Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Dân khổ vì cát

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều điểm có hiện tượng khai thác cát chui, khai thác không tuân thủ quy định, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, lưu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân địa phương. Vì thế ở một số điểm khai thác cát, người dân tự phát ngăn đường, chặn xe.
khai thac cat
Doanh nghiệp khai thác cát khiến nhiều diện tích đất xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bị sạt lở.

Căng bạt, mắc võng… nằm canh sông
 

Đó là hình ảnh của hàng chục hộ dân xóm 5, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn suốt hơn 10 ngày qua. Bà con bức xúc vì doanh nghiệp (DN)  khai thác cát gây sạt lở đất sản xuất, làm ảnh hưởng cuộc sống.

Bất đắc dĩ họ phải căng bạt, mắc võng nằm cạnh bờ sông để ngăn cản việc khai thác cát. Tại bãi Cồn Dâm, thuộc xã Nghĩa Thịnh có một điểm khai thác cát có phép của Cty Trường An Phú.

Tuy nhiên người dân cho rằng, việc khai thác cát ở khu vực này đã làm cho nhiều diện tích đất sản xuất của họ bị sạt lở. Bên cạnh đó, việc xe chở cát chạy suốt ngày đêm làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Văn Đạt (trú xóm 5, xã Nghĩa Thịnh) bức xúc: “Mấy năm nay, tình trạng khai thác cát trên địa bàn diễn ra rầm rộ. Người dân chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng cơ quan chức năng đến rồi lại đi chứ chả làm được gì”. 

Tiếp lời ông Đạt, ông Nguyễn Thanh Bình gay gắt: “Việc chính quyền cho Cty Trường An Phú vào khai thác cát ở địa phương làm cho nhiều diện tích đất của chúng tôi bị sạt lở.

Cụ thể, nhà tôi có hơn 2 sào đất, nhưng đã sạt lở gần hết rồi”. Bà Trần Thị Hồng, một trong những người dân đang tập trung phản đối việc khai thác cát cũng bức xúc không kém: “Không chỉ gây sạt lở mà đường hỏngcũng  hết. Xe chạy cát rơi vãi xuống ruộng mía làm mía còi cọc, chết hết. Chúng tôi chịu đựng gần 4 năm ni rồi, không thể chịu thêm được nữa”. 

Đúng như người dân phản ánh, chúng tôi thấy tại khu vực bờ sông Hiếu, đoạn qua xóm 5, xã Nghĩa Thịnh, nhiều diện tích đất đã bị “nuốt”, bị xói mòn, thu hẹp, đường sá bị hư hỏng, xuống cấp.

Tương tự, trên địa bàn huyện Con Cuông, người dân thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê cũng đang phải “kêu cứu” vì DN khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ.

Dẫn chúng tôi ra phía bờ sông, ông Phan Trọng Do, trú tại thôn Lam Bồng cho biết: Từ nhiều tháng nay, các DN tiến hành khai thác cát quanh khu vực này đã làm cho đất vườn, nhà cửa của gia đình ông và nhiều gia đình khác có nguy cơ bị sông nuốt trôi. Thậm chí, trong thôn Lam Bồng còn có 3 hộ dân khác bị đe doạ tới tính mạng do bờ sông sạt lở.

Mặc dù, chính quyền có họp bàn về việc người dân phản đối việc cấp phép khai thác cát nhưng các DN vẫn cứ  làm ngơ và tiếp tục “moi ruột lòng sông”, bỏ ngoài tai ý kiến của nhân dân.

Chính quyền lúng túng

Người dân các địa phương bức xúc do bất cập tại các điểm khai thác cát đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Không những bà con kéo ra sông ngăn chặn, phản đối, họ còn tổ chức mang cả xoong chảo, thức ăn, củi đuốc xuống “nằm” cạnh UBND tỉnh Nghệ An để phản đối, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
Câu chuyện người dân thôn 5, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn tập trung ngăn cản, phản đối DN khai thác cát là bất đắc dĩ bởi họ đã kiên trì chờ đợi chính quyền giải quyết nhưng không có kết quả.

Về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Cường- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Xã cũng đã lập biên bản khai thác cát trái phép nhiều lần rồi. Xã cũng báo cáo huyện rất nhiều lần, nhưng không xử lý được.
Việc dân tự phát ra ngăn chặn xã cũng đã báo cáo huyện và hiện tại đang trấn an, tuyên truyền để bà con không manh động. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn đang rất phức tạp, dân thay phiên nhau ra ăn nằm tại bờ sông đã gần 10 ngày nay để phản đối việc khai thác cát”. 

Ông Lê Đức An- Trưởng phòng TNMT huyện Nghĩa Đàn phân trần: “Muốn xử lý dứt điểm hoạt động khai thác cát trái phép của DN, chúng tôi phải dựa vào biên bản, báo cáo của UBND cấp xã gửi lên.

Trước mắt, để ngăn chặn việc nhân dân tập trung, gây mất an ninh trật tự, chúng tôi sẽ phối hợp để tổ chức một buổi đối thoại giữa cán bộ phòng, chính quyền địa phương, DN và người bà con nhằm tìm hướng giải quyết thích hợp nhất”.

Đối với việc khai thác cát tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, ông Nguyễn Mạnh Thắng- Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, cho biết: Sông Lam bị sạt lở là do mưa lũ, qua kiểm tra cho thấy, DN không khai thác cát ở khu vực phía bờ có đất ở của người dân.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, các cơ quan hữu trách huyện Con Cuông đã thống nhất phương án đóng cọc, gia cố bằng các rọ thép để chống sạt ở khu vực này.

Do thiếu kinh phí, huyện Con Cuông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo ngành chức năng có phương án chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho các hộ dân thôn Lam Bồng.    

Tác giả bài viết: Điền Bắc/Báo Đại đoàn kết