Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Nỗi buồn" dòng Lam Giang: Cần chung tay để "cứu" sông

Việc dòng sông huyền thoại xứ Nghệ đang bị “bức tử” bởi những hoạt động của con người khiến cho người dân vô cùng lo lắng, bất an. Vậy, những người có trách nhiệm của tỉnh Nghệ An đã và đang đưa ra những giải pháp nào có thể hạn chế những tác động xấu của con người đến những dòng sông để cứu lấy sông “mẹ” – sông Giang?
Có đi thực tế từ hạ nguồn đến thượng nguồn và các hợp lưu tạo nên dòng sông “mẹ” – sông Lam (sông Lam còn được gọi là sông Cả - nghĩa là mẹ, là anh - PV) mới thấy hết được những tác động ghê gớm của con người đối với dòng sông này. Từ chi chít dự án thủy điện đến khai thác cát trái phép cũng như các hoạt động xả thải không qua xử lý xuống trực tiếp dưới sông và tuồn hàng tấn rác thải xuống dòng nước mà không hề thương tiếc…
 
1
Suối Nậm Huống ở Quỳ Hợp quanh năm nước đỏ quạch do khai thác, chế biến quặng thiếc

Trước thực trạng báo động nói trên, nếu không có sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời của các cấp chính quyền từ địa phương đến tỉnh và cả cộng đồng thì hệ lụy nặng nề về sau sẽ càng hiện hữu. Trước những băn khoăn, lo lắng của dư luận, đã có không ít ý kiến, giải pháp được đưa ra để phần nào đó hạn chế những tác động tiêu cực của con người đến sông suối như đã phản ánh ở trên. Đặc biệt, là những ý kiến đều đề cao tính răn đe trong việc xử lý những vi phạm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường của dòng sông.

Ông Võ Quang Tùng, xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương), “hiến kế”: “ Về khai thác cát trái phép thì ở huyện Thanh Chương và trên địa bàn toàn tỉnh nhiều vô kể. Tôi thấy ở đâu cũng khai thác cát tràn lan nhưng cơ quan chức năng từ xã đến huyện xử lý không hiệu quả. Có khi “cát tặc” còn bơi thuyền giữa sông để trêu tức lực lượng chức năng. Theo tôi, nếu muốn xử lý triệt để thì ngoài việc kiểm tra gắt gao, xử lý quyết liệt thì còn phải có quy hoạch cụ thể và thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp nhanh gọn, đúng luật. khi đã được cấp mỏ thì công tác quản lý cũng như xử lý nếu có sai phạm sẽ được thực hiện dễ dàng hơn”.

 
2
Suối Nậm Tôn cũng ở Quỳ hợp nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng

Liên quan đến khai thác cát cũng như thủy điện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, ông Vy Văn Minh – Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, cho rằng: “Thực tế huyện Kỳ Sơn không có mỏ cát nào đủ điều kiện để cấp phép. Vì thế, nguồn cung cho nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn trở nên hết sức khó khăn, khan hiếm. Nếu mua cát từ miền dưới lên thì chi phí vận chuyển quá cao nên đây là một bài toàn hết sức khó khăn cho địa phương chúng tôi. Tuy vậy thì huyện cũng phải xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn theo đúng pháp luật. Còn về thủy điện thì hiện nay trên địa bàn có khá nhiều dự án thủy điện. Việc đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến dòng chảy của các dòng sông. Lâu nay, dòng chảy sông Nậm Mộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì một khúc sông có dòng chảy trung bình mà có đến vài nhà máy thủy điện chặn dòng, nước sông cạn kiệt, hệ sinh thái bị phá vỡ…”.
 
3
Nước thải Nhà máy đường sông Lam ào ào đổ ra sông Lam

Nói về vấn đề thủy điện mọc lên như nấm sau mưa và các hệ lụy do thủy điện gây ra, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết, việc thủy điện được xây dựng là theo quy hoạch từ trung ương đến tỉnh. Nếu Hoạt động hợp lý thì các nhà máy thủy điện sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Tất nhiên, việc xây dựng thủy điện thì ngành nông nghiệp cũng có nhiều cái phải hy sinh và có ảnh hưởng. Đó là một lượng lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị mất, dân trong lòng hồ phải tái định cư, thì phải có đất ở và đất sản xuất cho họ. Như vậy lại phải chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng sản xuất và đất tái định cư cho người dân. Về sinh thái thì vùng hạ du sau đập sẽ ảnh hưởng rất lớn, còn vùng dưới thì biên độ giao động ít nên ảnh hưởng ít.
 
4
Nước thải đá trắng ở Quỳ Hợp

“Hiện nay tỉnh Nghệ An đã điều hành xả nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khi xả lũ phải theo chuẩn quy vào và quy ra (nghĩa là chỉ được xả ít hơn hoặc bằng tổng lượng nước về đập thủy điện khi mưa lũ). Để đảm bào hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích địa phương. Hiện, chúng tôi đã yêu cầu lắp đặt camera để giám sát, theo dõi và đã có 4 nhà máy thủy điện lớn thực hiện việc này. Như thế nên nếu có sai phạm sẽ phát hiện được ngay và tiến hành xử lý theo quy định” – Ông Hiếu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hữu Lượng – Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ, cho biết: “Về vấn đề quản lý quy trình vận hành các nhà máy thủy điện thì đã có quy định rõ ràng. Một số nhà máy thì làm tốt như Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, nhưng cũng có nhiều nhà máy còn chưa tuân thủ nghiêm ngặt nên các cơ quan chức năng từ tỉnh đến các Bộ như Bộ Công thương ; Tài nguyên & Môi trường cần phải quan tâm giám sát thêm về vấn đề này. Theo tôi, nếu thủy điện vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được quy định cụ thể thì sẽ rất tốt, hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng của thủy điện đến vùng hạ du”.
5
Hàng loạt tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam, đoạn qua xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương

Khi nói về vấn đề xả thải của doanh nghiệp trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, băn khoăn: “Huyện Quỳ Hợp có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác chế biến đá và quặng thiếc. Thế nhưng lâu nay việc quản lý hoạt động xả thải cũng có vấn đề. Quy hoạch là thế, nhưng không có tiền thì làm kiểu gì được. Chúng tôi cũng đau đầu lắm chứ. Các đơn vị khai thác và chế biến đá thì nhiều, kiểm soát hết sức khó khăn. Sắp tới sẽ phải kiểm tra chặt chẽ hơn và xử phạt mạnh tay thì mới mong đi vào khuôn khổ được”.

Ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, cho biết thêm: “Vấn đề ô nhiễm môi trường ở các dòng sông, nhất là sông Lam là vấn đề lớn, cần sự quan tâm không chỉ cơ quan chức năng mà là cả cộng đồng bởi sức ảnh hưởng của nó là rất lớn. Nói về những tác động gây ra ô nhiễm thì ta biết rồi, từ rác thải, nước thải cho đến khai thác khoáng sản trái phép, tràn lan diễn ra bấy lâu rất khó quản lý. Một điều mà tôi và cả lãnh đạo tỉnh đều trăn trở là làm sao tìm ra được một giải pháp sao cho đồng bộ, hữu hiệu nhất để hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu của những hoạt động nói trên đến môi trường dòng sông. Trước mắt thì phải kiểm tra thường xuyên và xử lý thật mạnh tay các trường hợp vi phạm cả về khai thác cát, sỏi trái phép lẫn kiểm soát việc xả thải chưa qua xử lý ra sông suối”.

 
6
Ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An: “Cần phải có giải pháp hữu hiệu và sự vào cuộc của cả cộng đồng thì mới có thể hạn chế tới mức tối đa tác động tiêu cực đến môi trường các dòng sông”

Theo ông Việt, trước mắt phải xử lý thật nghiêm theo khung hình phạt mà luật pháp đã quy định về các trường hợp vi phạm, kết hợp với công tác tuyền truyền về lâu về dài mới mong cải thiện tình hình. Cũng theo trăn trở của giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An thì vấn đề xử lý xả thải trực tiếp ra sông đối với các doanh nghiệp thì không khó nhưng cái khó nhất là một số làng nghề “bún, tương, cà” bấy lâu nay hết sức khó khăn.

Liên lạc với ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhưng ông cáo “bận họp” và giới thiệu sang trao đổi với ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Nhưng khi phóng viên liên lạc thì ông Hồng cũng cáo bận liên tục và không thể làm việc được. Còn phía Tỉnh ủy Nghệ An lại đề nghị sang bên Ủy ban nhân dân tỉnh này khi PV hẹn lịch tiếp cận.

Sông Lam và các dòng hợp lưu đang bị “bức tử” là điều có thật đang hiện hữu. Dư luận đang hết sức băn khoăn, lo lắng trước thực trạng trên. Vì thế, người dân mong rằng, muộn còn hơn không, thiết tha lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp đồng bộ, hợp lý và hữu hiệu nhất để ngăn chặn những nguy cơ đối với dòng sông huyền thoại xứ Nghệ này.

 
Tác giả: Phạm Tuân
Nguồn: Theo Báo Tài nguyên & Môi trường