Học sinh lớp 1 bị đuổi học vì “quá tuổi”
- 08:43 22-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều ngày 19/4, anh Trương Văn Lợi (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gửi đơn đến báo Tiền Phong mong được giúp đỡ cho con trai là Trương Văn Tài (SN 2007) tiếp tục được đến lớp cùng bạn bè.
Trong đơn, anh Lợi cho biết, gia đình nghèo, vợ chồng phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống. Năm 2007 vợ sinh đứa con đầu lòng đặt tên là Trương Văn Tài, nhưng vì không có tiền nên đến năm 2016 anh mới làm được giấy khai sinh. Sau đó, phải vất vả lắm anh Lợi mới xin cho con vào học lớp 1 ở Trường tiểu học Vĩnh Xuân kể từ đầu năm học 2016-2017.
Tài vừa cắp sách đến trường được hơn một tháng thì bị đuổi học. Anh Lợi kể: “Hôm đó, tôi thấy con đi học về sớm hơn mọi ngày nên hỏi thì Tài nói con bị cô giáo đuổi, không cho đi học nữa. Đến sáng ngày hôm sau, tôi dẫn Tài đến gặp cô giáo chủ nhiệm để hỏi lý do, cô giáo Bạch Thị Huệ nói con tôi lì, dạy không được. Tôi năn nỉ để con tôi được tiếp tục đi học nhưng nhà trường từ chối”.
Tài thì kể: “Hôm đó, trong giờ ra chơi, con từ trên lầu chạy xuống cầu thang vô tình đụng trúng một bạn nữ học chung lớp, rồi sau đó tai của bạn cà vô tường làm chảy máu chứ con không có đánh bạn, con cũng đã xin lỗi. Sau giờ ra chơi, cô chủ nhiệm có hỏi con lý do rồi đuổi học con luôn”.
Bà Lê Thị Thắm, hàng xóm của anh Lợi, nói: “Thấy cháu Tài được đi học tôi và mọi người ở đây mừng lắm. Từ hôm cháu nghỉ học, tôi có đến trường nhờ giáo viên rồi xin cô hiệu phó cho Tài đi học nhưng không được”. Bà Thắm cũng cho rằng, bạn nữ mà cháu Tài va phải hôm đó là cháu của Trưởng phòng giáo dục huyện Trà Ôn nên cháu mới bị đuổi học.
Cô Lê Thị Luyến - hiệu phó trường tiểu học Vĩnh Xuân cho biết, gia đình Tài là gốc ở địa phương này nhưng vì khó khăn nên phải đi làm ăn xa mới trở về. Tài không có giấy khai sinh nên nhà trường không nhận. Sau đó, cha của Tài đi làm giấy khai sinh nhưng hơi muộn. Tuy nhiên, Tài thuộc diện được nhập học trong nhà trường vì nằm trong độ tuổi từ 6 - 9 tuổi.
“Con mong được đến trường”
Cô Luyến cũng cho biết, sau khi Tài bị đuổi, cô Luyến cũng trình bày với cô Lê Thị Kiều Oanh-hiệu trưởng và đề nghị tạo điều kiện để Tài tiếp tục được đi học, nhưng cô Oanh trả lời rằng Tài lớn tuổi nên không đồng ý với lời đề nghị của cô Luyến. Cô Luyến cũng xác nhận bé gái bị em Tài va khiến chảy máu tai là cháu ruột của Trưởng phòng giáo dục huyện Trà Ôn, nhưng không biết có phải vì nguyên nhân đó mà khiến Tài bị đuổi học hay không.
Trao đổi với Tiền Phong, cô Lê Thị Kiều Oanh - hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Xuân nói: “Tôi đã báo cáo vụ việc lên Phòng giáo dục huyện và phòng cũng đang xác minh việc này ai đúng, ai sai để giải quyết. Muốn biết thông tin thì liên hệ với Trưởng phòng Giáo dục”. Hiệu trưởng Lê Thị Kiều Oanh còn nói: “Chúng tôi không đuổi học sinh này. Em Tài từ tỉnh khác chuyển về đây rồi nhờ giáo viên ở trường xin cho vào học dạng gửi cho biết chữ cộng thêm vấn đề không có hộ khẩu, giấy khai sinh và em này lại lớn tuổi”.
Ông Nguyễn Ngọc Khoảng - Trưởng phòng Giáo dục huyện Trà Ôn cho biết, hiện tại Phòng giáo dục đang thụ lí đơn của phụ huynh em Trương Văn Tài và sẽ giải quyết theo luật khiếu nại, tố cáo. Trường hợp của em Tài, lúc đầu gia đình không có giấy khai sinh, nhưng lúc đi học cũng 10 - 11 tuổi, theo luật giáo dục, tuổi này vượt quá so với quy định. “Nếu có lớp mù chữ, chúng tôi sẽ cho em này vào học, nhưng khổ là chỉ 1 học sinh nên không mở lớp được. Phương pháp tạm thời là đưa vào trường tiểu học để học, tiếp đó sẽ làm hồ sơ chuyển qua trung tâm giáo dục thường xuyên để quản lý, nhưng em này mới học có 10 ngày thì đánh nhau”-ông Khoảng nói.
Trước thông tin cho rằng Tài bị đuổi là do đánh cháu của ông Khoảng, Trưởng phòng Khoảng nói: “Bản thân tôi cũng không biết vụ việc trước đó em này đánh cháu của tôi. Không phải vì lý do này mà tôi đuổi học em Tài. Em này đi học được cũng nhờ công sức của tôi”.
Gia đình anh Lợi ở trong túp lều lụp xụp. Từ ngày bị đuổi học đến nay, Tài ở nhà phụ giúp mẹ đan giỏ và việc nhà. Tài nói: “Con luôn mong được đến trường!”.
“Em Tài có quyền được đến trường để học. Nhà trường cần phải kết hợp với xã hội và gia đình để giáo dục học sinh chứ không thể nào cho đứa trẻ này ở ngoài trường được. Nếu bé có sai phạm thì nên mời gia đình đến để trao đổi, cùng nhau kết hợp giáo dục chứ em Tài mới học lớp 1, chưa biết chữ, đâu có vi phạm nhiều mà đuổi vô cớ như vậy?”. Cô Lê Thị Luyến - hiệu phó trường tiểu học Vĩnh Xuân |
Tác giả bài viết: Nhật Huy
Nguồn tin: