Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bánh đúc xanh chấm mật - hương xưa xứ Huế

Huế là quê hương của nhiều loại bánh thanh tao gây thương nhớ cho nhiều người như: Bánh nậm, bánh lọc, bánh ít...
Bánh đúc xanh xứ Huế hấp dẫn thực khách bởi sự giản dị

Huế là quê hương của nhiều loại bánh thanh tao gây thương nhớ cho nhiều người như: Bánh nậm, bánh lọc, bánh ít...; Huế cũng có một món bánh thân thuộc xưa cũ đã từng đi vào câu ca: Thèm ăn một miếng đúc mật/Thương người chật vật giữ nét Huế xưa, đó là món bánh đúc xanh chấm mật.

Món quà quê quen thuộc ngày xưa nay đã trở lại tiệm bánh ở 214 Phan Châu Trinh (Huế). Mỗi phần ăn được bán với giá bình dân 25 - 30 nghìn đồng kèm theo mật được làm từ mía, thu hút không chỉ thực khách địa phương và còn hấp dẫn dân du lịch các vùng miền.

Được biết, từ xưa, bánh đúc xanh là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích. Có cách làm gần giống bánh đúc trắng, nhưng quá trình làm bánh đúc xanh công phu hơn với nhiều công đoạn tỉ mỉ. Người bán bánh đúc ở 214 Phan Châu Trinh cho biết, gạo làm bánh phải chà với nước thật sạch để khi đổ bánh không bị chua.

Tiếp đó, ngâm gạo với nước tro lò - thứ nước được lóng lại từ loại tro củi hoặc tro lá cây không lẫn tạp chất và phải được nấu trong lò, mục đích để bánh được giòn ngon một cách tự nhiên. Sau đó, đem gạo xay lẫn với nước cho ra bột nước đến khi thật nhuyễn mịn.

Để tạo màu xanh cho bánh, người ta dùng những lá non của cây bồng bồng rửa sạch xay lấy nước cốt, trộn với bột gạo đánh thật kỹ rồi đem lên bếp tới khi đặc sệt, đổ bột ra trên cái khay có lót lá chuối rồi cán phẳng ra. Cuối cùng đem vào hấp, lúc bánh vừa độ chín bỏ ra mâm để nguội.

Bánh làm xong chờ nguội sẽ được cắt ra thành từng miếng nhỏ. Người bán có thể cắt bánh thành hình vuông, chữ nhật hay tùy vào hứng thú và tài hoa của người bán. Nhưng nếu khách mua bánh về nhà thì chủ nhân đảm đang khéo tay có thể cắt bánh theo hình thoi để khi bày lên đĩa sẽ có hình ngôi sao hoặc đóa hoa tùy ý tưởng của mình cũng như sự cảm nhận của người thưởng thức.

Bánh đúc xanh chỉ hợp khi chấm với nước mật được làm từ mía. Lấy miếng bánh nhỏ xinh nhúng vào chén mật mía, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi giòn giòn của bánh hòa quyện với vị ngọt thơm của mật.

Đặc biệt, bánh đúc xanh chấm mật không dùng thìa hoặc đũa như khi ăn một số loại bánh khác. Ăn bánh đúc với dao tre mới thật đồng điệu, độc đáo. Thưởng thức món quà quê này khiến người ta nhớ lại những ngày xa xưa người Cố đô thường ăn vận lịch sự, áo dài, quần the đi chợ Gia Lạc, ăn bánh đúc xanh - chút hương xưa của xứ Huế thơ mộng.
 

 
Tác giả: T.H
Nguồn tin: Báo Giao Thông