Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người “mẹ” của trẻ nghèo vùng lòng hồ Bản Vẽ

Hơn mười năm qua, những người dân lòng hồ Bản Vẽ đã quá quen với hình ảnh chị Bùi Thị Lan (SN 1982), nữ cán bộ thống kê của xã Mai Sơn, Tương Dương (Nghệ An) tay xách, nách mang quần áo ấm, cặp sách hay những đôi dép mà chị đi quyên góp từ khắp nơi về giúp đỡ cho học trò nghèo. Cảm thông với tấm lòng của chị, nhiều người đã chung tay cùng chị trong công việc thiện nguyện.
A3
Chị Bùi Thị Lan (áo hoa) cùng cán bộ xã Mai Sơn và Đồn biên phòng trao quà từ thiện cho trẻ em nghèo vùng lòng hồ Bản Vẽ - Ảnh: VGP/Thủy Lợi

Ngược lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ, chúng tôi tìm về xã Mai Sơn trong một ngày đầu tháng 4. Cơn gió Lào đầu mùa chưa đến độ gay gắt nhưng cũng đã bắt đầu khiến da thịt cảm thấy ran rát. Dọc hai bờ sông, từng đám xoan đào bung nụ trắng mướt, thi thoảng bị cơn gió lớn tuốt rụng trôi xuôi con nước. Phía xa xa, những cây rừng đang độ thay lá phủ lên màu xanh non mướt kéo hết tầm mắt.

Trong gian phòng làm việc bé xíu chất đầy quần áo của một nhóm thiện nguyện vừa gửi về, chị Lan bắt đầu chia sẻ về chữ “duyên” khiến chị “bén rễ” nơi lòng hồ thuỷ điện đầy khó khăn thiếu thốn này.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Văn thư lưu trữ (nay là Học viện Nội vụ) chị về công tác hợp đồng tại quê nhà là xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn được mấy năm. Đến năm 2004, trong một đợt thu hút lực lượng trẻ lên công tác ở vùng biên giới khó khăn, chị đã đăng ký tình nguyện đi. Nơi chị được bổ nhiệm công tác là xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Lúc đó, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chưa đóng nên xã Mai Sơn vẫn đang nằm ở nơi cũ. Đặc thù của xã Mai Sơn là nơi sinh sống tập trung của khoảng hơn 60% đồng bào dân tộc Khơ Mú, cuộc sống còn rất khó khăn. Đường đi vào trung tâm xã không thuận tiện, điện không có, sóng điện thoại cũng không.

“Thời gian đầu mới lên tôi cũng định bỏ về nhà mấy lần rồi. Thân gái dặm trường ở nơi không điện sáng, không sóng điện thoại, chẳng người quen nên buồn lắm. Nhưng sau đi vào bản cứ nhìn những trẻ con em đồng bào chẳng đủ ăn, đủ mặc tôi lại thương chúng. Lúc đó, hằng tháng tôi trích ra ít lương mua bánh kẹo làm quà cho những đứa trẻ nghèo và xem đó là niềm vui của tôi thời gian đầu ở nơi xa lạ này”, chị Lan tâm sự.

Giữa những ngày đông buốt giá ở vùng biên viễn, nhìn những đứa trẻ trên thân chỉ có tấm áo mỏng manh, đầu trần, chân đất, thậm chí có đứa quần còn không có mặc, chị nảy ra ý định đi xin quần áo ấm về cho các em.

Những ngày đầu bắt tay thực hiện ý định của mình, chị gặp rất nhiều khó khăn bởi sóng điện thoại không có đã đành, chị cũng chẳng có loại điện thoại chụp ảnh để có thể chia sẻ cho mọi người biết về những khó khăn của các em. Chỉ những lần tranh thủ về thăm nhà, chị lại đi khắp nơi vận động người thân, bạn bè chung tay giúp đỡ. Có được những chiếc quần áo ấm may mắn xin được sau mỗi chuyến đi vận động, chị vội vàng mang lên cho những đứa trẻ nghèo. Có những khi, áo quần xin về lại quá lớn với cơ thể các em, chị lại tranh thủ những lúc nghỉ cắt may vá lại cho vừa vặn.

“Thời gian đầu, tôi xin bạn bè, người quen là chính. Nhưng phần vì những người tôi quen biết chẳng mấy dư giả, phần vì chưa biết đến các tổ chức, nhóm thiện nguyện trong vùng nên những món đồ xin về cũng chẳng thấm là bao. Mãi sau này khi có mạng xã hội và có điện thoại chụp được ảnh, tôi mới chụp ảnh những đứa trẻ khó khăn để chia sẻ lên trang cá nhân”.

Nhờ mạng xã hội FaceBook, những hình ảnh cảm động về sự thiếu thốn của những đứa trẻ vùng lòng hồ mà chị chụp được đông đảo mọi người chia sẻ. Những nhóm thiện nguyện, cá nhân hảo tâm dần biết đến rồi liên lạc gửi áo quần, giày dép cho chị để trao lại cho các cháu.

 
A5 copy
Từ những việc làm ý nghĩa dành cho những trẻ em nghèo, chị Bùi Thị Lan được các em gọi bằng một cái tên đầy thân thiết “Mẹ Lan” - Ảnh: VGP/Thủy Lợi

Thời gian đầu, khi con đường miền tây Nghệ An chưa hoàn thành, mỗi khi có người báo ra nhận đồ từ thiện, chị phải tranh thủ ngày nghỉ bắt thuyền đưa vào rồi tự tay chị đem đi phát cho những đứa trẻ tại các bản nghèo. Thấy việc làm cho trẻ em nghèo của chị thiết thực, nhiều cán bộ và giáo viên trong xã Mai Sơn cũng hưởng ứng hỗ trợ chị đi nhận đồ và phát đồ từ thiện tại các bản.

Mãi đến năm 2015, con đường miền tây Nghệ An đi vào hoạt động, việc đi lại thuận tiện hơn nên có thêm nhiều nhóm thiện nguyện tìm về. Một số nhà hảo tâm không có điều kiện đến tận nơi thì nhờ những chuyến xe khách về trung tâm xã gửi đến quần áo, sách vở, bút mực để chia sẻ cùng chị Lan.

Cũng từ những lần vào bản trao quà cho những đứa trẻ khó khăn, chữ duyên với “đảo” nghèo của chị thêm phần bén sâu hơn khi chị gặp và nên duyên vợ chồng cùng thầy giáo Lữ Văn Thịnh (SN 1977), dạy tại Trường THCS bán trú Mai Sơn. Từ đó, công việc thiện nguyện của chị có thêm anh và những người đồng hành là thầy cô giáo nơi anh Thịnh công tác.

Chia sẻ việc làm của vợ mình, anh Lữ Văn Thịnh nói: “Tôi là con em đồng bào nơi đây nên tôi hiểu cái khổ, cái thiếu thốn của đồng bào tôi. Đến giờ đồng bào của chúng tôi nơi đây vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, giờ lại thêm nhiều tệ nạn nữa nên đói nghèo vẫn cứ đeo bám. Có nhà gạo để mà ăn cho no còn khó nên việc cha mẹ không quan tâm được cho con cũng dễ hiểu. Vợ tôi ở vùng trung du lên đây, chia sẻ với trẻ em đồng bào của tôi như vậy tôi mừng lắm. Tôi động viên vợ tôi đi trao quà thì cho con trai đi cùng để cháu hiểu được những việc làm có ích và nỗi khổ của các bạn nhỏ nơi đây”.

Hè năm 2016 vừa qua, được một nhóm từ thiện ủng hộ sách truyện chị đã lập thành một thư viện nhỏ miễn phí ngay tại nhà mình ở bản Huồi Tố 1. Cũng từ đó đến nay căn nhà của chị luôn vang tiếng những đứa trẻ đến đọc sách truyện. Từ những việc làm ý nghĩa dành cho những trẻ em nghèo nơi đây mà chị được các em gọi bằng một cái tên đầy thân thiết “Mẹ Lan”.

 

Tác giả bài viết: Thuỷ Lợi/Theo báo chính phủ

Nguồn tin: