Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quế Phong - Nghệ An: Lãng phí khi chi tiền tỷ xây dựng trường học?

Phải mất gần 5 năm với tổng chi phí lên tới hơn 3 tỷ đồng để xây trường học ở Pù Sai Cáng, Quế Phong, Nghệ An nhưng công trình này lại bị bỏ hoang, lãng phí.
Trong khi nhiều nơi đang thiếu trường học thì điểm trường tại khu tái định cư Pù Sai Cáng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An được đầu tư xây dựng với tổng chi phí là hơn 3 tỷ đồng gồm khu sinh hoạt cộng đồng, Trường mầm non và Trường tiểu học. Điều đáng nói ở đây là các hạm mục công trình đã hoàn thiện được  gần 5 năm nhưng không sử dụng nên dẫn đến xuống cấp hư hỏng nặng.
 
truong
2 ngôi trường đang bỏ trống không dùng.
truong1
Khi phóng viên đến trực tiếp thì thấy trường học đang xuống cấp trầm trọng.

Thông Thụ có 13 bản, gồm 3 thành phần dân tộc Kinh, Thái, Thổ, trong đó 99% là đồng bào Thái. Dọc hai bên lộ lớn, các khu tái định cư Pù Sai Cáng, Na Lướm, Huôi Dừa, Na Hứm, Huôi Sai... san sát những ngôi nhà sàn gỗ, mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao. Cùng với các công trình trường học, trạm xá, trụ sở, điện, nước được Nhà nước đầu tư xây dựng... Khu sinh hoạt cộng đồng, Trường mầm non và Trường tiểu học được xây dựng tại khu tái định cư trên khu đất núi cao ráo, bằng phẳng nằm gần ngay cạnh đường rải nhựa phẳng lỳ nhưng do một thời gian dài không sử dụng nên các hạng mục như cửa, hệ thống điện, quạt trần, đèn chiếu sáng hầu hết đã hỏng hoàn toàn, cửa sổ bằng kính bị vỡ gần hết, trần nhà đang có nguy cơ sập xuống. Một số gia đình ở khu tái định cư thấy trường bỏ hoang đã đưa bò vào để nuôi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu tái định cư mới cách điểm cũ gần 3km và trên núi cao, do nước sinh hoạt không có nên bà con nơi đây không đồng ý lên ở. Tuy nhiên tại đây đã được xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng, Trường mầm non, Trường tiểu học và chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na, dự án được xây dựng theo Quyết định số 79.2/QĐ- HHC, ngày 23/2/2012 của Giám đốc công ty cổ phần thủy điện Hủa Na về việc phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán Trường mầm non điểm tái định cư Pù Sai Cáng - công trình thủy điện Hủa Na; Quyết định số 79.3/QĐ- HHC, ngày 23/2/2012 của Giám đốc công ty cổ phần thủy điện Hủa Na về việc phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán Trường tiểu học điểm tái định cư Pù Sai Cáng - công trình thủy điện Hủa Na; Quyết định số 79.4/QĐ- HHC, ngày 23/2/2012 của Giám đốc công ty cổ phần thủy điện Hủa Na về việc phê duyệt Hồ sơ thiết kế BVTC - Dự toán khu sinh hoạt cộng đồng điểm TĐC Pù Sai Cáng (<100 hộ) công trình thủy điện Hủa Na; Quyết định số 184/QĐ- UBND, ngày 16/3/2012 của UBND huyện Quế Phong về việc chỉ định thầu đơn vị thi công công trình: Thi công xây khu sinh hoạt cộng đồng, Trường mầm non và Trường tiểu học điểm tái định cư Pù Sai Cáng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong thuộc dự án công trình thủy điện Hủa Na.

 
truong2
Khu sinh hoạt cộng đồng trong bản nghiệm thu có sân 470 m2 và có cổng rào 7m.

Ngày 19/3/2012 giữa BQLDATĐC.HN với Công ty TNHH Một thành viên xây dựng Hưng Phát có địa chỉ tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ký Hợp đồng xây lắp số 87/HĐ/QLDATĐC.HN-HUNG PHAT về việc thi công xây dựng trường tiểu học, trường mầm non và khu sinh hoạt cộng đồng điểm tái định cư Pù Sai Cáng với với Bản vẽ thiết kế thi công do công ty cổ phần đầu tư xây dựng Khôi Nguyên lập, được chủ đầu tư phê duyệt.
 
truong3
Sân trường đang hư hỏng không có nền.

Bên giao thầu là Ban quản lý dự án tái định cư công trình thủy điện Hủa Na với người đại diện là ông Trương Minh Cương làm Trưởng ban với chi phí thi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng (dưới 100 hộ) là 664.855.010 đồng, trường mầm non 1.285.613.841 đồng, trường tiểu học 1.294.888.723 đồng. Công trình có giá trị trước thuế 3.245.357.574 đồng và thuế (VAT 10%) 324.535.757 đồng. Tổng cộng giá trị làm tròn là 3.569.893.000 đồng tại điểm tái định cư Pù Sai Cáng.

Sau hơn 5 tháng thi công, ngày 07/09/2012 hai bên đã ký biên bản số 01 nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình để đưa vào sử dụng Trường tiểu học gồm 02 phòng học và 02 phòng chức năng có diện tích 214m2; Nhà vệ sinh tự hoại gồm 04 phòng có diện tích 28m2; Bể nước diện tích 14m2; Sân vườn, bồn hoa; Trường Mầm non gồm 02 phòng học và 02 phòng chức năng diện tích 219m2; Nhà vệ sinh tự hoại gồm 03 phòng diện tích 13m2; Bể nước diện tích 14m2; Sân vườn, bồn hoa; Khu sinh hoạt cộng đồng dưới 100 hộ diện tích 89m2; nhà vệ sinh tự hoại gồm 03 phòng diện tích 13m2; Bể nước 14m2; Sân vườn, bồn hoa, cổng, hàng rào với “Chất lượng đạt yêu cầu theo thiết kế và tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành”.

Ngày 09/09/2012, đại diện UBND huyện Quế Phong có ông Trương Minh Cương, đại diện BQLDA tái định cư công trình TĐ Hủa Na có ông Phó ban Lô Văn Chiến và cùng ông Phạm Văn Định, Lang Văn Thành, Nguyễn Anh Minh, Đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na có ông Trịnh Bảo Ngọc là Phó Giám đốc và ông Vũ Đình Tuấn, Đại diện UBND xã Thông Thụ có bà Lương Thị Hồng là Chủ tịch, Đại diện Trường mầm non xã Thông Thụ có bà Hoàng Thị Xuyến là Hiệu trưởng cùng đại diện Trưởng bản ông Lương Văn Bích đã lập biên bản số 02 bàn giao hạng mục công trình đưa vào sử dụng Trường mầm non gồm nhà học 2 phòng và 2 gian nhà công vụ, chức năng 170m2, nhà vệ sinh 6m2, sân, bể nước cùng với biên bản bàn giao hạng mục công trình công cộng để đưa vào sử dụng gồm nhà sinh hoạt cộng đồng 77m2, nhà vệ sinh 14m2, cổng, hàng rào 7m, sân 470m2 và bàn giao Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Hướng đưa vào sử dụng biên bản số 03: nhà học 2 phòng, 1 phòng chức năng, 1 phòng công vụ tổng 160m2, nhà vệ sinh 17m2, sân 255m2.

Hiện tại Khu sinh hoạt cộng đồng, Trường mầm non và Trường tiểu học đã bàn giao từ năm 2012 và người thụ hưởng là bà con xã Thông Thụ, nhưng bà con chỉ biết ngắm nhìn, tiếc nuối khi hàng ngày vẫn tiếp tục chứng kiến tiền của Nhà nước đầu tư, trôi dần theo thời gian không sử dụng. Trao đổi nội dung trên với phóng viên, ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Chủ đầu tư khảo sát sai địa điểm xây dựng khu tái định cư trên khu đất núi cao và dốc, nước sinh hoạt cho bà con không có nên không ai chịu lên đó”.

Thiết nghĩ, trong khi tại tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa học sinh vẫn còn phải học trong những trường học tạm bợ và tất cả đều ước mơ có một ngôi trường khang trang để học thì tại huyện Quế Phong có những ngôi trường đầu tư hàng tỉ đồng xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Cần phải có sự rà soát và tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện dự án để tránh tình trạng “nơi cần thì không có, nơi có lại bỏ hoang”.

 
Tác giả: Thái Quảng - Vũ Bình
Nguồn: Kinh doanh và Pháp luật