Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ô tô bán tải Thái về Việt Nam tăng 10 lần, giá 430 triệu/chiếc

Xe bán tải nhập khẩu về Việt Nam gần 100% có xuât xứ Thái Lan với giá nhập về chưa tính thuế trung bình là 430 triệu đồng/chiếc.
Lượng xe bán tải nhập khẩu về Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 3,9 nghìn chiếc xe loại này, trị giá 76 triệu USD, tăng nhẹ 0,8% về lượng, giảm nhẹ 1,7% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016.
 
xe ban tai2
Xe bán tải được sử dụng như xe con ở Việt Nam. Ảnh: L.Bằng

Trong năm 2017, xe bán tải được nhập về Việt Nam có mức giá bình quân theo khai báo hơn 19 nghìn USD/chiếc (khoảng 430 triệu đồng/chiếc, chưa tính thuế).

Giá xe bán tải ở Việt Nam hiện có mức giá bán trên thị trường từ 600 triệu đến trên 800 triệu đồng/chiếc.

Từ năm 2010 đến 2016 số liệu thống kê cho thấy xe bán tải được nhập về Việt Nam đều tăng cực mạnh cả về lượng và trị giá. Cụ thể, năm 2010 Việt Nam chỉ nhập 2,6 nghìn chiếc thì đến năm 2016 con số này đã đạt xấp xỉ 30 nghìn chiếc, tăng hơn 10 lần so với năm 2010.

Từ đầu năm đến ngày 15/3/2017, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận xe bán tải được nhập chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với gần 3,9 nghìn chiếc chiếm 99,6% trong tổng lượng xe bán tải nhập khẩu của cả nước.

Tương tự, trong năm 2016 xe bán tải có xuất xứ Thái Lan chiếm chủ yếu với 26,8 nghìn chiếc, chiếm 99,9%; trong năm 2015 là 19,4 nghìn chiếc, chiếm 99,99%.

 
xe ban tai
Lượng xe bán tải nhập về Việt Nam tăng mạnh. Nguồn: TCHQ

Thuế phí rẻ (thuế nhập khẩu chỉ 5% trong khi ô tô dưới 9 chỗ 30%, phí trước bạ 2% trong khi ô tô con 10%), lại được sử dụng như xe con, nên dòng xe bán tải ở Việt Nam rất sôi động. Chỉ có một vấn đề là xe bán tải phải chịu áp dụng niên hạn sử dụng 25 năm, nhưng điều này cũng không quá quan trọng, vì ít người chạy 1 chiếc xe tới 25 năm mà không thay đổi.

Không những thế, xe bán tải ngày càng được nâng cấp, trở nên sang trọng và tiện nghi. Nó không còn là chiếc bán tải đơn thuần nữa, mà có tiện nghi sánh ngang với nhiều dòng xe du lịch cao cấp, cộng với phía sau là một không gian tách biệt có thể chứa cả tấn hàng hóa rất tiện lợi.


Về giá cả, nếu so sánh với một chiếc SUV cùng dung tích xi-lanh, có khung gầm tương tự, thì xe bán tải lợi thế hơn. Với số tiền trên dưới 600 triệu đồng tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể mua một chiếc xe bán tải, trong khi phải bỏ cả tỷ đồng mới sắm được chiếc SUV.

Ngoài ra, theo quy định, nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ hiện nay chỉ được đưa về qua 5 cảng biển quốc tế là: Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, ô tô Pick up do được xác định là xe tải, nên nhập xe về cửa khẩu nào cũng được. Điều này giúp cho thủ tục thông quan diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.

Chính vì vậy, trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường xe bán tải Việt Nam rất sôi động và mức tăng trưởng ấn tượng như con số Tổng cục Hải quan công bố.

Trước sự “đổ bộ” của xe bán tải, một số DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tỏ ý muốn “siết” lại việc nhập khẩu dòng xe này.

Cách đây ít lâu, trong cuộc tọa đàm về công nghiệp ô tô ở Bộ Công Thương, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch ô tô Trường Hải than phiền rằng xe bán tải nhập về Việt Nam được ưu đãi nhiều về thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ trong khi được sử dụng như xe con. Ông Trần Bá Dương cho rằng như vậy tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa xe bán tải với xe con. Cho nên ông Dương đề nghị cần rà soát lại chính sách với dòng xe này.

Trước đó, tại Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã từng đề xuất quy định: xe ôtô vừa chở người, vừa chở hàng, sẽ chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cùng loại dung tích xi-lanh.

Theo đó, mặt hàng ô tô bán tải sẽ phải chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mức: 30% với xe dung tích xi lanh dưới 2.5L, 36% với xe có dung tích xi lanh từ 2.5L-3.0L và 54% với xe có dung tích xi lanh trên 3.0L.

Tuy nhiên, điều này đã không được chấp nhận khi luật thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2016. 

Tác giả bài viết: L.Bằng

Nguồn tin: