn kém chất lượng tại địa phương nhưng không ít lần, trạm đã phải bỏ phí nguồn tinh dịch do không sử dụng hết.

 
10 45 56 con lon duc giong lndrt cp ong ti trm giong chn nuoi thnh chuong
Một con lợn giống Landrat cấp ông của Trạm Giống chăn nuôi huyện Thanh Chương

“Toàn huyện hiện có 27.000 con lợn nái nhưng chỉ khoảng 10% là nái ngoại, chủ yếu ở những trang trại lớn; 50% nái lai giữa lợn đực ngoại trên nền lợn Móng Cái và 40% nái nội. Mỗi năm cần sử dụng gần 60 nghìn liều tinh dịch để thụ tinh nhân tạo cho toàn bộ số lợn nái trên. Trong khi, 7 con lợn đực giống của trạm sản xuất ra được trên 40 nghìn liều tinh dịch/năm, tức là đủ đáp ứng 2/3 nhu cầu nhưng lại chỉ tiêu thụ được 23.000 liều, số còn lại phải đổ đi.

Theo thống kê năm 2016 toàn huyện có 245 con lợn đực nhảy trực tiếp do người dân mua về nuôi. Số này đa phần là lợn thương phẩm được chọn lọc để lại hoặc mua trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Thực trạng ấy cho thấy, việc cải tạo đàn lợn gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo phân tích của ông Trạm thì chất lượng đàn lợn ở Thanh Chương còn rất thấp. Với những con lợn đực giống cấp ông đạt chuẩn, khẩu phần ăn gồm cám tự phối trộn và trứng, tổng chi phí mất 40 nghìn đồng/ngày. Cứ 3 ngày, những con lợn này sẽ cho 1 lần tinh dịch với khoảng 50 liều. Nhưng với lợn đực giống của người dân nuôi, không những phập phù về chất lượng, nuôi không đúng kỹ thuật, quy trình, ăn uống không đủ chất mà có nguy cơ đem đi phối giống bất kỳ lúc nào, miễn là khi có lợn nái động dục. Có những con lợn đực, mỗi ngày phối giống 2 - 3 lần…

“Chất lượng lợn đực giống ảnh hưởng rất lớn đến lợn sơ sinh, tốc độ tăng trọng và trọng lượng xuất chuồng. Lợn đực ngoại đạt quy chuẩn cho ra đời lợn sơ sinh 0,5 - 0,6kg/con, tốc độ tăng trọng có thể đạt 25 - 30kg/tháng, xuất chuồng đạt 120 - 130kg, tỷ lệ nạc cao. Trong khi lợn đực trôi nổi và lợn đực nội chỉ cho ra đời lợn sơ sinh nặng 0,3 - 0,4kg/con, tốc độ tăng trọng 10 - 15kg/tháng, trọng lượng xuất chuồng 60 - 70kg, tỷ lệ nạc thấp. Hiện tại, cơ sở vật chất, nhân lực của chúng tôi đủ để đáp ứng nhu cầu về việc thực hiện thụ tinh nhân tạo với giá cả thấp hơn lợn đực phối giống trực tiếp”, ông Trạm chia sẻ.

Đây không chỉ là tình trạng của riêng huyện Thanh Chương mà là thực tế đang diễn ra tại Nghệ An.  

Tốc độ cải tạo đàn chậm

Tổng đàn lợn của Nghệ An hiện có 895.369 con. Theo Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An, trong số này chỉ có gần 40% là lợn đã được cải tạo trên nền lợn nái Móng Cái lai với lợn đực ngoại và một tỷ lệ rất nhỏ là lợn ngoại. Trên 60% còn lại là lợn địa phương chưa được cải tạo, trọng lượng xuất chuồng thấp, tốc độ tăng trọng chậm. Tốc độ cải tạo đàn lợn chậm nhất là tại các huyện miền núi và núi cao.

 
10 45 56 60 tong dn lon ti nghe n vn chu duoc ci to
60% tổng đàn tại Nghệ An vẫn là giống lợn nội chưa được cải tạo

Theo số liệu thống kê vào thời điểm tháng 1/2016, lợn đực lấy tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo tại Nghệ An là 138 con, được chăm sóc tại 9 trạm giống chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và một số cơ sở chăn nuôi khác. Số lợn này sản xuất ra trên 400 nghìn liều tinh dịch, đủ đáp ứng nhu cầu thụ tinh nhân tạo cho 185.197 con nái. Thế nhưng, thực tế, đàn lợn nái Nghệ An chủ yếu thụ tinh bằng phương pháp nhảy trực tiếp từ 1.392 con được nuôi tại các hộ gia đình hoặc thụ tinh tự nhiên bằng giống lợn đực nội. Trong khi đó, việc kiểm định chất lượng, quản lý, kiểm soát số lợn đực nhảy trực tiếp này rất khó khăn. Điều đó đồng nghĩa với việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn lợn ở Nghệ An gặp rất nhiều trở ngại và vẫn là một khâu yếu lâu nay.

Từ tháng 3/2016 đến nay tỉnh Nghệ An đã thành lập các đoàn đánh giá, bình tuyển, đeo thẻ tai cấp tỉnh, cấp huyện cho 60 con lợn đực giống thụ tinh nhân tạo và bấm thẻ tai 150 con lợn đực phối trực tiếp đạt tiêu chuẩn của 6 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, Anh Sơn.

Đối với lợn đực phối thụ tinh nhân tạo của các trạm giống nhìn chung đạt theo tiêu chuẩn giống, còn của tư nhân chủ yếu nuôi 1 - 2 con/hộ và hầu hết không có hồ sơ, sổ sách, phòng pha chế tinh... 80% số lượng lợn đực giống nhảy trực tiếp không có hồ sơ, lý lịch giống. Đoàn công tác các huyện chỉ đánh giá được ngoại hình, còn phần lớn các tiêu chí khác như hồ sơ, sổ sách... chưa thực hiện được.

Những con lợn đực giống kém chất lượng Đoàn kiểm tra lập biên bản yêu cầu chủ hộ chăn nuôi lợn loại thải và giao cho UBND xã kiểm tra, đốc thúc việc loại thải.

 
Tuy nhiên, theo một cán bộ trong ngành thú y Nghệ An, việc yêu cầu loại thải một số lợn đực giống nhảy trực tiếp sẽ gặp khó khăn nếu không có cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi. Trong khi đó, tâm lý của người chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ (chiếm trên 95%) tại Nghệ An, một phần do nhận thức, một phần nể nả người cùng làng, anh em họ hàng có lợn đực vẫn thường sử dụng lợn đực nhảy trực tiếp. Điều đó sẽ là rào cản lớn trong việc cải tạo đàn lợn địa phương.

Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam