Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện dễ thương về ‘bà mèo’

“Bà mèo đi tùm lum, khó tìm lắm....”, đó là câu trả lời tôi nhận được khi dò hỏi về cụ bà nuôi nhiều mèo. 87 tuổi, bà linh hoạt, nhanh nhẹn cùng với đám mèo mà bà thương yêu như con.
Vài ngày sau, khi đã gần 10 giờ đêm, tình cờ tôi thấy bà đang đẩy xe trên đường Lê Lộ của quận Tân Phú (TP.HCM). Bà tên Nguyễn Thị Hồng Hoa, là người gốc Sài Gòn nhưng người dân trong khu vực thường quen gọi bà là “bà mèo”.

Lang thang cùng chiếc xe mèo

Trên xe đẩy của “bà mèo” chỉ thấy toàn mèo. “bà mèo” hiện giờ 87 tuổi nhưng vẫn cùng chiếc xe đẩy cồng kềnh, lỉnh kỉnh đồ cùng hơn chục con mèo lang thang khắp các con đường trong quận Tân Phú. Bà kể: “Ngày trước có ông kia đến hỏi mua con mèo tam thể trên xe, bà nhất quyết không bán. Mèo nó khôn lắm, nó biết mình bán nó, nó buồn bỏ ăn thì tội lắm. Vậy mà hôm sau bà mất đúng con mèo tam thể đó, bà buồn quá, cháu ơi!”.

Bà kể chừng ba chục năm trước, bà đi cái xe đạp mini ra công viên hóng mát, có con mèo đực màu trắng quấn lấy bà, bà nhìn thấy thương nên đem nó về nuôi. Từ khi nuôi nó, bà thấy vui hẳn, bà đâm ra thích và muốn nuôi mèo. Bà nuôi nhiều mèo nhưng cũng bị mất nhiều. Mỗi lần mất mèo bà buồn và nhớ chúng nhiều lắm. Ai mang mèo đến biếu là bà nhận nuôi hết, thấy con mèo nào bị bỏ rơi cũng lượm về nuôi.

Bà Hoa đặt tên cho từng con mèo. Mắt bà ánh lên niềm vui khi kể về “tụi nhỏ”: “Con Su màu trắng nè, nó còn nhỏ, mới có mấy tháng tuổi thôi nhưng dữ lắm. Con này là Nâu nè, mẹ nó bị bắt rồi, nó nhớ mẹ nhìn tội ghê không, cả ngày mặt cứ buồn buồn vậy đó. Con Tony này già rồi, cứ ăn hiếp mấy con kia hoài. Còn con Đen, cái góc đó là của nó, chỉ nằm đó suốt ngày thôi, không cho ai giành chỗ. Con Minô này thì quậy quá, hôm trước đi rong ngoài đường suýt bị mất...”.

Chiếc xe đẩy của bà như xe tự chế, phần dưới là cái lồng sắt cho mèo không chạy mất, phần trên để linh tinh các thứ như chai nước, mùng mền, xung quanh đầy các bao treo các thứ lon nước... Đặc biệt, trên xe của bà còn có cả mái che là tấm bạt màu xanh để bà che mưa nắng.

Mọi thứ trên xe dường như đều dành cho mèo. Bà dùng tấm ván chia chiếc xe đẩy thành hai tầng, những chiếc ghế nhựa làm thành các ô để mèo có chỗ chui rúc; mùng mền không phải để bà đắp mà dành che nắng cho mèo vào mỗi buổi sáng và giữ ấm vào tối lạnh. Bà cất lại một can nước suối để dành cho “tụi nhỏ”. Bà sắm cho “tụi nhỏ” một cái tô inox hẳn hoi dùng để đựng thức ăn. Bà ráng nhặt được nhiều ve chai để bán lấy tiền nuôi mèo. Tiền bạc eo hẹp vậy chứ lại nuôi mèo bằng cá hộp và cơm nóng. Bà kể: “Mỗi ngày bà trộn cho tụi nó ăn hết sáu hộp cá, trưa ba hộp, tối ba hộp, bà phải mua cơm nóng cho tụi nó ăn. Cá bà mua ở tiệm tạp hóa đàng hoàng. Cháu thấy tụi nó ăn ngon không?”.

Tôi hỏi: “Có khi nào bà bị người ta kêu là nuôi mèo nhiều vậy mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường chưa?”. Bà trả lời: “Chưa bao giờ, người ta còn thương mình nữa kìa. Mèo của bà khôn lắm, nó đi vệ sinh xong là tự lấp lại. Bà đi tới bãi đất trống, công viên, hay mấy nhà người ta chưa xây có xà bần, bà thả chúng nó ra chơi chút xíu, cho chúng đi vệ sinh rồi bà tự dọn hoặc nó tự lấp lại. Tụi nó sạch sẽ lắm”.

 
“Chui vô đi con, coi chừng nắng”.
 
Bà mèo biết rõ tính nết của từng con mèo.
 
Chiếc xe mèo này đã rong ruổi cùng bà nhiều năm trời. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Được người dưng đùm bọc và làm “người mẫu ảnh”

Bà Hồng Hoa là người không có nhà cửa, chỉ đi lang thang khắp các con đường gần Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM). Tối đến bà ngủ tạm bợ trên chiếc ghế đá của công viên hay trước cửa một nhà nào đó. Bà không có vị trí, địa điểm dừng lại cố định. Nay đây mai đó, bà đi khắp nơi, muốn nghỉ chân ở đâu thì dừng lại chỗ đó.

Bà đi lang thang như vậy đã năm năm. Bà mừng rằng mọi người ở những nơi bà đi qua thương bà lắm. Họ cho bà đồ ăn, thậm chí còn cho tiền để bà sống qua ngày. Nhưng bà không chỉ dựa vào đó, bà đi lượm ve chai bán lấy tiền, trên xe bà lúc nào cũng có treo hai giỏ đầy lon nước, chai nhựa “để dành bán”.

Bà kể: “Có cô kia, nhà gần đây nè, hai, ba ngày bà đi ngang là cô lại cho bà 50.000, 100.000 đồng. Hôm qua, cô cho bà bốn hộp cá. Có khi người ta cho mấy bịch thức ăn cho mèo, bà cất lại cả hũ đầy kìa. Bà cũng có “quán ruột” đó nghe, tối tối là bà ra quán há cảo gần trường Trần Phú.

Bà ra đó ăn, có khi mấy em học sinh mua cho ăn, rồi ngồi với bà chủ chút xíu. Sáng nay có tiệm bún riêu bán rẻ cho bà, lúc đầu bà chủ cứ đòi cho không tô bún. Bà không chịu, lấy của người ta hoài kỳ lắm cháu, có tiền trả cho người ta chứ. Người ta bán rẻ là làm phúc cho mình rồi”.

Đoạn, bà hớn hở: “Hôm qua có mấy cháu gái xinh lắm. Bà ngủ ở đây nè (bà chỉ tay vào chiếc ghế đá trước mặt), tụi nó đi chơi về, có một cháu chạy lại cho bà 50.000 đồng. Bà hay đến các trường học, các cháu học sinh chụp ảnh bà hoài mà bà cũng thích chụp ảnh. Năm ngoái có con bé kia xách cái máy ảnh bự lắm, chụp ảnh bà, rồi nó rửa cho bà tấm ảnh bự, bảo là tặng bà”.

Mọi người thương bà như bà thương mèo. Khi tôi trò chuyện với bà, vẫn có một số người trong khu vực đi ngang cho quà, chào hỏi bà. Niềm vui dâng lên trong ánh mắt bà cụ già cô độc.

Trời đã khuya, tôi chia tay bà. Hỏi bà sau này có tính cho hết “tụi nhỏ” rồi tìm người thân khi về già không, bà lắc đầu: “Bà ở với “tụi nhỏ” quen rồi, không cho được, cho rồi bà buồn lắm. Lỡ người ta không thương, không chăm sóc tụi nó tử tế thì sao”.

 
Phận người đơn độc và nghèo túng

Bà Hồng Hoa nhớ rõ: “Ngày xưa hộ khẩu của bà ở Hòa Hưng. Bà còn có tên tiếng Pháp nữa kìa, tên là Đen-ny (Danny). Ông ngoại bà là người Pháp. Nhỏ ở với ngoại, khi lớn xíu thì ngoại dẫn anh Hai qua Pháp. Bà với hai em ở với cha mẹ trên đường Nguyễn Thông nối dài, rồi sau chuyển qua Hòa Hưng. Cha mẹ mất bà mới sống một mình lang thang.

Bà học tới lớp 4 thì nghỉ học vì mê hát, rồi đi hát cho mấy đoàn cải lương. Thời tuổi trẻ bà từng làm công nhân cho hãng dệt Việt Thắng. Mẹ mất, bà ở trọ và làm phục vụ bưng bê cho một quán cà phê. Ông chủ thương bà lắm, bà làm đến chín năm ở đó. Lúc bà xin nghỉ, ông chủ không cho, ông sợ bà nghỉ thì bà không có tiền ở trọ”.

Tôi hỏi: “Sao bà không liên lạc với em, cháu để mọi người giúp bà có chỗ ở vì bà cũng lớn tuổi rồi?”. Bà bảo: “Em trai bà giờ cũng khổ lắm cháu ơi, nó đạp xích lô ở ngoài quận 1 dù rất giỏi tiếng Anh. Còn em gái bà thì sống tuốt ngoài Huế, chẳng dư dả gì. Cũng lâu rồi bà không liên lạc với mấy đứa em…”.

Tác giả bài viết: PHƯƠNG ANH

Nguồn tin: