Vụ di dân tái định cư dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na: Chủ đầu tư nói gì?
- 11:19 22-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Pháp Luật Plus đã có buổi làm việc với Lãnh đạo công ty Cổ phần thủy điện Hủa Na về việc 5 năm người dân tái định cư chưa an cư...
Theo số liệu phòng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng Hủa Na cung cấp, chủ đầu tư đang nợ dân tái định cư gần 4 tỷ đồng. Ông Trịnh Bảo Ngọc (GĐ nhà máy Thủy điện Hủa Na) cho biết:“Quá trình làm đền bù gần 10 năm nay rồi. Trong gần 4 tỷ này chỉ có hơn 400 triệu là đúng, còn hơn 3 tỷ thì chưa đủ tài liệu hoàn tất thì làm sao mà trả được”.
Cũng theo ông Ngọc, lí do chậm trả tiền đền bù là bởi vì tổng số tiền chưa đúng hoặc chưa có đầy đủ giấy tờ, tài liệu, chứng cứ, hồ sơ. Khi đầy đủ hồ sơ, nhà máy thủy điện Hủa Na sẽ trả tiền.
"10 năm nay ở Hủa Na thì 7 năm làm xong đường nước, đã kí và bàn giao lại cho dân. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của Huyện phải bỏ tiền ra mà tu sửa, quản lý vận hành, cho là hết 1 năm. Chúng tôi bảo hành 6 năm nữa. Tôi làm công văn nói huyện rất nhiều lần, nói mồm, điện thoại các kiểu, huyện không bầu ra được 1 ban quản lý. Ví dụ ở 1 cái bản nào đấy, đường nước là ống kém, mình phải bảo quản, bảo trì hàng năm, nhưng có ai bảo quản đâu?”, ông Ngọc cho biết thêm.
"Hiện tại, có 13 điểm đã có các biên bản đầy đủ. Còn 4 điểm nữa chưa xong, có nghĩa là bọn tôi làm xong nghĩa vụ rồi, bàn giao rồi, bây giờ xuống cấp sao lại đổi cho Hủa Na, thà làm xong, dở dang chưa bàn giao cho dân thì trách nhiệm của Hủa Na là đúng thôi”, ông Ngọc tiếp lời.
Về vấn đề lúa nước, đại diện nhà máy thủy điện Hủa Na cho biết, có 13 điểm lúa nước cần phải khai hoang, trong đó có khoảng 8 điểm tận dụng lại lúa nước đã sẵn có. Không xây dựng lúa nước nữa mà hỗ trợ bằng tiền phục hóa với xã khoảng 333 triệu /1ha, lấy tiền đấy phục hóa thành ruộng lúa nước nhà mình.
"8 điểm này chuyển tiền đầy đủ cách đây gần 1 năm, từ tháng 6/2016. Trả tiền cho huyện, huyện phải trả cho dân chứ để phục hóa, chủ đầu tư đã hết hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề làm lúa nước cho dân ở 8 điểm đấy, trong đó có 6 điểm của xã Thông Thụ. Còn 5 điểm, trong đó có 2 điểm đã giao lúa nước, 1 điểm giao chính thức, 1 điểm mới giao được đợt 1.", ông Ngọc chia sẻ.
"Chủ đầu tư chưa giao lúa nước cho dân, sau hết thời điểm cấp gạo 48 tháng, dân yêu cầu gạo là đúng. Quy trình nhận lúa nước, về dân người ta chỉ mong muốn có gạo ăn dài dài, chính vì vậy người ta trì hoãn trong việc làm lúa nước, trong khi đó chủ đầu tư rất muốn làm nhanh, huyện muốn làm nhanh, xã gần với dân nhất thì mặc kệ. dân phải đồng ý nhận ruộng và đồng thuận kí vào biên bản thì chủ đầu tư mới thiết kế và thi công được chứ, vì thế mới kéo dài thời gian ra", ông Ngọc giải thích rõ.
Về việc một số điểm triển khai chậm, ông Trịnh Bảo Ngọc cũng đã thẳng thắn và nhận lỗi khi để xẩy ra tình trạng trên.
Cũng theo như ông Ngọc chia sẻ:"Chủ đầu tư rất muốn hoàn thành tất cả các hạng mục một cách nhanh chóng để đỡ phải mất nhiều chi phí, cụ thể những năm trước thì mỗi 1 tháng chủ đầu tư phải tra cho bên Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng của huyện là 1 tỷ. Còn năm 2016, 2017 mọi việc đã đi vào ổn định thì 1 năm chủ đầu tư trả cho Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng của huyện 1 tỷ rưỡi trở lên".
Tác giả bài viết: Mộc Miên
Nguồn tin: