“Tour 0 đồng” chỉ là chiêu trò dụ khách
- 08:51 11-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch “tour 0 đồng”, bảo vệ hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017. Một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng “tour 0 đồng” thực ra chỉ là chiêu trò dụ khách.
“Tour 0 đồng” “sống” thế nào?
Tour giá rẻ hoặc “0 đồng” lấy 6 dịch vụ để bù lỗ và kiếm siêu lợi nhuận, gồm: Ăn, nghỉ, xe ôtô, điểm tham quan, giải trí và mua sắm. Trong đó, các dịch vụ, mặt hàng mập mờ nhất và dễ đánh vào tâm lý du khách nhất, như sức khỏe, người thân, đồng hương… sẽ thường được ưu tiên lựa chọn.
Cách đây vài năm, để bù cho tour giá rẻ, những chiêu thường hay áp dụng nhất là cắt giảm chất lượng dịch vụ, lừa khách sử dụng các dịch vụ: Mát xa, xíchlô, tàu cao tốc và mua vé thăm các cảnh điểm với giá “cắt cổ”. Từ khi chuyển sang “tour 0 đồng”, một loạt các điểm bán hàng liên tục được mở ra tại Móng Cái và Hạ Long, do đích thân người Trung Quốc trực tiếp đứng ra “chăn” khách Trung Quốc.
Theo một HDV lão luyện, các sản phẩm làm từ caosu được du khách Trung Quốc ưa chuộng do chính HDV Trung Quốc “chém gió” rằng có khả năng chữa nhiều bệnh vì thế nhiều khách không chỉ mua cho mình mà còn mua tặng người thân, bạn bè. Giá thực chỉ vài triệu VND, nhưng bán cho khách lên tới vài chục triệu, thậm chí trăm triệu đồng.
Du khách Trung Quốc cũng đặc biệt thích vòng ngọc, vì gia đình Trung Quốc nào cũng muốn sở hữu loại trang sức này và thường trao lại cho các đời sau, nhưng vòng ngọc ở Trung Quốc rất đắt. Tuy nhiên, theo HDV trên, vòng ngọc bán tại các điểm bán hàng ở Quảng Ninh đều là hàng giả hoặc chất lượng kém, không tương xứng với giá.
Mặt hàng trầm hương cũng được du khách mua nhiều, vừa về dùng vừa mua buôn bán lại tại Trung Quốc với hy vọng kiếm được khoản chênh lệnh bù phần nào cho chi phí chuyến du lịch, bởi giá trầm hương ở Trung Quốc khá cao.
Tuy nhiên, chỉ đến khi về nước, du khách mới biết bị lừa vì từ caosu, vòng ngọc đến trầm hương đều chất lượng kém, giá lại quá cao. Một điều “bí ẩn” nữa là hầu hết những mặt hàng đó được làm tại Việt Nam, nhưng thực tế lại sản xuất ở Trung Quốc.
“Khách mua ở Việt Nam, nhưng hàng được giao bên Trung Quốc, nên cứ nghĩ được phục vụ chu đáo, nhưng kỳ thực hàng được sản xuất ở nước họ. Với cách làm này, các điểm bán hàng hoạt động trong một chu trình khép kín do chính người Trung Quốc thực hiện, nên họ trốn được đủ thứ thuế” - HDV này tiết lộ.
Nguồn khách quan trọng
Chỉ riêng tại Quảng Ninh, khách đường bộ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tăng từng năm nhờ tour giá rẻ và “tour 0 đồng”. Năm 2011 chỉ có 99.000 lượt khách, thì đến hết năm 2016, lượng khách vọt lên 596.000 người, trong đó 60% là khách đi “tour 0 đồng”.
Với những người làm du lịch, nguồn cung khách mới là quan trọng, mà theo cách làm của các đối tác Trung Quốc, đoàn đông có thể đại hạ giá giá tour hoặc “tour 0 đồng” và sẽ tìm cách khác bù lại. Tuy nhiên, do các đối tác Trung Quốc từng bước thao túng thị trường, tiến tới họ làm trọn gói từ A-Z tại Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không quản lý được nên để các đối tác “ăn” hết “ốc”, còn “vỏ” để lại.
Theo tính toán của các Cty lữ hành, mỗi du khách chi tiêu trung bình 10 triệu đồng/ tour 3 đêm, 4 ngày. Tuy nhiên, hiện, các cơ quan chức năng chỉ thu được một phần nhỏ thuế từ chi phí tối thiểu/tour, mà chỉ áp cho các Cty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh; còn mức chi tiêu trung bình 10 triệu đồng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Như vậy, với khoảng 300.000 khách “tour 0 đồng” vào Quảng Ninh/năm, mức chi tiêu của dòng khách này ít nhất mỗi năm khoảng 3.000 tỉ đồng - cao gấp nhiều lần tổng thu phí tham quan vịnh Hạ Long. Số tiền này tập trung ở các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc và người Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất do chủ và nhân công, hàng hóa chất lượng kém và hàng giả đều của TQ. Hơn nữa, việc mua - bán thường dùng đồng NDT nên ngân hàng cũng không thu được đồng nào từ dịch vụ ngoại hối.
Chia sẻ với Lao Động, một chuyên gia du lịch khách Trung Quốc cho rằng, việc Quảng Ninh quyết liệt dừng hoạt động một loạt điểm bán hàng cho khách Trung Quốc là cần thiết, nhằm lập lại trật tự, nhưng cũng cần tính toán để đón lại dòng khách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích đúng luật.
“Không kỳ thị khách Trung Quốc và nên coi đây là nguồn khách quý. Tuy nhiên, không thể để người Trung Quốc bán hàng của họ cho du khách Trung Quốc tại Việt Nam mà không nộp thuế; không để du khách tiêu đồng NDT tại Việt Nam rồi chính các đối tác Trung Quốc lại đem NDT về nước họ, mà lẽ ra nguồn ngoại tệ đó phải nằm lại hệ thống ngân hàng Việt Nam” - chuyên gia này chia sẻ.
Giám đốc một Cty lữ hành quốc tế gợi ý, nên nghiên cứu xây dựng các trung tâm mua sắm lớn để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, phải nghiên cứu kỹ tâm lý, thị hiếu của từng dòng khách để có những sản phẩm độc đáo, đa dạng, phù hợp. “Đây là khâu rất yếu của du lịch Việt Nam. Cách tiếp thị, quảng bá đã kém, sản phẩm cũng không có gì nhiều và đặc sắc, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có nón lá, nem, phở…” - vị giám đốc này nhận xét.
Giá tour đã nhích lên 780 NDT Trao đổi với Lao Động chiều 9.4, đại diện một số Cty lữ hành tại Móng Cái cho biết, sau khi chính quyền ra tay chấn chỉnh thị trường, giá tour đã nhích dần lên và hiện là khoảng 780 NDT/tour 3 đêm, 4 ngày (khoảng 2,3 triệu VND). “Nếu không cứng, sẽ bị các đối tác Trung Quốc bắt nạt, nói rằng vẫn là khách của những hợp đồng cũ nên không thể tăng giá được. Chúng tôi kiên quyết, nếu không tăng giá sẽ không nhận khách” - đại diện một Cty lữ hành cho biết. Tuy nhiên, đại diện một số Cty lữ hành cho rằng chính quyền đã “ra tay” quyết liệt thì cần phải duy trì và công bằng, bởi hiện vẫn có những Cty đưa khách Trung Quốc vào một số điểm bán hàng vừa mới bị TP. Móng Cái thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn đón khách. Hiện, lượng khách qua cửa khẩu Trung Quốc đạt khoảng 1.000 khách/ngày so với khoảng 300 khách/ngày ngay sau thời điểm Quảng Ninh bắt đầu chiến dịch chấn chỉnh thị trường du lịch |
Tác giả bài viết: NGUYỄN HÙNG
Nguồn tin: