Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thà đánh giày còn hơn làm nhân viên ngân hàng

Sự khác nhau giữa người đánh giày và một nhân viên ngân hàng được nhà báo Lucy Kellaway của Financial Times mô tả lại cho thấy thành công trong công việc chính là cách mỗi người cảm nhận nó.
Thứ năm tuần vừa rồi lần đầu tiên trong đời, tôi đã thuê đánh giày. Tôi chưa từng làm việc này, một phần bởi tôi thường tự đánh giày, hơn nữa là vì không thích khi có ai đó quỳ xuống dưới chân mình. Tôi nhớ hồi còn làm việc tại phố Wall những năm 80, trong văn phòng có hàng tá nhân viên mặc vest sang trọng ngồi đọc báo, trong khi những người lao công cúi gập người lau sàn dưới chân họ.

Nhưng tuần trước, một người đồng nghiệp kể rằng anh ta đã gặp một người đánh giày vô cùng tâm huyết. Tò mò nên tôi quyết định tới tìm hiểu. 

Trước đó, trong một bữa tiệc, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ đang giữ vị trí cao tại một ngân hàng. Khi tôi hỏi liệu cô ta có thích công việc này không, thì nhận được câu trả lời rằng ai mà muốn làm cả đời trong ngành tài chính thì thật là điên rồ. Quy tắc khắt khe, ảnh hưởng chính trị, phân biệt giới tính hay sự quan liêu là những thứ bạn sẽ phải đối mặt. Sau 20 năm làm việc, cô đã kiếm đủ tiền để có thể nghỉ hưu, và cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm sau khi nộp đơn nghỉ việc.

 
Mỗi người cuối cùng cũng đều tìm thấy mục đích trong công việc mà mình đang thực hiện.

Rồi tôi cũng gặp được người đánh giày được nhắc tới. Đó là một người đàn ông tên Marc, làm việc tại sân nhà thờ chỉ cách ngân hàng của người phụ nữ nọ 100m. Gần 20 năm nay, cứ đúng 11 rưỡi sáng, anh ta xuất hiện và xin đánh giày cho các nhân viên văn phòng đang nghỉ trưa. Nghề đánh giày nghe có vẻ thật thấp kém, khi bạn phải cúi xuống dưới chân người khác, là nghề mà lũ trẻ con mồ côi ở Mumbai (Ấn Độ) làm để sống qua ngày.

Những năm 90, anh ta đến London và hy vọng sẽ được làm việc trong giới truyền thông. Nhưng sau khi phát hiện ra công ty của mình chỉ là lừa đảo, anh ta lại chuyển sang nghề đánh giày. Khi tôi hỏi vì sao anh ta lại thích nghề này, người đàn ông đó đã trả lời rằng: “Tôi không cần phải thông minh và không cần phải gây ấn tượng với ai cả. Đây là một điểm tuyệt vời, bởi tôi đã dành nửa đời mình tỏ ra thông minh, và điều đó thật mệt mỏi".

Một điểm nữa mà Marc nhắc đến chính là sự hài lòng trong công việc khi có thể biến những đôi giày lấm lem trở nên sáng bóng. Tôi cũng có thể hiểu được điều này, khi mà nghề nhà báo của tôi ít ra cũng tạo ra được sản phẩm rõ ràng, trái ngược với ngành ngân hàng.

Thứ ba, cũng là điểm quan trọng nhất, là công việc này đem lại niềm vui cho khách hàng. Làm cho người khác vui cũng là nguồn gốc của hạnh phúc. Đó là lý do vì sao nhân viên thẩm mỹ hay thợ làm tóc lại có chỉ số hạnh phúc cao hơn cố vấn và kỹ sư.

Là một phóng viên, tôi luôn cố gắng mang lại niềm vui cho người khác, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến tận mắt độc giả hứng thú với tác phẩm của mình. Còn người thợ đánh giày lại có thể thấy được niềm vui của khách hàng ngay lập tức.

Thứ tư là anh ấy có thể trò chuyện với khách hàng của mình. Theo Marc, hầu hết mọi người đều thèm một cuộc nói chuyện thoải mái, và rất hào hứng kể cho thợ đánh giày của mình những chuyện thú vị diễn ra trong ngày.

Điểm cuối cùng là Marc có thể làm việc theo giờ giấc linh hoạt. Anh chỉ đánh giày vào giờ ăn trưa khi đông khách, thời gian còn lại thì làm dịch thuật. Không chính trị, cũng không chịu sự quản lý nào. Nhược điểm duy nhất là anh chỉ có thể kiếm được 30 bảng Anh mỗi giờ với nghề này, và vì thế không thể nghỉ hưu sớm. Nhưng dù sao thì Marc cũng chưa có ý định đó.

Tác giả bài viết: Minh Sơn (theo FT)

Nguồn tin: