Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cục trưởng cục CSGT: Còn nhiều lái xe chống lệnh Cảnh sát

Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng cục CSGT cho rằng, việc lái xe chống lệnh, cãi lại cảnh sát diễn ra phổ biến có nguyên nhân xuất phát từ văn hóa giao thông.
Sáng 18/4, cục CSGT (C67 – bộ Công an) đã tổ chức Hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT.

Tại Hội thảo, vấn đề người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, chống lại CSGT được nhiều đại biểu nhắc đến, nhất là sau vụ việc một Thiếu tá CSGT, Công an tỉnh Đồng Nai bị xe tải cán tử vong xảy ra mới đây.

 
Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng cục CSGT (Ảnh: Nhất Nam)

Nhắc về vấn đề này bên lề hội nghị, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng cục CSGT (C67 - bộ Công an) cho hay: “Vừa rồi, bộ Công an đã tổ chức Hội thảo đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân thi hành công vụ. Ngay trong lực lượng CSGT cũng đã có rất nhiều đồng chí hi sinh và bị thương tật suốt đời”.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà nhấn mạnh: “Về lực lượng CSGT thì chúng tôi có đầy đủ văn bản quy phạm của bộ Công an. Một mặt chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân. Thứ hai là quy trình, quy phạm khi ra đường làm việc, phải có sổ sách, vũ khí, phải có tổ công tác chứ không thể một mình… Các đồng chí ra mặt đường phải được tập huấn rất kỹ về các tình huống nghiệp vụ, khi người ta chống lại thế nào, xe không dừng thế nào... thực hiện rất nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng người tham gia giao thông chống lại và gây hậu quả đáng tiếc”.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, một phần nguyên nhân của việc lái xe chống người thi hành công vụ xuất phát từ yếu tố văn hóa, việc buông lỏng trong đào tạo và sát hạch lái xe hiện nay.

“Tôi thấy việc này có yếu tố văn hóa. Từ năm 1995 đến nay, khi việc sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) chuyển sang ngành GTVT thì đã bị buông lỏng. Tôi nói bằng trách nhiệm chính trị trước nhân dân của một Thiếu tướng công an trong nhiều năm công tác trong công an, chứ không phải bằng ngành này ngành kia”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.

Theo Cục trưởng cục CSGT, từ chỗ buông lỏng trong đào tạo cũng như sát hạch cấp GPLX thì truyền đạt kiến thức văn hóa, ý thức chưa tốt. Cùng với việc quản lý chưa tốt như hiện nay là nguyên nhân sâu xa của việc chống lại, không chấp hành luật giao thông tương đối phổ biến.

Về việc CSGT không nên truy đuổi thì chúng tôi và bộ Công an đã có chỉ đạo. Đối với vi phạm hành chính như vi phạm giao thông thì không được đuổi nhưng trường hợp chống lại, cản trở và đặc biệt với tội phạm thì phải kiên quyết.

“Có rất nhiều vụ việc hi hữu, như việc CSGT truy đuổi và bị tai nạn do dòng xe lớn, người vi phạm cũng chủ quan nên gây tai nạn”, Cục trưởng cục CSGT bày tỏ.

Về việc người vi phạm chất vấn lại CSGT, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho rằng, người dân hiện nay chưa thấy được trách nhiệm của bản thân. “Quan trọng nhất là người tham gia giao thông phải ứng xử có văn hóa. Người tham gia giao thông phải chấp hành pháp luật, sau đó có quyền khiếu nại người thi hành công vụ không đúng hoặc chưa chuẩn.

Trong tham luận của ông Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia, ông cho rằng, để xây dựng được văn hóa giao thông thì lực lượng CSGT là lực lượng cốt lõi, cần phải trang bị các công cụ hiện đại cho CSGT.

Phó chánh văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm, trong việc xử lý vi phạm giao thông, có nhiều trường hợp CSGT có thể cung cấp được bằng chứng nhưng nhiều trường hợp mà CSGT các nước trên thế giới cũng không thể cung cấp được hình ảnh, do đó tình trạng người vi phạm "đôi co" với CSGT là không chấp nhận được.

 

Tác giả bài viết: Nhất Nam

Nguồn tin: