Hành trình làm lại cuộc đời của một người từng vướng vòng lao lý
- 11:13 03-04-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xưởng mộc của anh Nguyễn Hữu Phương (SN 1987) nằm trên địa bàn xóm 8, xã Nam Xuân (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Tuy mới gây dựng được hơn ba năm nhưng đây là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài huyện vì chất lượng mặt hàng cũng như nghị lực làm lại cuộc đời của ông chủ từng vướng vòng lao lý.
Hành trình làm lại cuộc đời của một người từng vướng vòng lao lý
Nhắc lại quá khứ, anh Phương chia sẻ: “Chuyện xảy ra ngót nghét cũng gần chục năm, giờ tôi đã trả án xong, nhưng mỗi khi nhớ lại vẫn thấy buồn. Giá như lúc đó tôi bình tĩnh hơn thì chuyện buồn ấy sẽ không xảy ra”.
Theo Phương kể, tháng 5/2007, anh vừa thi xong tốt nghiệp cấp 3. Biết mình không đậu THPT nên Phương cùng 2 người bạn đạp xe lên thị trấn Nam Đàn mua một số thiết bị điện dân dụng chuẩn bị cho việc học nghề điện. Trên đường về nhà, Phương bất ngờ bị một nhóm thanh niên chặn đánh không rõ lý do.
Tức giận vì bị đánh oan, Phương lấy con dao sẵn trong người vung vào đối phương để chống trả. Một người trúng thương sau đó đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Phương bị bắt giữ ngay sau đó.
Sự việc được làm rõ Phương bị nhóm thanh niên trên đánh nhầm. Nhưng với tội danh “Giết người trong trạng thái bị kích động”, Phương bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù giam và được thụ án tại trại giam số 3, Bộ công an (đóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).
“Đó là cú sốc lớn trong cuộc đời, tôi không ngờ mình lại mang trọng tội như vậy. Nhưng điều khiến tôi đau buồn hơn là đã khiến người thân, gia đình liên lụy, phiền lòng. Nhìn bố mẹ buồn rầu, xấu hổ với bà con hàng xóm tôi đau lòng vô cùng”, anh Phương chia sẻ.
Nhớ lại những ngày tháng trong trại giam, anh tâm sự: “Lúc đầu tôi hoảng loạn, dằn vặt bởi sự ra đi của người bạn trong xóm và nỗi đau của người thân. Nhưng rồi nhờ sự động viên của các cán bộ trại giam, bạn tù tôi dần lấy lại tinh thần, quyết cải tạo tốt. Đến cuối năm 2009, tôi được trở về đoàn tụ cùng gia đình”.
Việc đầu tiên khi trở về, anh lên mộ thắp nén hương xin lỗi nạn nhân. Anh cũng nhờ bố mẹ đến nói chuyện với gia đình nạn nhân. Mối thù hận giữa hai bên được xóa bỏ. “Việc giảng hòa thành công giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Cũng nhờ đó, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội”, lời anh Phương.
Nhưng không vốn, không bằng cấp, gia đình lại nghèo, anh xin phép bố mẹ cho mình vào Bình Phước làm thuê. Bố mẹ anh đồng ý với mong muốn con trai có thời gian bình tâm, lấy lại cân bằng cuộc sống.
Tại miền Nam, anh Phương xin làm công nhân lấy mủ cao su. Xác định mưu sinh chắt bóp tiền để về quê lập nghiệp nên anh luôn chú tâm làm việc. Nhờ chăm chỉ và tiết kiệm, sau 3 năm anh đã cất được khoản tiền nhỏ, quyết định trở về quê nhà.
Được sự động viên của người thân, anh quyết định học thêm nghề mộc tại xưởng của người bác ở thị trấn Nam Đàn, sau đó mở xưởng mộc tại nhà với tâm niệm “nếu không bắt đầu thì không biết bao giờ làm được”.
“Cầm số tiền đơn hàng đầu tiên, tôi mừng rơi nước mắt vì biết nỗ lực của mình đã được đền đáp”, anh nói.
Với tham vọng mở rộng xưởng mộc và thị trường, anh mua thêm máy cắt gỗ hiện đại. Nhờ vậy, công việc làm ăn ngày càng thuận lợi hơn. Vài năm gần đây, anh còn mạnh dạn đấu thầu mua gỗ tại rừng của các hộ dân. Hiện, xưởng mộc của anh đã tạo công ăn việc làm cho 3 lao động với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng.
Mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, trả lương cho người lao động, anh Phương thu về cho mình từ 20 đến 25 triệu đồng. “Căn cứ vào thị trường, hiện tôi đang có tham vọng đầu tư thêm máy móc, mở rộng xưởng để làm ăn. Dù rằng khó khăn còn nhiều, nhưng tôi tin mình sẽ làm được”, anh Phương chia sẻ về dự định tương lai.
Tác giả bài viết: Long Trần
Nguồn tin: