Mẹ và con trai
- 08:14 08-05-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trên cõi đời bất trắc đang dần dần bị ô nhiễm này, duy nhất chỉ còn một thứ tình cảm vĩnh viễn không bao giờ gợn tạp, đấy là nỗi lòng của người mẹ dành cho con trai.
Trong suốt những chuyên luận vừa rắc rối nhầm lẫn vừa khai sáng minh triết của mình, tâm lý gia lỗi lạc người Áo, Sigmund Freud (1856-1939) đã cảm hứng trên huyền sử bi kịch Hy Lạp rồi đưa ra một thuật ngữ đến nay hầu như chắc chắn được coi là kinh điển.
Đây là thuật ngữ "phức cảm Ơđíp" (Complexe d'Oedipe). Oedipe là hoàng tử xứ Thesbes, kha khá anh hùng, sau một hồi lưu lạc tha hương thì khi quay về đã vô ý giết cha, lấy mẹ. Loại đi vài ba cái lăng nhăng tùy theo quan niệm đạo đức của từng thời, Freud muốn trắng trợn minh bạch hóa một điều, đã là con trai thì vô cùng yêu mẹ.
Đám người phương Tây thích chữ nên rắc rối thật chứ phương Đông vốn dĩ điềm đạm và trong trẻo thì từ xửa xưa đến nay chuyện tình cảm giữa mẹ và con trai (mẫu tử chi tình) luôn là điều đương nhiên, vừa tuyệt vời thiêng liêng vừa giản dị cao cả.
Trong văn tự tượng hình tối cổ, chữ mẫu là hình chữ nữ có điểm nhô thêm ra hai núm vú. Với tất cả bọn đàn ông từng oe oe biết bú tí, nghĩa gốc của chữ này không cần giải thích cũng hiểu, đó chính là Mẹ. Đôi bầu sữa nhỏ nhoi vĩ đại ấy nồng nàn ám ảnh hết thảy những thằng con trai, kể cả rồi đây nó huênh hoang may mắn trở thành đại văn hào hay đại chính khách.
Tuyệt đại đa số đều không biết rằng, trái tim thương yêu vô bờ bến của người mẹ đã cứu chúng ta ra khỏi kiếp nạn bị trượt xuống thành cái thứ có sừng, có đuôi, có móng. |
Chao ôi, từ vú mẹ đến vú người tình là cả một sự tha hóa của trưởng thành. Một nhà văn người Nga bị cai sữa sớm đã rưng rưng cảm thán như thế. Nhà thơ Thu Bồn còn dữ dội hơn: "Mẹ đã thả neo vào miệng con bằng núm vú. Giông tố bão bùng không đánh bật được mẹ ra".
Trên cõi đời bất trắc đang dần dần bị ô nhiễm này, duy nhất chỉ còn một thứ tình cảm vĩnh viễn không bao giờ gợn tạp, đấy là nỗi lòng của người mẹ dành cho con trai. Bằng hữu đôi khi có bội bạc, người tình thường xuyên có phản lừa.
Huynh đệ thỉnh thoảng vì lợi mà tổn thương nhau, thầy trò nhiều lúc vì danh mà đem bán rẻ. Duy chỉ có tình mẫu tử là kim cương bất hoại. Lúc lóc nhóc chưa có răng thì mẹ nhịn đói lùa xương lọc thịt nhá mớm cho con. Lúc phương trưởng nhỡ gặp gian nan thì mẹ sấp mặt oằn lưng sẵn sàng đỡ chịu.
Thậm chí, có những thằng mất dạy vì mê đắm nữ sắc, vì rồ dại công danh cuồng loạn giẫm đạp ngay lên cả mẹ đẻ, thì mẹ vẫn nghẹn ngào hạnh phúc cam nguyện làm bậc, tự đáy lòng chỉ mong thằng con đừng bao giờ chệnh choạng.
Và thằng con trai cậy chữ cậy khôn tâng bốc cho đấy là sự hy sinh vị tha. Khốn nạn thay cho cái nhân loại đã bị đục ngầu này, tuyệt đại đa số đều không biết rằng, trái tim thương yêu vô bờ bến của người mẹ đã cứu chúng ta ra khỏi kiếp nạn bị trượt xuống thành cái thứ có sừng có đuôi có móng.
Có phải thế chăng mà sâu xa trong các tôn giáo lớn, đức tin vào đạo Mẫu là cực kỳ thâm hậu lung linh. Quán Thế Âm Bồ Tát (avalokiésvara) xuất xứ là một người nam, nhưng cùng với sự khoan dung dịu dàng của người mẹ đã từ bi trở thành một người nữ. Trong huyền thoại các giáo sử, có hai bà được thánh hóa từ chữ "Mẫu".
Ở Thiên Chúa giáo phương Tây là Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội Thánh mẫu Maria. Còn ở Đạo giáo phương Đông là bà Tây Vương Mẫu, chủ nhân của Dao Trì cung trên đỉnh Côn Lôn, nơi có đặc sản quả đào trường sinh bất lão.
Hình ảnh bà mẹ Tổ Quốc là cảm hứng vô tận cho không biết bao nhiêu tượng đài, nhất là những chỗ có đám con trai dữ dội đánh nhau. Cùng với núi cao rừng rộng, lòng mẹ là nơi trú ẩn tuyệt vời chở che cho mỗi chiến binh trước hiểm nguy kẻ thù. "Mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất" (Bùi Minh Quốc). Dung lượng chứa đựng bao la mênh mông ấy chỉ thấy ở lòng mẹ.
Tất nhiên, những thằng con trai rồi cũng sẽ hiểu, đứa con được kết tụ từ bao nhiêu nước mắt của từ mẫu thì làm sao có thể hư hoại được. Đã có bà mẹ như Mạnh Mẫu thì đương nhiên phải có người con như Mạnh Tử, vị á thánh khét tiếng hiếu hạnh của Nho giáo. Và cho dù phải bôn ba loay hoay ngược xuôi hòng hóng hớt chút ít lợi danh thì nỗi nhớ về mẹ luôn da diết tức tưởi.
Thi hào lãng tử Mạnh Giao đời Đường (Trung Quốc) có câu thơ ngóng mẹ giàn giụa tới đứt ruột: "Từ mẫu thủ trung tuyến. Du tử thân thượng y". Đại loại là áo sợi mà tình mẹ hiền dệt cho thằng con lang thang lúc nào cũng khư khư mặc trên mình. Chính vì thế, kẻ sĩ thời xưa vinh dự xác định: "Một ngày được phụng dưỡng mẹ thì có đem chức thủ tướng cũng không đổi" (Nhất nhật đại dưỡng bất dĩ tam công hoán). Ngày nay đạo hiếu văn minh hơn, nhiều thằng con trai đang dư dật tiền đang hân hoan phấn đấu trên hoạn lộ thường "phụng mẫu" ở nhà dưỡng lão.
Dạo trước, đâu đó có tin đồn một bức tượng bỗng nhiên bật khóc. Không ít thằng con trai vội vã cho đấy là sự phi thường. Loại đi mê tín hay những niềm tin chính tín, thử nhìn ngay lại những bà mẹ bình thường vốn chan chứa cả lo của chúng ta xem sao. Khi phải thấy những đứa con làm nhiều điều xấu xa rồi ngập vào các tha hóa các bà mẹ không bật khóc mới là chuyện lạ.
Tác giả bài viết: Nhà văn Nguyễn Việt Hà
Nguồn tin: