Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có không việc “thí tốt” trong xử lý sai phạm ở Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Nghệ An?

Việc xử lý sai phạm trong quy trình kiểm dịch, niêm phong, lưu giữ lô hàng 10 tấn da trâu đã qua sơ chế (ướp muối) của Chi cục Chăn nuôi - Thú y (CN-TY) tỉnh Nghệ An đến nay đã ngã ngũ. Kiểm dịch viên (KDV) Nguyễn Minh Trung đã phải chịu trách nhiệm bồi thường 52 triệu đồng trong tổng số số 100 triệu đồng thiệt hại thực tế trong khi thi hành nhiệm vụ kiểm dịch theo ủy quyền. Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi rằng: Tại sao chỉ có một mình ông Trung phải gánh chịu hậu quả khi ít nhất có 3 cán bộ liên quan đến sai phạm này?
11
 
22
Mỗi năm, từ 71 phiên chợ Ú (Đại Sơn, Đô Lương, Nghệ An), có gần 50 ngàn con trâu, bò, bê, nghé được cấp giấy kiểm dịch vận chuyển ra ngoại tỉnh tiêu thụ.   

3 người làm sai, 1 người gánh chịu?

Trong “Báo cáo giải trình” một số nội dung về công tác kiểm dịch sản phẩm động vật ở Nghệ An được nêu trên hoanhap.vn vừa qua theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này đã chỉ ra những sai phạm của Chi cục CN-TY theo đúng thông tin mà báo chí phản ánh. Cụ thể là: 

“Việc Chi cục CN-TY Nghệ An gửi văn bản cho Chi cục CN-TY Điện Biên đề nghị kiểm tra thông tin người nhận hàng không có quy định cụ thể trong Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT. Vấn đề này, Chi cục CN-TY nghiêm túc nhận sai sót trong việc gửi văn bản đề nghị Chi cục CN-TY Điện Biên xác nhận địa chỉ người nhận hàng, mục đích sử dụng…”

“Việc lấy mẫu xét nghiệm đối với mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi không có quy định trong thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT do ông Trần Văn Ba - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh chịu trách nhiệm sai sót này khi triển khai thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm”.

Từ những sai phạm nêu trên, theo chỉ đạo của giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, sáng ngày 10/4/2017, Hội đồng kỷ luật của Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An đã họp và quyết định kỷ luật đối với ông Trung là “khiển trách”, thu hồi quyết định ủy quyền, thu hồi giấy chứng nhận kiểm dịch, thu hồi thẻ KDV. Theo đó, ông Trung phải “trả toàn bộ các chi phí về thuê kho bảo quản, xét nghiệm, thuê xe vận chuyển trao trả lô hàng cho chủ hàng”. Tổng toàn bộ chi phí cho 3 khoản trên, theo ông Trung là 12 triệu đồng. 
 
33
Do việc niêm phong sai và xử lý hậu quả sai phạm không đúng nên Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An đã gây thiệt hại 100 triệu đồng đối với 10 tấn da trâu đã qua sơ chế.

Sau khi được trao trả lô hàng, ngày 10/4/2017, ông Trần Văn Ngãi, chủ lô hàng đã có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại gửi giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An và Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An. Theo nội dung đơn, ông Ngãi cho rằng, do lô hàng bị giữ lâu ngày, trong đó có 4 ngày để ngoài trời nên sản phẩm phải xử lý sơ chế lại. Vì vậy, giá bán 1 kg da trâu muối bị giảm từ 15 ngàn đồng/kg xuống còn 8 ngàn đồng/kg. Tiền thuê chiếc xe tải 27C-007.87 chở lô hàng phải thanh toán là 10 triệu đồng. Tiền thiệt hại do 3 lao động chính của gia đình ông Ngãi phải nghỉ việc, chờ đợi, đi lại để giải quyết vụ việc 8 ngày là 8 triệu đồng. Tổng thiệt hại thực tế được ông Ngãi nêu trong đơn là 88 triệu đồng. 

Nhận được đơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, thay vì mời công dân đến Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Thế Độ- Chi cục trưởng Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An lại chỉ đạo ông Trung trực tiếp tới nhà riêng ông Ngãi (ở xóm 4, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để… thương lượng. 

Trao đổi với phóng viên, ông Độ khẳng định: “Thiệt hại này sẽ quy cho cá nhân ông Đặng Văn Minh, ông Trần Võ Ba và ông Nguyễn Minh Trung chịu trách nhiệm bồi thường”. Thế nhưng, theo chủ hàng phản ánh, ông Trung đã than thở rằng: “Một mình ông Trung phải gánh chịu nên số tiền trên là quá nặng so với tiền lương hàng tháng. Mong gia đình xem xét, giảm mức tiền bồi thường”. Ông Ngãi cho biết: “Hiện tại, ông Trung mới trả cho gia đình 40 triệu đồng trong tổng số 88 triệu đồng thiệt hại được trình bày trong đơn”. Vợ và các con ông Ngãi vẫn chưa đồng ý với số tiền bồi thường trên.
 
44
Cực chẳng đã, chủ lô hàng đã phải làm đơn đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An xem xét bồi thường. 

Có không, việc “thí tốt”?

Mặc dù trong báo cáo giải trình của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An có nêu hình thức kỷ luật của 3 cá nhân liên quan đến quy trình xử lý lô hàng, nhưng ông Đặng Văn Minh- Phó Chi cục trưởng Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An (là người trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm dịch, xử lý sai phạm về lo hàng không đúng quy định theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT) chỉ nhận “khuyết điểm có sai sót trong tham mưu, còn lúng túng trong chỉ đạo, chưa khẩn trương xử lý vụ việc”. Ông Trần Võ Ba chỉ bị “phê bình” do “còn lúng túng trong tham mưu, chỉ đạo xử lý xe hàng”.

Dư luận đặt câu hỏi rằng: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của KDV được ủy quyền, ông Đặng Văn Minh đã chỉ đạo những gì? Chẳng lẽ, KDV được quyền tự ý làm tất cả mọi việc liên quan đến kiểm dịch mà không có sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể từng vụ việc của ông Minh? Khi xử lý vụ việc, chẳng lẽ, ông Minh (là một thạc sỹ) lại thụ động nghe theo tham mưu của ông Ba mà không phân biệt được đúng, sai? Nếu không có ý kiến chỉ đạo của ông Minh, liệu rằng, ông Ba có dám giữ lô hàng lâu ngày như thế? Tại sao Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT không quy định mà ông Minh lại vẽ ra việc làm văn bản hỏi Chi cục CN-TY tỉnh Điện Biên về địa chỉ người mua, mục đích sử dụng sản phẩn động vật và lấy 5 mẫu da trâu đã ướp muối gửi Cơ quan Thú y Vùng 3 để “xét nghiệm”? Tất cả những việc làm của ông Minh đã trực tiếp dẫn tới lô hàng bị lưu giữ lâu ngày, phát sinh những chi phí không cần thiết. Phải chăng, ông Minh là lãnh đạo của Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An nên giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này… nương nhẹ? 
 
55
Báo cáo giải trình của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An có “nương nhẹ” đối với sai phạm của cán bộ lãnh đạo Chi cục CN-TY?

Liên quan đến quá trình học tập và công tác của ông Minh, báo cáo giải trình của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An so với những thông tin mà hoanhap.vn phản ánh là khớp nhau. Tuy nhiên, bản “báo cáo giải trình” của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An chưa dám nhận định về quá trình tiếp nhận, xét tuyển viên chức, công chức và bổ nhiệm đối với ông Minh từ khi về Chi cục CN-TY có “siêu tốc” hay không, mà chỉ đề cập như một trường hợp “đặc biệt” được “ưu ái” vì thuộc đối tượng “thu hút nhân tài”. 

Xin nói thêm rằng, ngay trong Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, có 1 trường hợp cũng thuộc diện “thu hút”, cũng là thạc sỹ chuyên ngành CN-TY, tốt nghiệp đại học lại giỏi, từng là giáo viên Đại học Vinh, thế nhưng khi được đưa ra xem xét để bổ nhiệm vị trí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN-TY lại bị ai đó phản đối vì… chưa được xét chuyển công chức. Một trường hợp khác hiện là Phó Trạm trưởng Trạm CN-TY huyện Quỳnh Lưu, từ khi vào làm việc tại Chi cục CN-TY tỉnh Nghệ An cho đến khi được xét tuyển viên chức, phải trải qua “gần 20 năm khổ luyện”.
 
66
Các xe chở động vật và sản phẩm động vật qua Trạm Kiểm dịch Bắc Nghệ An có được kiểm tra, phun khử trùng tiêu độc theo đúng quy định?

Phải chăng, vì sự nể nang, vì là “cán bộ lãnh đạo” nên mặc dù sai phạm đã rõ nhưng giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An không dám chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với Chi cục phó Đặng Văn Minh? 

Hoanhap.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về kết quả chỉ đạo xử lý sai phạm vụ việc này của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.  

 
Nhóm PVĐT/Theo Hòa nhập online