Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Từ đam mê đến thương hiệu Sáo trúc Mão Mèo

Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê sáo trúc, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Mão (biệt danh Mão Mèo) quê ở huyện miền núi Tân Kỳ đã gắn bó và gây dựng nên hệ thống 25 cửa hàng sáo trúc trên khắp đất nước.
Lúc lên 8 tuổi, dưới sự hướng dẫn của cha, anh Nguyễn Văn Mão đã bắt đầu tập thổi sáo và nhanh chóng nhận ra niềm đam mê của mình với tiếng sáo dân tộc. Và từ đó, anh tìm tòi học hỏi để làm ra cây sáo.

Yêu sáo, chơi sáo đã được anh nuôi dưỡng, theo đuổi trong thời gian anh học ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ngoài thời gian học tập, rảnh rỗi anh đã làm sáo tặng bạn và bán online. Sau khi tích lũy được số vốn nhất định, năm 2013 anh Mão đã mở cửa hàng sáo trúc đầu tiên tại Hà Nội và là chủ nhiệm câu lạc bộ sáo trúc Việt Nam. Đến nay, sau 4 năm, anh đã là chủ nhân có hệ thống 25 cửa hàng bán sáo trúc trải dài từ Bắc vào Nam.

 
sao truc
Cửa hàng Sáo trúc tại Hà Nội của doanh nhân Nguyễn Văn Mão

Mặc dù hiện nay, công nghệ hiện đại cho phép sản xuất sáo với số lượng lớn trong ngày nhưng anh Mão vẫn trung thành với cách làm thủ công. Anh Mão chia sẻ: Giữa làm máy với làm thủ công có sự khác biệt rất lớn. Làm bằng máy thì khuôn mẫu nhưng làm bằng thủ công nó thể hiện được cái hồn trong đó, mình linh hoạt kích cỡ giữa các lỗ, tùy vào từng cây nứa to nhỏ, dài ngắn để mình điều chỉnh, không rập khuôn giống nhau mà đảm bảo chất lượng, thổi rất tốt, hay, đối với tôi thì không quan trọng số lượng mà quan trọng chất lượng, sáo có tốt âm thanh mới hay, người dùng mới càng say mê yêu thích.
 
sao truc 1
Anh Nguyễn Văn Mão giao lưu thổi sáo tại trường THCS Nguyễn Trãi - huyệnTân Kỳ

Ban đầu, anh Mão chỉ làm ra được vài loại sáo, nhưng đến nay anh đã làm được trên 30 loại sáo khác nhau phù hợp với mọi vùng miền của đất nước. Hiện tại anh có đội ngũ nhân viên lên tới gần 100 người, trong đó, có 20 thợ chính làm sáo được đào tạo bài bản và có chuyên môn về nhạc lý. Đặc biệt, năm 2013, anh là chủ nhân đã làm ra cây sáo trúc lập kỷ lục Việt Nam với chiều dài 2,03m.

Anh Mão cho biết: Để làm được cây sáo này, anh đã về làng trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) tìm, lựa chọn nứa trúc. Vì để làm cây sáo có kích thước lớn nên việc lựa chọn nguyên liệu cũng phải rất kỹ lượng, đảm bảo cả về độ lớn, đồ dày, độ dài và các tiêu chuẩn về âm thanh. Anh đã làm đi làm lại, phải đến lần thứ 4 mới làm thành công được cây sáo. Bởi cây sáo có kích thước quá lớn nên các tiêu chuẩn về khoảng cách các lỗ cũng phải được bố trí thật chuẩn. Đối với những cây sáo thông thường, cả 6 lỗ đều nằm trên đường thẳng, nhưng với cây sáo này, 2 lỗ phải nằm chệch sang một bên để bàn tay có thể với tới khi thổi. Ở các cây sáo thông thường chỉ có một lỗ đinh nhưng với cây sáo này thì có tới 6 lỗ đinh âm thanh để thoát ra tốt hơn.

 
sao truc 2
Anh Nguyễn Văn Mão (giữa) nhận Cúp Doanh nhân hội nhập và phát triển

Giờ đây, mới ở tuổi 30 nhưng Nguyễn Văn Mão đã trở thành ông chủ của 25 cửa hàng sáo trúc trên khắp cả nước và sáo trúc của anh đã có mặt tại 20 quốc gia, nhiều nhất là Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản với tổng số lượng bán ra thị trường mỗi tháng khoảng 8.000 cây sáo, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Tháng 11 năm 2016, thương hiệu Sáo trúc Mão mèo đã được vinh danh là thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2016 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hội Liên hiệp Khoa học công nghệ Việt Nam trao tặng.

Chính niềm đam mê khiến anh Nguyên Văn Mão không ngừng truyền lửa chơi sáo cho mọi người. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Tân Kỳ nên cứ mỗi dịp về thăm quê, anh lại giành thời gian để giao lưu, dạy cách chơi sáo cho các em học sinh tại các trường học.

Tiếng sáo không chỉ thể hiện tâm hồn của anh Mão mà còn mang theo ước mơ của chàng trai trẻ muốn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Tác giả bài viết: Cẩm Tú - Trọng Hùng

Nguồn tin: