Ký ức hãi hùng về “bão ết” ở “thung vàng”
- 10:52 14-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lâu nay, Cắm Muộn nổi tiếng là điểm nóng về ma túy của Quế Phong, huyện biên giới nằm mút ngọn miền Tây xứ Nghệ.
Khi đặt chân lên bất cứ bản làng nào ở cái xã xa xôi, khuất nẻo nằm dưới chân núi Huôi Hạng này, người ta cũng có thể bắt gặp vô số những gia đình, những phận đời bầm dập vì ma túy. Ở đây, có cả một thế hệ những người nghiện rồi nhiễm HIV, rồi chết rục trong sự hắt hủi xót xa.
Đại họa ma túy, HIV/AIDS, nó như “cơn gió độc” cuốn đi toàn những trai Mông, gái Thái tuổi mười tám đôi mươi, vâm vam, sức vóc, đẩy nhiều gia đình lâm vào thảm cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ con côi cút như đá cuội…
Mang bệnh từ những cuộc mưu sinh
Tất cả bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi cơn bão ma túy còn đương hoành hành khắp miền Tây xứ Nghệ, cũng là quãng thời gian mà Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An) phải chịu nhiều đau thương, mất mát nhất. Mảnh đất từng được mệnh danh là “đất của vàng” hay “thung vàng” này, ngoái về bốn phía đều rừng núi thâm u, đồng bào phần lớn đều co rúm trong đói nghèo và lạc hậu.
Thanh niên nhiều người “đánh đu” với chữ nghĩa được vài năm thì bỏ. Không học hành, nghề ngỗng gì, những gã trai sơn cước như thế phần lớn chỉ biết hoặc cắm đầu lên rừng làm… lâm tặc, hoặc chui vào hầm tìm vàng sa khoáng.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ngày vài chục đến trăm ngàn, cơm chủ nuôi, tiền công của đám phu phen, sơn tràng Cắm Muộn được tính theo những khối gỗ, những cây rừng bị cưa máy xoèn xoẹt hạ xuống, hoặc từ những mẩu kim loại moi từ dưới đất lên.
Rừng phá mãi cũng cạn kiệt, vàng đào mãi cũng khan, họ lại phải gồng gánh cưa, đục, búa, rìu, cuốc xẻng trèo đèo lội suối chui vào những trảng rừng sâu hơn, xa hơn, ngày càng tách biệt với thế giới bên ngoài. Có khi cả tuần, cả tháng trời, khắp rừng xanh núi đỏ tịnh không một bóng người dân, rặt một đám “giặc rừng” mặt mày bặm trợn.
Ăn rừng ngủ thác, đêm lán trại buồn hiu hắt, họ tìm đến ma túy, tìm cái cảm giác châng lâng, bay bổng, vừa để giải khuây, vừa để ngày sau còn có sức chui vào tận cùng những hang sâu hun hút, như mũi tên cắm vào lòng đất. Nghiện - dùng chung kim tiêm - dính “ết”, thế là tất cả rủ nhau chui vào “danh sách tử thần”.
Lang bạt rừng xanh núi đỏ vài năm thì bị cấm, đám phu phen bỏ lại nơi sơn lam chướng khí những vâm vam tráng kiện của người đàn ông, còn mang về toàn hình hài tong teo gầy ốm. Và, họ mang về cả con vi rút chết người: Vi rút HIV.
Nhưng, điều đáng nói ở đây là cái nhận thức hết sức mơ hồ của người dân về ma túy và căn bệnh thế kỷ, căn bệnh HIV/AIDS. Cán bộ, công an xã đến tận nhà, có khi phải đuổi theo lên nương, lên núi mới “mời” về được để tuyên truyền, vận động. Nhưng lời nói của cán bộ như gió thổi đỉnh rừng, mấy con nghiện vẫn tìm mọi cách trốn chui, trốn lủi hút hít, không có tiền thì trộm cắp vặt.
Còn cán bộ y tế trèo đèo lội suối gặp từng người bệnh, vận động họ đi uống thuốc, tham gia điều trị, họ chỉ… cười trừ. Bởi, lúc đó người ta xem nó cũng chỉ như cơn hắt hơi, xổ mũi, dù nó có thể làm cả thế giới kinh hoàng, làm chết người thì cũng là chết ở đâu đó chứ không phải ở xứ rừng heo hút này! Họ vẫn vô tư lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Thậm chí, có gia đình còn bị “bão ết” cuốn tất thảy già trẻ, lớn bé về nơi chín suối. Có gia đình, người chồng dính “ết”, vẫn hồn nhiên về “nhây” sang vợ, như trường hợp của Vi Thị M (SN 1979).
Nhà M ở rìa bản Huôi Máy. Căn nhà cấp 4 còm cõi quay mặt ra cánh đồng, gió lồng lộng thốc vào, tường vách tả tơi. M kể, năm 1998 -1999, anh Ch, chồng M theo chúng bạn đi đào vàng, cũng tập tành hút xách. Đến đầu năm 2004, hai người cưới nhau. Mặc dù, chị biết, anh từng đi đào vàng, từng nghiện, và chị cũng mơ hồ cái chuyện “đã đi vàng là ết”. Nhưng, chị chấp nhận!
Năm 2006, chị M sinh con gái đầu lòng. Cuộc sống cuốn đi. Hai vợ chồng vẫn ung dung, dù ở bản lúc đó đã có vài người từng đi đào vàng cùng với anh Ch bị chết vì HIV/AIDS. Năm 2009, chị mang thai tiếp đứa thứ hai. Đi khám định kỳ ở tháng thứ ba, chị phát hiện mình bị HIV. Bác sỹ khuyên không nên sinh. Chị quyết đẻ. Đẻ để ra đứa con trai nối dõi cho nhà chồng. Lại con gái. Cán bộ y tế thuyết phục, cả nhà đi xét nghiệm. Bố mẹ dính “ết”, hai con thoát. Chị ơn trời đã xót thương.
Nghe cái cách chị điềm nhiên kể, cũng như cái cách chị điềm nhiêm đẻ khi biết mình mang trọng bệnh, khiến tôi không khỏi giật mình thảng thốt. Ở mảnh đất này, có rất nhiều gia đình như thế. Chồng hoặc vợ mắc bệnh HIV/AIDS, họ vẫn sinh ra những đứa trẻ mà số phận chúng được phó mặc cho “ông trời” định đoạt.
Thế nên, sau khi bị “cơn bão ết” tràn qua, chả cứ gì ở Cắm Muộn, mà trên khắp 14 xã và thị trấn của huyện Quế Phong còn rất nhiều đứa trẻ mang trong mình căn bệnh thế kỷ do cha mẹ truyền lại. Chúng vẫn lơ ngơ, hồn nhiên sống như không hề biết “thần chết” đang lơ lửng trên đầu…
Chung tay chống “bão”
Nhà anh Lô Văn H, nằm hun hút trên đỉnh một con dốc dài. Căn nhà gạch được xây mới từ tiền vay mượn, tích cóp của hai vợ chồng, tiền hỗ trợ của Nhà nước thay cho căn nhà dột nát bốn mùa gió đập phành phạch. Cửa trống huơ trống hoác, tài sản duy nhất là con chó nằm co ro trong góc, thỉnh thoảng nhấm nhẳng sủa.
Anh H nghiện từ năm 2000, thân hình như cái dải khoai, quần áo mặc vào người anh nó cứ phất phơ như đang treo trên mắc. Cũng năm 2000, anh cưới chị Lô Thị Nh. “Chả biết mình “dính” từ khi nào. Đến mãi năm 2003, thấy “thằng bạn thời phu vàng”, người đã từng đưa tôi vào con đường nghiện ngập, chết vì AIDS, vợ chồng tôi mới đưa nhau đi khám và phát hiện… “ết” cả hai”, anh H than thở.
Than thở là một chuyện, còn chuyện sinh con lại là chuyện hoàn toàn khác. Không đừng được. Cũng cái năm 2003 ấy, vợ chồng anh sinh cháu Lô Thị B. Bốn năm sau, sinh tiếp cậu con trai Lô Văn Kh. “Thằng bé thứ hai nhà tôi đấy, năm nay vừa lớp 4”, anh H không giấu được vẻ tự hào. Tôi nhìn theo cánh tay khô nhẳng của anh.
Cậu bé Kh có gương mặt trắng trẻo, khôi ngô, nhưng ánh mắt nhìn lúc nào cũng như xa lạ, sợ sệt một điều gì đó mơ hồ, nãy giờ chỉ chơi loanh quanh cái chiếu khách, cách bố một sải tay. Cũng may là sau khi sinh được “thằng nối dõi tông đường” và cũng vì… nể cán bộ trèo đèo lội suối vào vận động nên vợ chồng anh H mới thôi không sinh tiếp.
Mẹ anh Lô Văn H, bà Lô Thị T, mỗi khi có khách hỏi thăm lại chan chứa hai hàng nước mắt. Bà khóc thương cho đứa con trai, khúc ruột buốt xót của mình, và cũng khóc thương cho số phận hẩm hiu của hai đứa cháu. Bà bảo: “Thằng con nghiện ngập rồi mắc AIDS, tự nó mang họa vào thân đã đành, đằng này lại lây sang cho vợ. Tội nghiệp con bé, nó còn trẻ quá. Nói dại, mai này nó “theo chồng” xuống dưới suối vàng, tôi phải làm thế nào để nuôi lũ trẻ?!”.
Những tưởng nỗi đau ở Cắm Muộn và các xã bản khác sẽ còn nối dài, nhưng mấy năm gần đây, chính quyền và các cơ quan đoàn thể huyện Quế Phong đã rốt ráo vào cuộc và chủ động tìm cách để giải quyết tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS. Với quyết tâm “phải cứu đồng bào bằng mọi giá”, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội huyện Quế Phong được thành lập…
Nhiệm vụ chống “bão”, ngăn “gió độc” giờ không còn phó mặc cho riêng lực lượng công an mà huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mỗi cá nhân, đơn vị đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu chung là phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp nhằm kiểm soát, làm giảm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Nhờ sự vào cuộc quy mô, bài bản của cả hệ thống chính trị như thế nên mấy năm nay tệ nạn ma túy và số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS ở Cắm Muộn nói riêng và 14 xã, thị trấn trong toàn huyện Quế Phong nói chung cũng giảm dần. “Nếu năm 2013, Quế Phong có đến 844 người nghiện và 1.261 người nhiễm HIV, thì hiện nay số người nghiện ở đây chỉ còn 777 người, và nhiễm HIV là 743 người”, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chia sẻ.
Đó là những thành quả hết sức đáng khích lệ sau những cố gắng của chính quyền và các cơ quan ban ngành trong huyện. Quả thật, Cắm Muộn giờ đây đã dần mang một bộ mặt khác, tươi sáng hơn, tàn dư, hậu quả của cơn bão “ết” cách đây hơn 10 năm cũng đang dần được khắc phục. Ông Trung bảo: “Do mấy năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh về từng thôn bản, từng gia đình nên hiện tượng vợ chồng bị HIV/AIDS sinh con ở Cắm Muộn và nhiều xã bản khác đã không còn nữa…”.
Tỷ lệ người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS giảm, thế nhưng Cắm Muộn vẫn bị ám ảnh nhiều từ quá khứ. Dù hơn một thập kỷ, kể từ khi cơn bão HIV/AIDS tràn qua, nỗi buồn ủ ê của những gia đình có người thân mang bệnh vẫn khó bị lãng phai đi. Cuộc đời của đồng bào ở đây đã phải chịu quá nhiều những cơn bão, và cũng chính vì để chống chọi với cơn bão đói nghèo họ mới phải bươn chải mưu sinh.
Trong cái hành trình mưu sinh ấy, họ lại vô tình “rước” về cho bản làng một cơn bão khác khốc liệt hơn, đó là “cơn bão ết”. Thế nên làm sao để vận động được số người nghiện còn lại đi cai và người nhiễm HIV tích cực tham gia điều trị? Câu hỏi đó vẫn luôn đay đả trong đầu mỗi cán bộ tâm huyết và mẫn cán của vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này.
Đại họa ma túy, HIV/AIDS, nó như “cơn gió độc” cuốn đi toàn những trai Mông, gái Thái tuổi mười tám đôi mươi, vâm vam, sức vóc, đẩy nhiều gia đình lâm vào thảm cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ con côi cút như đá cuội…
Mang bệnh từ những cuộc mưu sinh
Tất cả bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi cơn bão ma túy còn đương hoành hành khắp miền Tây xứ Nghệ, cũng là quãng thời gian mà Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An) phải chịu nhiều đau thương, mất mát nhất. Mảnh đất từng được mệnh danh là “đất của vàng” hay “thung vàng” này, ngoái về bốn phía đều rừng núi thâm u, đồng bào phần lớn đều co rúm trong đói nghèo và lạc hậu.
Thanh niên nhiều người “đánh đu” với chữ nghĩa được vài năm thì bỏ. Không học hành, nghề ngỗng gì, những gã trai sơn cước như thế phần lớn chỉ biết hoặc cắm đầu lên rừng làm… lâm tặc, hoặc chui vào hầm tìm vàng sa khoáng.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ngày vài chục đến trăm ngàn, cơm chủ nuôi, tiền công của đám phu phen, sơn tràng Cắm Muộn được tính theo những khối gỗ, những cây rừng bị cưa máy xoèn xoẹt hạ xuống, hoặc từ những mẩu kim loại moi từ dưới đất lên.
Rừng phá mãi cũng cạn kiệt, vàng đào mãi cũng khan, họ lại phải gồng gánh cưa, đục, búa, rìu, cuốc xẻng trèo đèo lội suối chui vào những trảng rừng sâu hơn, xa hơn, ngày càng tách biệt với thế giới bên ngoài. Có khi cả tuần, cả tháng trời, khắp rừng xanh núi đỏ tịnh không một bóng người dân, rặt một đám “giặc rừng” mặt mày bặm trợn.
Ăn rừng ngủ thác, đêm lán trại buồn hiu hắt, họ tìm đến ma túy, tìm cái cảm giác châng lâng, bay bổng, vừa để giải khuây, vừa để ngày sau còn có sức chui vào tận cùng những hang sâu hun hút, như mũi tên cắm vào lòng đất. Nghiện - dùng chung kim tiêm - dính “ết”, thế là tất cả rủ nhau chui vào “danh sách tử thần”.
Lang bạt rừng xanh núi đỏ vài năm thì bị cấm, đám phu phen bỏ lại nơi sơn lam chướng khí những vâm vam tráng kiện của người đàn ông, còn mang về toàn hình hài tong teo gầy ốm. Và, họ mang về cả con vi rút chết người: Vi rút HIV.
Nhưng, điều đáng nói ở đây là cái nhận thức hết sức mơ hồ của người dân về ma túy và căn bệnh thế kỷ, căn bệnh HIV/AIDS. Cán bộ, công an xã đến tận nhà, có khi phải đuổi theo lên nương, lên núi mới “mời” về được để tuyên truyền, vận động. Nhưng lời nói của cán bộ như gió thổi đỉnh rừng, mấy con nghiện vẫn tìm mọi cách trốn chui, trốn lủi hút hít, không có tiền thì trộm cắp vặt.
Còn cán bộ y tế trèo đèo lội suối gặp từng người bệnh, vận động họ đi uống thuốc, tham gia điều trị, họ chỉ… cười trừ. Bởi, lúc đó người ta xem nó cũng chỉ như cơn hắt hơi, xổ mũi, dù nó có thể làm cả thế giới kinh hoàng, làm chết người thì cũng là chết ở đâu đó chứ không phải ở xứ rừng heo hút này! Họ vẫn vô tư lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Thậm chí, có gia đình còn bị “bão ết” cuốn tất thảy già trẻ, lớn bé về nơi chín suối. Có gia đình, người chồng dính “ết”, vẫn hồn nhiên về “nhây” sang vợ, như trường hợp của Vi Thị M (SN 1979).
Nhà M ở rìa bản Huôi Máy. Căn nhà cấp 4 còm cõi quay mặt ra cánh đồng, gió lồng lộng thốc vào, tường vách tả tơi. M kể, năm 1998 -1999, anh Ch, chồng M theo chúng bạn đi đào vàng, cũng tập tành hút xách. Đến đầu năm 2004, hai người cưới nhau. Mặc dù, chị biết, anh từng đi đào vàng, từng nghiện, và chị cũng mơ hồ cái chuyện “đã đi vàng là ết”. Nhưng, chị chấp nhận!
Năm 2006, chị M sinh con gái đầu lòng. Cuộc sống cuốn đi. Hai vợ chồng vẫn ung dung, dù ở bản lúc đó đã có vài người từng đi đào vàng cùng với anh Ch bị chết vì HIV/AIDS. Năm 2009, chị mang thai tiếp đứa thứ hai. Đi khám định kỳ ở tháng thứ ba, chị phát hiện mình bị HIV. Bác sỹ khuyên không nên sinh. Chị quyết đẻ. Đẻ để ra đứa con trai nối dõi cho nhà chồng. Lại con gái. Cán bộ y tế thuyết phục, cả nhà đi xét nghiệm. Bố mẹ dính “ết”, hai con thoát. Chị ơn trời đã xót thương.
Nghe cái cách chị điềm nhiên kể, cũng như cái cách chị điềm nhiêm đẻ khi biết mình mang trọng bệnh, khiến tôi không khỏi giật mình thảng thốt. Ở mảnh đất này, có rất nhiều gia đình như thế. Chồng hoặc vợ mắc bệnh HIV/AIDS, họ vẫn sinh ra những đứa trẻ mà số phận chúng được phó mặc cho “ông trời” định đoạt.
Thế nên, sau khi bị “cơn bão ết” tràn qua, chả cứ gì ở Cắm Muộn, mà trên khắp 14 xã và thị trấn của huyện Quế Phong còn rất nhiều đứa trẻ mang trong mình căn bệnh thế kỷ do cha mẹ truyền lại. Chúng vẫn lơ ngơ, hồn nhiên sống như không hề biết “thần chết” đang lơ lửng trên đầu…
Chung tay chống “bão”
Nhà anh Lô Văn H, nằm hun hút trên đỉnh một con dốc dài. Căn nhà gạch được xây mới từ tiền vay mượn, tích cóp của hai vợ chồng, tiền hỗ trợ của Nhà nước thay cho căn nhà dột nát bốn mùa gió đập phành phạch. Cửa trống huơ trống hoác, tài sản duy nhất là con chó nằm co ro trong góc, thỉnh thoảng nhấm nhẳng sủa.
Anh H nghiện từ năm 2000, thân hình như cái dải khoai, quần áo mặc vào người anh nó cứ phất phơ như đang treo trên mắc. Cũng năm 2000, anh cưới chị Lô Thị Nh. “Chả biết mình “dính” từ khi nào. Đến mãi năm 2003, thấy “thằng bạn thời phu vàng”, người đã từng đưa tôi vào con đường nghiện ngập, chết vì AIDS, vợ chồng tôi mới đưa nhau đi khám và phát hiện… “ết” cả hai”, anh H than thở.
Than thở là một chuyện, còn chuyện sinh con lại là chuyện hoàn toàn khác. Không đừng được. Cũng cái năm 2003 ấy, vợ chồng anh sinh cháu Lô Thị B. Bốn năm sau, sinh tiếp cậu con trai Lô Văn Kh. “Thằng bé thứ hai nhà tôi đấy, năm nay vừa lớp 4”, anh H không giấu được vẻ tự hào. Tôi nhìn theo cánh tay khô nhẳng của anh.
Cậu bé Kh có gương mặt trắng trẻo, khôi ngô, nhưng ánh mắt nhìn lúc nào cũng như xa lạ, sợ sệt một điều gì đó mơ hồ, nãy giờ chỉ chơi loanh quanh cái chiếu khách, cách bố một sải tay. Cũng may là sau khi sinh được “thằng nối dõi tông đường” và cũng vì… nể cán bộ trèo đèo lội suối vào vận động nên vợ chồng anh H mới thôi không sinh tiếp.
Mẹ anh Lô Văn H, bà Lô Thị T, mỗi khi có khách hỏi thăm lại chan chứa hai hàng nước mắt. Bà khóc thương cho đứa con trai, khúc ruột buốt xót của mình, và cũng khóc thương cho số phận hẩm hiu của hai đứa cháu. Bà bảo: “Thằng con nghiện ngập rồi mắc AIDS, tự nó mang họa vào thân đã đành, đằng này lại lây sang cho vợ. Tội nghiệp con bé, nó còn trẻ quá. Nói dại, mai này nó “theo chồng” xuống dưới suối vàng, tôi phải làm thế nào để nuôi lũ trẻ?!”.
Những tưởng nỗi đau ở Cắm Muộn và các xã bản khác sẽ còn nối dài, nhưng mấy năm gần đây, chính quyền và các cơ quan đoàn thể huyện Quế Phong đã rốt ráo vào cuộc và chủ động tìm cách để giải quyết tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS. Với quyết tâm “phải cứu đồng bào bằng mọi giá”, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội huyện Quế Phong được thành lập…
Nhiệm vụ chống “bão”, ngăn “gió độc” giờ không còn phó mặc cho riêng lực lượng công an mà huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mỗi cá nhân, đơn vị đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu chung là phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp nhằm kiểm soát, làm giảm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Nhờ sự vào cuộc quy mô, bài bản của cả hệ thống chính trị như thế nên mấy năm nay tệ nạn ma túy và số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS ở Cắm Muộn nói riêng và 14 xã, thị trấn trong toàn huyện Quế Phong nói chung cũng giảm dần. “Nếu năm 2013, Quế Phong có đến 844 người nghiện và 1.261 người nhiễm HIV, thì hiện nay số người nghiện ở đây chỉ còn 777 người, và nhiễm HIV là 743 người”, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chia sẻ.
Đó là những thành quả hết sức đáng khích lệ sau những cố gắng của chính quyền và các cơ quan ban ngành trong huyện. Quả thật, Cắm Muộn giờ đây đã dần mang một bộ mặt khác, tươi sáng hơn, tàn dư, hậu quả của cơn bão “ết” cách đây hơn 10 năm cũng đang dần được khắc phục. Ông Trung bảo: “Do mấy năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh về từng thôn bản, từng gia đình nên hiện tượng vợ chồng bị HIV/AIDS sinh con ở Cắm Muộn và nhiều xã bản khác đã không còn nữa…”.
Tỷ lệ người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS giảm, thế nhưng Cắm Muộn vẫn bị ám ảnh nhiều từ quá khứ. Dù hơn một thập kỷ, kể từ khi cơn bão HIV/AIDS tràn qua, nỗi buồn ủ ê của những gia đình có người thân mang bệnh vẫn khó bị lãng phai đi. Cuộc đời của đồng bào ở đây đã phải chịu quá nhiều những cơn bão, và cũng chính vì để chống chọi với cơn bão đói nghèo họ mới phải bươn chải mưu sinh.
Trong cái hành trình mưu sinh ấy, họ lại vô tình “rước” về cho bản làng một cơn bão khác khốc liệt hơn, đó là “cơn bão ết”. Thế nên làm sao để vận động được số người nghiện còn lại đi cai và người nhiễm HIV tích cực tham gia điều trị? Câu hỏi đó vẫn luôn đay đả trong đầu mỗi cán bộ tâm huyết và mẫn cán của vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này.
Tác giả: Nam Hoàng
Nguồn: Congly.vn
Nguồn: Congly.vn