Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Lão gàn” 40 năm tự nguyện cấp cứu cho người tai nạn giao thông

Gần 40 năm qua, ông Diệp Bảo Hồng (68 tuổi, Phó ban Bảo vệ dân phố phường Lê Hồng Phong, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tự nguyện tham gia cấp cứu hàng trăm trường hợp tai nạn giao thông (TNGT), bảo vệ hiện trường và cung cấp thông tin cho công an để xử lý nhiều vụ TNGT. Nhiều lúc ông bị “vạ lây, mắc oan” nhưng vì cái tâm nên ông vẫn luôn tận tụy.
Ông Diệp Bảo Hồng.

“Vác tù và”… giao thông

Dù tuổi gần thất thập nhưng nhìn ông Hồng trẻ hơn rất nhiều. Nhiều người bảo, ông làm việc thiện nên trời ban cho sức khỏe tốt để giúp đỡ được nhiều người không may. Trò chuyện với chúng tôi, giọng ông sang sảng, chắc nịch. Chiều chiều, ông lại tất bật kiểm tra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán. 

Lúc rảnh, ông Hồng tranh thủ phụ vợ trông coi quán cà phê. Đặc biệt, lúc nào trên tay ông cũng giữ khư khư chiếc điện thoại, sẵn sàng nghe mỗi khi có chuông đổ. “Không biết lạ hay quen nhưng thành phản xạ rồi, cứ có điện thoại là ổng vội nghe, chỉ sợ có TNGT xảy ra không đến giúp kịp”, bà Nguyễn Thị Kim Anh (66 tuổi, vợ ông Hồng) chia sẻ.

Nói rồi, bà Anh bảo, lúc đầu cả nhà cũng trách nhưng thấy ông cứ lăn xả vào làm thì cũng thấu hiểu. Về sau, cả nhà ai cũng ủng hộ và động viên ông làm việc thiện. 

“Nhiều lúc quán xá đông khách, một tay tôi xoay không xuể, vậy mà ổng nghe điện thoại có tai nạn là bỏ hết để đi. Dù vậy, công việc ổng làm giúp đỡ được nhiều người nên tôi cũng vui lắm. Nhiều người tới quán uống cà phê cứ tấm tắc khen ổng, tôi cũng thấy ấm lòng”, bà Anh bộc bạch.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồng bảo mình không thể đếm hết là đã giúp bao nhiêu trường hợp bị TNGT mà chỉ nhớ, làm việc này đến nay cũng gần 40 năm rồi. “Tôi sinh ra trong thời chiến, từng đi thanh niên xung phong, rồi trải qua một cú sốc lớn khi chứng kiến người chị gái của mình bị TNGT qua đời vào năm 1978, để lại 3 đứa con thơ. Do vậy, tôi thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát do TNGT gây ra”, ông Hồng bộc bạch.

Từ đó, hễ gặp trường hợp TNGT nào, không nề hà, ông Hồng xắn tay áo lao vào sơ cứu và tổ chức đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ hiện trường, để cơ quan chức năng tiện việc điều tra.

Ông Hồng kể, cách đây mấy hôm, trên đường chở vợ đến xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), ông phát hiện chiếc container lật nhào khiến 4 người kẹt cứng trong cabin lúc trời nhá nhem tối. Việc bận nhưng ông Hồng quyết dừng xe, gọi người dân cậy cửa xe cứu người và báo tin cho cơ quan công an về vụ tai nạn.

Cũng trong tháng vừa qua, tại đường Lê Duẫn (TP.Quy Nhơn) xảy ra vụ va chạm giao thông giữa 2 xe máy, vừa lúc ông Hồng đi tập thể dục ngang qua. Nạn nhân nằm sấp, bất động dưới đường. Sau khi xem xét tình trạng nạn nhân, ông cùng một người đi đường nhanh chóng đưa người này đi cấp cứu. 

Cuối năm 2015, trên đường Nguyễn Tất Thành (TP.Quy Nhơn) xảy ra vụ TNGT giữa hai xe máy. Một thanh niên điều khiển xe máy đâm vào một phụ nữ đang chở hai cháu nhỏ. Sau khi xảy ra tai nạn, ông Hồng cùng người dân đưa người phụ nữ và hai cháu nhỏ đến bệnh viện. Riêng người thành niên bị đập đầu xuống đường nằm bất động, người đi đường tưởng đã chết. Bằng kinh nghiệm, ông Hồng sờ vào động mạch ở cổ thì thấy vẫn còn đập nên gọi taxi chở đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ đó, người này giữ được tính mạng.

Không chỉ tận tình đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời, ông Hồng chẳng nề hà việc hiến máu cứu người. Cách đây 4 năm, trong lúc đi công việc ngang huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), ông hỗ trợ, đưa người phụ nữ bị TNGT vào Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ cấp cứu.

Tình thế nguy kịch do nạn nhân mất nhiều máu mà bệnh viện khi đó lại thiếu máu dự trữ. Không chờ bác sĩ hỏi, ông tự nguyện đăng ký hiến máu, góp phần cứu sống nạn nhân. “Lúc đó cấp bách, tôi chỉ nghĩ đến cứu người càng nhanh càng tốt. Nó như cái nghiệp vậy”, ông Hồng nói.

 
Ông Hồng giúp người vì cái tâm.

Trung tá Nguyễn Tùng Tam - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an TP.Quy Nhơn), cho biết: “Bất cứ lúc nào, ở đâu trên địa bàn TP.Quy Nhơn, chỉ cần biết có vụ TNGT xảy ra là ông Hồng có mặt để tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và cung cấp cho cơ quan công an thông tin ban đầu về vụ TNGT, phục vụ công tác điều tra, xử lý”. 

Cũng theo trung tá Tam, chỉ tính từ giữa năm 2016 đến nay, ông Hồng đã tổ chức cấp cứu kịp thời 5 trường hợp TNGT nghiêm trọng, mà nếu không có ông thì hậu quả của vụ tai nạn chắc chắn sẽ nặng nề hơn. Ông Hồng rất có trách nhiệm và hiểu rõ luật, nhất là Luật Giao thông, nên giúp cơ quan công an rất nhiều trong công tác xử lý.

Giúp người vì cái tâm

Từng theo học ngành Luật ở TP.HCM nhưng năm 1976, ông Hồng quyết định tham gia đội thanh niên xung phong, rồi đảm trách chức vụ Đại đội trưởng đắp đê Đông Định (TP.Quy Nhơn), làm đường, trồng cây tại xã Tân Vinh (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Ông có 3 người con, trong đó một người bị liệt. Phải chật vật mưu sinh nhưng ông Hồng vẫn gắn bó với công việc này suốt gần 40 năm qua.

Ông Hồng xem những việc mình đang làm là niềm vui và hạnh phúc. Dù chưa được nhận một hình thức khen thưởng riêng nào trong công tác tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhưng với những người làm công tác giao thông ở TP.Quy Nhơn, cũng như chính quyền và người dân địa phương, ông Hồng gây ấn tượng sâu sắc bởi lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của một công dân.

Ông Nguyễn Cảnh Liên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Lê Hồng Phong bày tỏ: “Tôi biết anh Hồng hơn chục năm nay. Tuy chỉ là người dân bình thường nhưng anh Hồng rất có trách nhiệm với việc cứu người và tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Xã hội mà có được nhiều người như anh Hồng, cuộc sống hẳn sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều”.

Chẳng thể kể hết đếnnay đã bao nhiều người được ông Hồng cứu sống. Ông bảo việc này vui có, buồn cũng có, thậm chí nhiều lúc bị “vạ lây, mắc oan” nhưng mình làm vì cái tâm nên luôn tận tụy. 

“Nhiều trường hợp người nhà nạn nhân sau khi nghe tin rồi tìm đến bệnh viện, thấy người tôi dính máu, lại đứng xớ rớ bên ngoài phòng cấp cứu, bèn túm cổ áo, đòi đánh rồi la chửi, không cho ai kịp giải thích. Nhưng khi họ biết chuyện, họ lại xin lỗi và cảm ơn. Tôi cũng cười xòa rồi xong”, ông Hồng cho biết.

Với bao nhiêu năm kinh nghiệm trong việc “vác tù và”… giao thông, ông Hồng chia sẻ, muốn xử lý tốt công việc tại hiện trường một vụ TNGT, cũng cần có kỹ năng và kinh nghiệm. Ví như kinh nghiệm của ông trong cứu người bị thương là phải xác định những người nào bị thương nặng, khả năng nguy hiểm đến tính mạng để cân nhắc cấp cứu phù hợp.

Bày tỏ suy nghĩ của mình, ông Hồng nói: “Từ nỗi đau mất người thân do bị TNGT và nhiều lúc phải chứng kiến những vụ TNGT hậu quả rất thương tâm, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở, mình phải góp phần sức nhỏ bé của mình vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tôi luôn mong rằng, mỗi người dân đều có tinh thần và trách nhiệm khi tham gia giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, góp phần gìn giữ sự bình yên cho mọi người, mọi nhà”.

Không chỉ cấp cứu cho người tai nạn, ông Hồng còn tự bỏ tiền và vận động người thân trong gia đình, họ hàng giúp đỡ tiền bạc, vật chất những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em nghèo. 

 
Bảng vàng tri ân của Hội Khuyến học phường Lê Hồng Phong tặng ông Hồng.

“Nhiều năm làm ở Ban bảo vệ dân phố, tôi biết những hoàn cảnh rất khó khăn. Có người chết không có cái hòm để chôn cất, trẻ em nghèo không có tiền phải nghỉ học khi chưa qua cấp 1… chứng kiến cảnh đó, tôi thấy đau lòng lắm. Cũng vì vậy mà tôi vận động người thân giúp đỡ họ, xem như đóng góp một phần nhỏ của mình cho xã hội. Tôi nghĩ đơn giản vậy thôi”, ông Hồng tâm sự.
 
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, cho biết: “Sự đóng góp thầm lặng của ông Diệp Bảo Hồng có ý nghĩa rất lớn. Nhờ sự chu đáo, tận tình của ông Hồng mà nhiều nạn nhân TNGT thoát khỏi tử thần. Ông Hồng là tấm gương sáng cần được nhân rộng”. 

Tác giả bài viết: Nhuận Oanh

Nguồn tin: