Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bít “lỗ hổng” pháp lý và đơn giản hóa thủ tục cai nghiện

Tệ nạn ma tuý là vấn đề nhức nhối của xã hội. Ma tuý không chỉ huỷ hoại sức khoẻ con người, mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Nó là nguyên nhân của các mâu thuẫn trong gia đình và cũng là nguyên nhân dẫn đến phạm tội, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những tác hại và hậu quả của ma tuý vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Ít ai ngờ rằng, Đỗ Văn Dũng, chàng trai sinh ra và lớn lên tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An lại tự đánh mất tương lai của mình chỉ vì ma túy một cách dễ dàng như thế. Trước đó, tương lai đang mở ra trước mắt Dũng thật xán lạn khi anh cầm tấm bằng thạc sĩ tu nghiệp tại nước ngoài trở về nước. Gặp lại bạn bè cũ, trong đó có những người bạn đang sử dụng ma túy, Dũng cũng hòa nhập vào cuộc chơi trác táng. 

Chỉ trong 2 năm sử dụng ma túy đá, Dũng thường xuyên xuất hiện những tiếng nói đe dọa trong đầu. Tinh thần luôn cảm thấy căng thẳng, khó chịu, nhiều lúc chỉ muốn cầm dao đâm chết người khác rồi tự sát vì luôn cảm thấy rất bức bối, bế tắc. Dũng luôn sống trong tâm trạng phải kìm nén để không xảy ra án mạng. Mỗi lần như vậy, gia đình lại đưa Dũng đi trung tâm cai nghiện của tỉnh, nhưng chỉ sau vài tháng, Dũng tiếp tục sử dụng ma túy…

 
Một đối tượng sử dụng ma túy đá (dưới) bị rối loạn hành vi.Ảnh: CTV.

Trường hợp của Dũng chỉ là một trong số nhiều trường hợp được đưa tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) để chữa bệnh và đã điều trị thành công. Sau khi ra viện, Dũng tiếp tục học lên cao học và đã tốt nghiệp, tìm được công việc làm ổn định.

Theo một tài liệu của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 về  điều trị cho bệnh nhân trầm cảm sau cai Methamphetamin (ma túy đá) cho thấy, bệnh nhân sử dụng ma túy đá có các biểu hiện rối loạn hành vi. 

Cụ thể trước khi cai có 40% luôn sống trong tâm trạng kìm nén muốn tấn công người khác, 20% muốn đâm chết người và 30% có ý định tự sát. Bệnh nhân trước khi cai luôn trong tâm trạng lầm lỳ ít nói, kêu ca phàn nàn, đặc biệt, có tới 40% bệnh nhân hoang tưởng đang bị người khác hại, đang bị người khác theo dõi… 

Ma túy đá (Methamphétamine) là dạng ma túy tổng hợp, được giới trẻ ưa dùng bởi tác dụng gây hưng phấn cao độ, nhanh chóng rơi vào trạng thái bay bổng, khoái cảm. Tuy nhiên, đây là loại ma túy có tác hại nguy hiểm và là "tác giả"  của nhiều vụ trọng án nghiêm trọng, mà thủ phạm là đối tượng sử dụng ma túy đá.

Chúng tôi nêu dẫn chứng về ma túy đá không phải chỉ vì loại ma túy này mới nguy hiểm. Tất cả các loại ma túy đều gây nghiện và đều đem lại những hậu quả khôn lường tới sức khỏe và nhân cách con người. Mỗi loại ma túy đều có những tác hại khác nhau. 

Ví dụ như lá Khát, một loại ma túy từ cây lá Khát, được sử dụng thô nhưng mức độ nguy hại của nó được đánh giá gấp 500 lần so với các loại ma túy thông thường. Lá Khát có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone. Từ chất này tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là Flakka. Đây là ma túy có dạng tinh thể màu trắng hay hồng nhạt. Flakka là sự pha trộn giữa cocain và ma túy đá, nên mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể con người đáng sợ hơn các loại ma túy khác rất nhiều.

Cũng theo tài liệu của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trong 10 trường hợp được điều trị trầm cảm sau cai ma túy đá, các triệu chứng rối loạn cảm xúc, loạn thần, rối loạn hành vi và các biểu hiện trên cơ thể đều có những tiến triển rõ rệt. Sau một tháng điều trị, người bệnh thấy thoải mái, vui vẻ, muốn làm việc, không muốn tự sát và không còn ý định tấn công nữa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường, không còn cảm giác thèm ma túy… 

Song vì sao, khi người cai nghiện thành công trở lại cộng đồng thì tình trạng tái nghiện lại cao? 

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, người bệnh và gia đình cần thực hiện tốt một số nguyên tắc sau: Tuân thủ uống thuốc đầy đủ trong thời gian nhiều tháng; tách rời môi trường ma túy; tăng cường rèn luyện thể lực, vận động, chơi thể thao; tích cực tham gia các công việc trong gia đình hoặc tìm việc làm để hòa nhập xã hội, làm mất đi cảm giác tự ti, vô dụng; không thức khuya, tránh dùng bia, rượu, thuốc lá…

Về mặt xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy nhằm làm giảm đầu vào số người nghiện và tội phạm ma túy trong xã hội. 

Năm qua, theo báo cáo tổng kết năm 2016 về công tác phòng, chống ma túy của Bộ Công an, cả nước đã phát hiện, điều tra hơn 19.000 vụ, bắt hơn 31.000 đối tượng, nhiều hơn 1.500 vụ so với năm trước; thu giữ hơn 607 kg heroin, 15,4 kg cocain, 92 kg thuốc phiện, 145,5 kg cần sa khô, 1.211 kg cần sa tươi, hơn 400 ngàn viên ma túy tổng hợp… 

Tuy nhiên, cần chú trọng trang bị các phương tiện, dụng cụ khoa học, kỹ thuật để kịp thời phát hiện các đường dây, ổ nhóm lớn về ma túy và tăng cường nắm tình hình hoạt động về ma túy tại ngoại biên, để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và triệt phá các đường dây mua bán ma túy ngay từ biên giới, cửa khẩu. 

Ngoài ra, còn có một số văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy vẫn chưa phù hợp. Ví dụ như Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ Công an đã có kiến nghị về "áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy" theo hướng "áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy". Qua đó, việc xử lý sớm hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ khi phát hiện sử dụng sẽ giúp họ từ bỏ hành vi sử dụng trước khi bị lệ thuộc vào ma túy.

Việc cai nghiện ma túy cần bám sát Nghị quyết 98 về tăng cường kiểm soát và cai nghiện ma túy. Theo đó, kết hợp việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện gắn kết triển khai mô hình cai nghiện bằng các loại thuốc do Việt Nam sản xuất. Đẩy mạnh chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thủ tục đưa đi cai nghiện cần thực tế hơn. 

Như trường hợp của Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, khi vận động người nghiện ma túy đá đi cai nghiện phải được sự đồng ý của gia đình và người nghiện. Có trường hợp người nghiện đã đồng ý đi cai, khi đưa lên trung tâm thì lại thay đổi ý định. Cũng có trường hợp gia đình người nghiện do không có tiền đóng chi phí đi cai nghiện, cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm phải bỏ tiền cá nhân ra để đóng mới đủ thủ tục để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện.

Như bài 2 chúng tôi đã đề cập, tội phạm ma túy đã trở thành tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Vì vậy, hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế sẽ tăng cường hiệu quả ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước thứ ba.

 

Tác giả bài viết: Đào Minh Khoa

Nguồn tin: