Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Lò” đào tạo SLNA: “Cuộc chiến” chống đói nghèo để sinh tồn (kỳ 1)

Những năm vừa qua, do bất lợi về tài chính, lò Sông Lam không còn sức cạnh tranh cao ở giải quốc gia. Thế nhưng, ở muôn vàn khó khăn của “cuộc chiến” chống đói nghèo, lò đào tạo nay vẫn duy trì được sự bài bản đáng nể. Họ đang và luôn sẵn sàng cho ngày tìm lại ánh hào quang xưa.
Nói về cái khó của bóng đá trẻ xứ Nghệ thì luôn là cả một câu chuyện dài. Vài năm trước, GĐĐH Hồ Văn Chiêm thỉnh thoảng còn đăng đàn kêu nghèo kể khổ nhưng giờ thì không nữa. Vì ai cũng hiểu, kêu chẳng giải quyết được gì, vì ở xứ sở này, tình yêu bóng đá luôn có thừa nhưng bảo ai đó bỏ tiền vào làm bóng đá thì “đừng có mơ”.  
 
Lực lượng trẻ của lò Sông Lam luôn dồi dào, gần như không phải thuê mượn cầu thủ.

Một năm, rồi hai năm; lò Sông Lam trắng danh hiệu ở các giải trẻ. Nhiều người đã nghĩ đến việc thoái trào của lò đạo tạo bóng đá trẻ lừng danh này. Thực tế thì sức ép giành cho những người làm bóng đá nơi đây cũng cực kỳ ghê gớm. Dân nơi đây, năm nào cũng quen với việc rước các cầu thủ trẻ vô địch giải quốc gia trở về; thì 1-2 năm nay không có điều đó nên buồn ra mặt.

Rất may là trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo địa phương và đội bóng đồng lòng để ít ra, phải duy trì được sự bài bản của lò đào tạo này. Kinh phí được nâng lên từ 25 tỉ đồng/năm hoàn toàn do tiền ngân sách. Lò có thêm U.10 và tăng cường nhân sự ở cấp quản lý, giảng dạy khi nhiều cựu cầu thủ SLNA được biên chế vào đây.

Không có được thành tích tốt nhưng thầy và trò ở lò Sông Lam không vì thế mà nản. Họ vẫn kiên trì, chăm chỉ luyện tập với những mục tiêu nhất định. Một lớp 2 thấy, tập theo những giáo án hiện đại và đến đại bản doanh SLNA, người ta không khó để nhận ra sự chuyên nghiệp và không khí bóng đá luôn tràn ngập.  

 
Quy trình thi tuyển vào lò Sông Lam vẫn rất khắt khe.

Rất nhiều địa phương khác, thậm chí là cả các trung tâm đào tạo lớn, mỗi năm đều phải đi mượn quân khắp nơi để tham dự đủ các giải trẻ theo yêu cầu của một CLB chuyên nghiệp. Riêng lò Sông Lam thì lứa nào cũng lực lượng dồi dào; thậm chí một lứa U của họ còn có 2-3 đội hình.

Trước sức ép về sự cạnh tranh, đặc biệt là cơ chế tài chính thua thiệt nhưng lò Sông Lam vẫn duy trì được sự bài bản, đó cũng là điều đáng ghi nhận. 2 năm qua, dù không có chiếc cúp nào nhưng lò Sông Lam vẫn hoàn thành chỉ tiêu mà tỉnh giao, đó là có ít nhất một đội giành giải nhì ở giải quốc gia.

Với nhiều người, lò Sông Lam lừng danh trong quá khứ, nay thành tích đi xuống là đáng chê trách. Thế nhưng, có ở trong cuộc mới biết, giữa muốn vàn khó khăn bủa vây, những người làm bóng đá nơi đây vẫn nỗ lực, duy trì được nguồn sống, tạo những tiền đề cho ngày trở lại; đó đã là nỗ lực lớn và rất đáng nghi nhận.

Kỳ 2: Hành trình tìm lại ánh hào quang xưa

 

Tác giả bài viết: Lâm Vũ

Nguồn tin: