Phó bí thư huyện và cuộc chiến ‘đưa người chết vào quan tài’
- 08:13 20-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nói về việc xóa bỏ hủ tục treo người chết trong nhà 7 ngày của đồng bào H'Mông, ông Lâu Minh Pó, Phó bí thư huyện Mường Lát (Thanh Hóa) coi đó là một cuộc cách mạng.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa chừng 250km ngược lên phía Tây, Mường Lát được xem là huyện khó khăn nhất của tỉnh. Nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục, trong đó có việc treo người chết trong nhà 7 ngày của đồng bào H'Mông.
Người chết treo lơ lửng trong nhà
Theo tục lệ, khi có người chết, vẫn khâm liệm, kèn trống cùng các nghi thức khác của đồng bào. Sau đó người chết được bỏ vào cáng tre rồi treo lơ lửng trong nhà.
Ông Sùng A Giống, bản Pom Khuông, xã Tam Chung cho biết, thời gian để lâu như vậy làm xác người trương lên và phân hủy, hôi thối không thể nào chịu nổi, người dân đến chia buồn chẳng ai dám vào, chỉ có người thân trong gia đình bắt buộc phải ở bên cạnh.
Trong 7 ngày, những người con đã lập gia đình của người chết có trách nhiệm góp trâu hoặc bò để tổ chức ăn uống linh đình, gọi là báo hiếu. Thịt trâu bò còn thừa được chia về cho những người thuộc ban tang lễ.
Già Giống bảo, hủ tục xuất phát từ thời xa xưa khi đồng bào Mông di cư về đây và dân số còn ít. Lúc đó có người chết, họ không thể vào rừng chặt gỗ làm quan tài luôn được.
Hơn nữa, nếu có quan tài người H'Mông cũng không bỏ xác người chết vào đó vì phải khiêng lên núi rất nặng. Theo quan niệm của người H'Mông, người chết không để vào quan tài vì khi gia đình mổ trâu bò, người chết sẽ không mang theo được.
Người xóa bỏ hủ tục: "Tôi bị chửi nhiều lắm"
Nói về việc xóa bỏ hủ tục ma chay, ông Lâu Minh Pó, Phó bí thư huyện Mường Lát cho đó là một cuộc cách mạng.
Bản thân ông Pó là người dân tộc H'Mông, nhưng ông nói cũng không thể chấp nhận được hủ tục đó, vừa ô nhiễm môi trường lại tốn kém.
Với quyết tâm đưa hủ tục này ra khỏi đời sống đồng bào mình, tháng 5/2013, khi ông nội Lâu Chứ Dơ qua đời, ông Pó đang là Trưởng ban tổ chức huyện ủy, đã cùng một số anh em trong dòng họ kiên quyết đưa người chết vào quan tài.
Ban đầu ông Pó bị một số anh em trong dòng họ và gia đình chỉ trích, nhưng sau khi giải thích thì mọi người hiểu và đồng ý đưa thi thể cụ Dơ vào quan tài.
Đó cũng là đám ma đầu tiên của đồng bào H'Mông huyện Mường Lát xóa bỏ được hủ tục lạc hậu.
Ông Pó nhớ lại: “Khi đưa được ông nội vào quan tài, các già làng, trưởng bản và người dân chửi nhiều lắm. Họ bảo tôi là đứa cháu bất hiếu, bỏ vào cái hòm kín bưng như vậy thì cụ làm sao đưa được trâu bò đi theo.
Có những người còn độc miệng rủa: Một hai tháng nữa cụ sẽ về bắt mày đi thôi. Nên đám tang 'hiện đại' của gia đình tôi lúc đó chỉ có vài người đi đưa”.
Đã có 6/8 dòng họ H'Mông thay đổi
Nhận thức cần phải thay đổi hủ tục lạc hậu này, ông Pó đã cùng cấp ủy chính quyền lặn lội vào những bản xa xôi nhất của huyện Mường Lát như đỉnh Pa Đén, Sài Khao để tuyên truyền vận động.
Khi ông Pó lấy dẫn chứng về đám tang của ông nội mình đã bỏ vào quan tài, các cụ trong bản vẫn không nghe mà còn nói "để chờ xem mấy tháng nữa mày có bị bắt đi không".
"Thời gian đó tôi phải liên tục vào để cho người dân thấy mình vẫn đang còn sống. Dần dần người dân cũng nhận ra việc bỏ người chết vào quan tài là tất yếu, song đến nay một số già làng vẫn chưa chấp nhận", ông Pó chia sẻ.
Theo ông Pó, sau khi ông nội ông mất ít lâu thì tháng 6/2013, vừa lúc “Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào H'Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được ban hành.
Đến nay, sau gần 4 năm đã có 6/8 dòng họ H'Mông thực hiện đưa người chết vào quan tài.
Ông Pó cho biết, đây mới chỉ là sự khởi đầu, còn nhiều cụ già làng vẫn chưa nhận thức đầy đủ, còn gây khó khăn trong công tác vận động, thuyết phục.
Tác giả bài viết: Lê Anh
Nguồn tin: