Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường mầm non mời phụ huynh đến dự giờ lớp học

Mời phụ huynh tới dự giờ và góp ý cho các buổi học, kéo phụ huynh tham gia làm các sân chơi “đẹp như công viên”, huy động nhà đầu tư mở trường quốc tế ngay tại huyện nông thôn...Đó là những cách làm thiết thực bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước mà tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực thực hiện để cán đích chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, đồng thời nâng cao chất lượng ở bậc học mầm non.
Nâng cao kiến thức từ...bữa ăn bán trú

Cách đây 3 năm, Trường mầm non Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) tổ chức bữa ăn bán trú cho các bé. 

Với các phụ huynh nông thôn, việc đưa trẻ đầy đủ đến trường đã khó, huống hồ để các bé ở lại trường ăn trưa mà không về ăn nghỉ cùng gia đình gần nhà.

 
Học sinh mầm non trong giờ hoạt động thể chất ngoài trời

Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai Trâm nhớ lại, để thuyết phục, nhà trường đã mời phụ huynh đến xem quá trình chế biến thức ăn, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Những buổi đột xuất đến trường kiểm tra giờ ăn, giờ ngủ của phụ huynh đều được đáp ứng. 

Dần dà từ đó, mỗi tháng, trường tổ chức một chuyên đề gặp gỡ phụ huynh vào ngày cuối tuần. Ban đầu là nói chuyện ăn, chuyện ngủ, rồi chuyện học. Đến giờ, phụ huynh còn được mời dự giờ các buổi học của trẻ và góp ý với các cô giáo.

Theo cô Trâm, nhờ các buổi tham gia đó, các thắc mắc về chuyện học của trẻ sẽ được giáo viên giải thích cặn kẽ; phụ huynh cũng đồng cảm với công việc của người dạy hơn và qua đó nâng dần hiểu biết, kiến thức với bậc học đầu đời của con em mình.

“Với chúng tôi, xã hội hoá không chỉ là việc phụ huynh tham gia hỗ trợ vật chất, cùng làm đồ chơi,v.v... mà còn có cả sự song hành như vậy” – cô Mai Trâm cho hay.

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, để huy động được trẻ 5 tuổi tới trường mầm non cho chương trình phổ cập, tỉnh Đồng Tháp đã dốc sức cho công việc gian nan này, trong đó hỗ trợ bữa ăn bán trú cho trẻ là một việc làm thiết thực.

 
Trường mầm non thị trấn Lấp Vò, diện tích 13.000m2, với 3 khu vực sân chơi, đẹp như công viên

Giai đoạn từ 2011 – 2015, Đồng Tháp đã chi gần 59 tỷ đồng thực hiện chính sách cho trẻ, trong đó, chi trả tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3, 4 và 5 tuổi (mỗi em 120.000đ/trẻ /tháng) tới 26,9 tỷ đồng.Có hơn 27.000 lượt trẻ em được thụ hưởng chính sách này. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp hơn 29 tỷ đồng để bù miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 38.000 lượt trẻ. Số tiền hơn 2,7 tỷ đồng còn lại đã hỗ trợ các chính sách khác của địa phương như tiền ăn cho trẻ học tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cộng đồng.

“Tiểu học, THCS còn phải tị với mầm non”

Sau một thời gian lao đao vì bị thả lỏng với “xã hội hoá”, đến năm 2010, giáo dục mầm non được Nhà nước chính thức “nhận trách nhiệm” với quyết định phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, ký ngày 9/2/2010. 

Theo đó, Chính phủ nhận nhiệm vụ đảm bảo gần 80% trẻ 5 tuổi được học trong các trường mầm non công lập, riêng các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây nguyên, ĐBSCL và các vùng khó khăn là 100%. Tiếp theo đó là quyết định 60/2011/QĐ-TTg khẳng định “ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa là về hưu, cô Nguyễn Thị Phượng – Phó phòng giáo dục huyện Lấp Vò vẫn nhớ như in quãng thời gian “sau một thời gian bị bỏ quên, giáo dục mầm non mới được sực nhớ” khi những văn bản bước ngoặt trên ra đời.

 

“Lúc đó, trăn trở của chúng tôi là làm sao để trẻ được được 2 buổi ngày, huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; con số tốt đẹp ai cũng mong muốn, nhưng vận hành trong thực tế mới lắm gian ” – cô Phượng cho hay.

Và quyết định đột phá là mời các các nhân mở nhóm, lớp trẻ tư thục. Để có nguồn giáo viên, địa phương phối hợp với Trường ĐH Đồng Tháp mở lớp đào tạo sư phạm hệ 12 + 2, vận động học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học. 

“Trước đây, vào các cuộc họp của UBND không ai nói tới, ra ngoài cộng đồng, xã hội chẳng mấy ai quan tâm tới mầm non. Nhưng đến giờ thì đã khác. Các giáo sinh mầm non 12 + 2 ngày đó, giờ đã có bằng đại học. Trường được xây dưng khang trang, đến mức tiểu học, trường THCS còn phải ghen tị” – cô Phượng nói vui.

Dẫn mọi người đi xem ngôi trường thị trấn Lấp Vò trên diện tích 13.000m2 với hệ thống sân chơi phong phú hơn cả công viên ở nhiều thành phố, cùng các phòng học thoáng mát, trang thiết bị đầy đủ, cô Phượng nói:

“Tôi phải đấu tranh để huyện xây được những ngôi trường đẹp như thế này. Cũng thuận tiện là lãnh đạo huyện cũng đồng quan điểm “những gì tốt đẹp phải dành cho trẻ” nên mọi thứ thuận lợi hơn".

Bởi vậy, có thể hiểu được nỗi lo của cô Phượng khi thỉnh thoảng đi cơ sở mà thấy các phụ huynh nhiệt tình tham gia công việc cùng với nhà trường:

“Thấy một nhóm khoảng 10 phu huynh đang đốn cây làm trò chơi dân gian ở sân chơi ngoài trời để cho trẻ ham tới trường, tôi rất xúc động. Có những cái quan tâm đặc biệt làm mình đôi lúc lại đâm lo, nghĩ làm sao cho tốt để đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh”.

Dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Trường tiểu học Hoà An (thành phố Cao Lãnh) trước đây chỉ có 6 phòng học, đồ dùng học tập đơn sơ. Năm học 2011 – 2012, trẻ 3 tuổi đến lớp chỉ có 37,5%; con số này ở trẻ 5 tuổi là 94%. Đến nay, trường đã có 16 phòng học, các lớp học được trang bị đồ chơi khá đầy đủ và tỷ lệ ra lớp cũng thay đổi đáng kể. Đến năm học này, tỷ lệ đến lớp ở các độ tuổi 3 -5 đều đạt 100%. 

Cô hiệu trưởng Đỗ Thị Điểm cho biết, khi tỷ lệ học sinh ra lớp đã hoàn tất, thì mục tiêu của nhà trường là làm sao nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, cùng với giáo viên mầm non trong tỉnh, các cô giáo ở Hoà An vừa tự học, vừa được bồi dưỡng các nội dung giáo dục mới. Những khái niệm như “dạy học lấy trẻ làm trung tâm”, "dạy học theo hướng phát triển cá nhân của từng trẻ",v.v...đang được các cô cập nhật dần dần.

 

Cô Nguyễn Thị Cẩm Tuyến, hiệu trưởng trường mầm non Lấp Vò cho biết thêm: trường đã bồi dưỡng toàn bộ giáo viên theo 10 modun của một chương trình mầm non mới.. Tại trường có các khu vui chơi nên rất thuận tiện cho thực hiện modun phát triển trẻ qua vận động. 

Với quy mô trường, lớp mầm non ngày càng phát triển, từ năm 2011 - 2015, tỉnh đã tuyển dụng thêm 834 giáo viên, nâng tổng số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, nhân viên lên 4.136 người (công lập). Giáo viên trong biên chế nhà nước chiếm tỷ lệ cao với 79,12%. Đến tháng 6/2015, tình trạng thiếu giáo viên cơ bản chấm dứt, nhiều nơi nâng dần yêu cầu về chất lượng, như: trình độ ĐH, tăng cường bồi dưỡng kiến thức giáo dục mới qua ứng dụng công nghệ thông tin,v.v..

 

Tác giả bài viết: Song Nguyên

Nguồn tin: