Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vết trượt dài của sơn nữ vùng biên

Chỉ vì quá ham hố những đồng tiền bất chính, Phần đã rắp tâm lừa bán người bạn gái từ thuở hàn vi của mình sang phía bên kia biên giới.
Để rồi đến khi đứng trước vành móng ngựa, đối mặt với bản án nghiêm minh của pháp luật, đối mặt với khuôn mặt ngơ ngác của hai đứa con thơ, Phần đã không thể cầm lòng...

Hôn nhân lạc lối

Vi Thị Phần (9/4/1984) là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Tỉn Cắng (xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An). Bố mất, gia đình khó khăn lại đông anh em nên Phần phải bỏ học từ khi mới quen mặt chữ. Từ nhỏ Phần chỉ quanh quẩn với nương rẫy, ruộng đồng, đến tiếng phổ thông cô cũng chỉ bập bẹ được vài câu. Thế nhưng, nhờ có chút ít nhan sắc nên từ khi mới 15, 16 tuổi, Phần đã có rất nhiều người theo đuổi. Năm 2001, cô lập gia đình. Chồng cô là Lô Văn Điền, một thanh niên kém vợ 4 tuổi, nhà ở bản Bố, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khó khăn ngay từ những ngày đầu mới về chung sống. Do Điền lúc đó mới qua tuổi 14, vẫn còn ham chơi bời lêu lổng nên mọi việc trong gia đình đều đổ dồn lên vai vợ. Từ việc đồng áng cho đến chăm lo cho hai đứa con, Phần phải tự bươn trải một mình. Xuất phát từ những thiếu thốn về vật chất, hai vợ chồng Phần thường xuyên xảy ra cãi vã và xô xát. Không chịu nổi người chồng “mãi không chịu lớn”, cuối năm 2010, Tươi bỏ theo chúng bạn sang Trung Quốc làm ăn.

Trong những ngày lang bạt ở xứ người, Phần có quen với một người đàn bà tên Xoan. Sau nhiều lần gặp gỡ, Xoan  nhờ Phần về Việt Nam tìm những cô gái nhẹ dạ, cả tin rồi lừa sang Trung Quốc bán. Mỗi trường hợp như thế, Phần sẽ được Xoan trả công từ 40-50 ngàn nhân dân tệ. Nghe vậy, Phần liền trở về Việt Nam và bắt đầu tìm kiếm đối tượng để lừa bán. Ròng rã suốt hàng tháng trời sau đó, Phần lân la khắp các bản trong xã Quang Phong để “săn mồi”. Đối tượng mà Phần nhắm tới chủ yếu là những thiếu nữ còn ít tuổi, gia đình khó khăn, nghèo túng để lừa phỉnh họ theo cô đi làm thuê bên Trung Quốc.

 
Vi Thị Phần tại phiên tòa

Thế nhưng, bởi cũng đã cảnh giác với các thủ đoạn của bọn buôn người, nên những đối tượng Phần gặp gỡ đều lắc đầu từ chối. Miệng ăn núi lở, số tiền mà Phần tích cóp được mang về Việt Nam dần cạn. Bí bách về kinh tế, cộng với liên tục nhận điện thoại thúc giục từ Xoan, Phần đành đánh liều sang rủ cô bạn từ thuở “chăn trâu, cắt cỏ” của mình là Vi Thị Tr, sinh năm 1992, nhà cùng bản Tỉn Cắng.

Trang đã có chồng và một con gái, nhưng do chồng Trang mắc nghiện và cũng đang phải ở tù nên cuộc sống của hai mẹ con hết sức khó khăn. Khi thấy Phần nói rằng sang Trung Quốc làm thuê sẽ kiếm được mỗi tháng từ 8 - 10 triệu, Trang đồng ý. Lúc đó, Trang chỉ nghĩ đi theo phần thì cuộc sống của hai mẹ con sẽ thoát khỏi những tháng ngày đói khát, nào ngờ phía trước cô là cái bẫy mà người bạn thân vừa mới dựng lên.

Bán bạn thân lấy tiền mua điện thoại

Để tránh sự chú ý của dân bản, Phần hẹn gặp hai mẹ con Trang tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu rồi từ đó cả 3 bắt xe khách ra cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Khi đến cửa khẩu, Phần lại tiếp tục đưa mẹ con Trang vượt biên giới sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Sau khi ở nhà người quen một đêm, sáng hôm sau Phần bắt xe đưa tiếp mẹ con Trang đến Bắc Kinh. Trên đường đi, Trang liên tục hỏi sao đi xa vậy?

Đến lúc này Phần mới lộ rõ bộ mặt thật của mình. Phần bảo bạn: “Bên này có nhiều đàn ông cần vợ lắm, em chịu khó lấy người ta. Vừa được ăn sung mặc sướng, vừa có tiền gửi về cho gia đình. Nếu em đồng ý, chị sẽ cho em 30 triệu đồng. Còn nếu em không đồng ý, thì em phải tự tìm đường về Việt Nam và phải trả tiền lộ phí mà chị đã bỏ ra để đưa em sang đây”.

 
Cậu con trai lớn của Phần đứng khóc ngoài cửa sổ

Đất khách quê người, lại bìu ríu con nhỏ, không có cách nào khác, Trang đành đồng ý. Ngày hôm sau, Phần gọi điện cho Xoan báo là “đã có hàng” và hai bên thỏa thuận là Xoan sẽ phải trả cho Phần 46.000 nhân dân tệ. Sau khi nhận được điện thoại, Xoan cùng chồng và một người đàn ông nữa đến gặp Phần và Trang.

Tại đây, Xoan nói cứ gả bán Trang cho một người đàn ông sinh năm 1984, nhà ở Bắc Kinh trước đã, nếu sau vài tháng mà Trang không bỏ trốn thì Xoan sẽ trả toàn bộ số tiền đó cho Phần. Biết bị “lật kèo” nhưng không có cách nào khác, Phần miễn cưỡng phải đồng ý. Trước khi về lại Việt Nam tiếp tục “săn hàng”, Phần có “tạm ứng” cho Trang 500 nhân dân tệ để tiêu vặt.

Sau khi về Việt Nam được một thời gian, Phần quay lại Trung Quốc tìm Xoan để đòi tiền bán Trang. Xoan đưa cho Phần 4.000 nhân dân tệ (tương đương 12.000.000 VNĐ) rồi khất vài tháng sau sẽ trả. Nhận được tiền, Phần gọi điện thoại cho Trang để chia. Trang bảo Phần cứ mang về đưa cho chị gái Trang ở Diễn Châu để trang trải nợ nần. Sau đó, Phần về nước và mang toàn bộ số tiền đó đưa cho chị gái của Trang như đã hẹn.

Ít lâu sau, Phần một lần nữa vượt biên sang Trung Quốc tìm Xoan để đòi tiền. Lần này, Xoan đưa cho Phần được 9.000 nhân dân tệ (tương đương 27.000.000 VNĐ). Tổng số hai lần Xoan trả cho Phần là 13.000 nhân dân tệ (tương đương 39.000.000 VNĐ). Thấy Xoan không giữ đúng lời hứa là sẽ trả hết tiền, cộng với chuyện Trang cũng mong muốn được về nước, Phần liền bàn với Trang tìm cách bỏ trốn khỏi nhà chồng.

Mấy hôm sau, lợi dụng lúc người chồng đi vắng, Trang đã ôm con gái bỏ chạy ra đường rồi cùng Phần bắt xe về Việt Nam. Khi về đến cửa khẩu Móng Cái, Phần đổi ngoại tệ rồi đưa cho Trang 18 triệu đồng, số tiền còn lại Phần mua một chiếc điện thoại và tiêu xài hết. Sau khi về nước, Vi Thị Trang đã đến cơ quan Công an huyện Quế Phong tố cáo toàn bộ hành vi buôn bán người của Phần.

Tình mẫu tử đánh thức lương tri?

TAND tỉnh Nghệ An đã đưa Vi Thị Phần ra xét xử lưu động tại trụ sở UBND xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Khi đứng trước tòa, Phần cố bao biện rằng đưa Trang bán gả sang phía bên kia biên giới là để giúp bạn... thoát nghèo. Nhưng, trước những phân tích, đánh giá, lập luận sắc bén của HĐXX, Phần đã phải cúi đầu nhận tội.

Phần khai rằng, vì chán sống cảnh nghèo túng bên người chồng “mãi không chịu lớn” nên cô mới bỏ nhà ra đi. Vả lại, sau một khoảng thời gian sống lang bạt, Phần cũng sợ phải quay về bám vào nương rẫy để mưu sinh, thế nên cô mới quyết tâm lao vào con đường phạm tội...

Khi HĐXX vào nghị án, Phần ngoái về bốn phía để tìm kiếm người thân. Nhìn hai đứa con, đứa lớn 12, đứa nhỏ vừa lên 9 tuổi gầy gò, rách rưới đứng bám cửa sổ hội trường xét xử khóc ngằn ngặt đòi mẹ, Phần đã không thể cầm lòng. Có lẽ, bản năng làm mẹ đã trỗi dậy trong Phần, cô ôm mặt nức nở như chưa bao giờ được khóc. Kể từ ngày Phần bị bắt, chồng Phần đi làm xa, hai đứa con của cô phải gửi nhờ hai bên gia đình nội ngoại. Cuộc sống của chúng là nối dài những thiếu thốn, cả về vật chất lẫn tinh thần.

 
Phần đi tù, bỏ lại hai đứa con nhỏ bơ vơ 

Với tội danh “Mua bán người”, Vi Thị Phần bị HĐXX tuyên phạt 5 năm tù và phải bồi thường cho bị hại Vi Thị Trang số tiền là 6,9 triệu đồng. Sau khi nghe tòa tuyên án, Phần ngã quỵ xuống phía sau vành móng ngựa.  Phải rất lâu sau cô mới lê bước chân ra khỏi hội trường để đi về phía xe thùng. Hai đứa con của Phần vừa khóc, vừa lao theo mẹ. Phần chỉ kịp ngoái đầu lại dặn cậu con trai lớn: Con cố chăm em, mẹ sẽ sớm về...

Chứng kiến cảnh đó, rất nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy đã không thể cầm lòng. Nhiều người thấy tiếc cho Phần, một cô gái trẻ người dân tộc có ít nhiều nhan sắc. Giá như Phần có học, giá như Phần biết vượt qua số phận hẩm hiu, không bị đồng tiền làm lóa mắt thì cô đã không phải chịu một cái kết cục buồn thảm như hôm nay. Đồng thời, các con cô cũng không phải sống thiếu vòng tay chăm bẵm của mẹ khi chúng vừa mới kịp lên chín, lên mười.

Thẩm phán Lang Thị Duyến, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh Nghệ An bảo rằng, câu chuyện của Vi Thị Phần phản ánh lên một thực tế đau lòng: Ngày nay, có quá nhiều thiếu nữ là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa chỉ vì hiểu biết nông cạn mà bị kẻ xấu lừa bán qua biên giới làm gái mại dâm, hoặc bị ép buộc làm vợ người ta.

Nhưng, sau khi tìm cách trốn thoát hoặc được giải cứu về Việt Nam, không ít trong số họ lại trở thành thủ phạm lừa bán các nạn nhân khác. Chỉ vì tiền, những kẻ buôn người ấy đã đánh mất lương tâm, để mình trượt vào tội lỗi..

Tác giả: Nam Hoàng
Nguồn: Theo Công lý & xã hội