Làng lặn biển Diễn Hùng
- 09:03 20-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về biển Diễn Hùng - huyện Diễn Châu vào lúc từ 6-7 giờ chiều, là dịp"đội quân" lặn biển cùng về cập bến. Trên khuôn mặt của những người thợ lặn đều toát lên niềm vui bởi thu nhập đến hàng triệu đồng cho một ngày lặn dưới biển sâu.
Nghề lặn biển ở Diễn Châu phát triển khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu tập trung ở xã Diễn Hùng với khoảng 150 lao động có xức khỏe tốt trên 15 thuyền, bè mảng. Ngư trường hoạt động của ngư dân ở các cùng biển Diễn Châu, Cửa Lò, Quỳnh Lưu... với độ sâu lặn từ 20-30 mét. Những tháng bão gió, hàng chục thợ lặn giỏi đã vào một số tỉnh phía Nam để làm nghề.
Sản phẩm mang về sau mỗi chuyến biển là sò, ngao láng, ngao tím, Dum được khá nhiều. Ngao láng xuất khẩu có giá từ 100-150.000 đồng/kg, ngao tím 40-60.000 đồng/kg còn dum có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg. Tư thương đến mua tại chỗ, tính ra bình quân mỗi người cũng được hơn triệu đồng sau 1 ngày lặn dưới biển sâu. Đến Diễn Hùng hỏi đi biển nghề nào kiếm được nhiều tiền nhất, ai cũng nói là nghề lặn.
Anh Đinh Thăng - người có thâm niên lặn biển đã 7 năm nay cho biết: Một ngày công bình thường của thợ lặn không dưới 1 triệu, ngày ngon lành gặp vài 3 triệu là có. Mùa hè mỗi tháng thợ lặn có thể ra biển được 20 ngày. Nhờ nghề lặn mà gia đình tôi từ nghèo khó nay có của ăn của để, đảm bảo cho cuộc sống con cái được ăn học đến nơi đến chốn.
Theo các ngư dân, nghề lặn cần những người có sức khỏe tốt và có kinh nghiệm trong bơi lội. Một thuyền lặn thông thường có từ 8-10 người. Chủ thuyền điều khiển con thuyền và ống thở người lặn biển. Khi thuyền ra đến nơi đánh bắt hải sản, thợ lặn đeo kính, mặc đồ lặn, đeo thêm vào người khoảng 10- 15kg chì (để dễ dàng chìm xuống nước) rồi ngậm vào miệng một ống dẫn hơi dài khoảng 200m để lặn xuống biển. Lúc này, trên thuyền, máy nén khí bắt đầu hoạt động cung cấp ôxi cho thợ lặn bên dưới. Khi đã xuống đến độ sâu nhất định thợ lặn bắt đầu những giờ “lang thang” dưới đáy biển săn tìm hải sản, 3-4 tiếng mới ngoi lên một lần đưa hải sản lên bờ và nghỉ ngơi ăn uống lấy lại sức rồi tiếp tục lặn. Các thợ lặn cập bến khi trời bắt đầu tối Các sản phẩm của thợ lặn đều được tư thương đón mua ngay tại bờ biền.
Anh Trần Lê – chủ cơ sở thu mua cho biết: Có ngày tôi thu mua hàng tấn ngao, dum cho thợ lặn, chủ yếu phục vụ xuất khẩu và thị trường một số thành phố lớn. Các mặt hàng của thợ lặn tươi con nên rất đảm bả chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Tôi còn đầu tư dụng cụ chuyên dụng cho thợ lặn để họ đảm bảo an toàn khi ra biển.
Ông Nguyễn Đào - chủ tịch UBND xã Diễn Hùng chia sẻ: Nghề lặn biển giúp hàng trăm ngư dân Diễn Hùng - huyện Diễn Châu xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, đây cũng là một nghề khá nguy hiểm, vì vậy chính quyền địa phương đang tập trung làm tốt công tác quản lý, phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ ngư dân về mặt kiến thức, kỹ năng khai thác để đảm bảo an toàn khi hành nghề.
Tác giả bài viết: Mai Giang - Đài Diễn Châu
Nguồn tin: