Vì đâu người đẹp thích… "thi chui"?
- 08:11 22-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người đẹp Nguyễn Thị Thành vừa có cuộc giải trình với Cục Nghệ thuật biểu diễn vì đi “thi chui” tại Ai Cập và sẵn sàng chịu mức án cấm diễn toàn quốc và Sở VH-TT TP.HCM cũng đã ra quyết định xử phạt Nguyễn Thị Thành với mức phạt 22,5 triệu đồng. Sự việc gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng “trên bảo dưới không nghe” giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn và thí sinh tự ý đi thi quốc tế và sẵn sàng chịu phạt.
Cố tình vi phạm
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định, trường hợp của Nguyễn Thị Thành là sự cố tình vi phạm chứ không phải không am hiểu pháp luật. Vị Cục trưởng nhấn mạnh, Cục sẽ xử lý nghiêm trường hợp này theo đúng luật. Theo đó, việc xử lý Nguyễn Thị Thành ngoài căn cứ theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP để đưa ra một khung tiền phạt, người đẹp cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động biểu diễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Nguyễn Thị Thành không phải là trường hợp đầu tiên đi “thi chui”, trước cô đã có rất nhiều người đẹp khác (cả nam lẫn nữ) tự ý đi thi không xin phép và lĩnh án phạt đều đều. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như: Mai Ngô tự ý đi thi “Asia Next Top Model” và bị phạt 22,5 triệu đồng cùng án cấm diễn một thời gian; Oanh Yến tự ý đi thi “Hoa hậu thế giới toàn cầu” và chịu án phạt 30 triệu đồng; Cao Thùy Linh tự ý đi thi “Hoa hậu Quốc tế” ở Thái Lan, cũng chịu số phận như Oanh Yến, bị phạt 30 triệu đồng và cấm diễn một thời gian, cam kết không tái phạm. Ca sĩ Quế Vân cũng lĩnh án phạt 15 triệu đồng vì tự ý tham gia cuộc thi “Hoa hậu người Việt thế giới” diễn ra tại Mỹ.
“Thi chui” có thể hiểu là việc thí sinh không được cấp phép để dự một cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào đó. Bởi vì, để trở thành gương mặt đại diện quốc gia đi thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế thì tiêu chí đạt chuẩn là người đẹp đó phải đoạt giải cấp quốc gia trở lên, có đơn vị đề cử hoặc tự ứng cử để đi thi.
Có một nghịch lý là các thí sinh đi thi chui đều là những thí sinh chưa đoạt giải hoặc đoạt giải nhỏ (hoặc đoạt giải rồi bị tước danh hiệu như Nguyễn Thị Thành chỉ vì 8 cái răng giả) ở các cuộc thi người đẹp trong nước, nhưng khi “mang chuông đi đánh xứ người” lại được đánh giá cao, thậm chí là đoạt giải.
Kiếm “tấm bùa hộ thân”
Có nhiều luồng dư luận cho rằng những giải thưởng trong các cuộc thi ở nước ngoài rất mơ hồ, quy mô cuộc thi cũng chỉ cỡ “ao làng”, uy tín thấp, nhưng tâm lý “sính ngoại” cho nên các thí sinh chưa đạt chuẩn trong nước mới hồ hởi đi thi để kiếm danh, còn chưa nói đến những lùm xùm mua bán giải thưởng ở các cuộc thi quốc tế quy mô nhỏ.
Người đẹp đi thi là biết chắc có giải nên cho dù biết lĩnh án phạt khi về nước nhưng cái lợi to lớn nhãn tiền là sẽ một bước thành nhan sắc cấp quốc tế nên họ cũng liều, quyết chịu phạt để đi thi cho bằng được. Bởi lẽ, đó sẽ là bước đệm để những cô gái này đường hoàng dấn thân vào showbiz với những lợi ích không thể đong đếm: được xuất hiện như một nhân vật quan trọng ở các sự kiện, được trả tiền để xuất hiện, được tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật…
Rõ ràng, Hoa hậu hay hoa khôi không phải là một nghề. Cuộc thi nhan sắc đơn thuần là tôn vinh nhan sắc, nếu nhan sắc đó duyên dáng và thông minh thì cuộc thi thêm thành công, còn nếu không nó chỉ là một kỷ niệm đẹp cho những mỹ nhân tham gia cuộc thi đó. Tuy nhiên có danh xưng về nhan sắc không khác gì có “tấm bùa hộ thân” đối với các mỹ nhân. Tiến thân vào showbiz vốn rất cần những danh xưng lộng lẫy.
Vì thế, những người đẹp chưa được danh hiệu ở trong nước lại càng phải ra nước ngoài đi thi để tranh giải, vừa có “mác” từng đi thi sắc đẹp quốc tế, vừa được nhiều người biết đến. Dù biết lĩnh án phạt vài chục triệu đồng, kể cả đối mặt với nguy cơ bị cấm diễn thì các người đẹp vui vẻ mà chịu phạt và vẫn cứ đi thi quốc tế như thường!
Tác giả bài viết: Diệu Quỳnh
Nguồn tin: