Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Sống khổ ở tái định cư thủy điện Bản Vẽ

Mặc dù đã đưa vào sử dụng gần 10 năm nay, tuy nhiên đập thủy điện Bản Vẽ vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa thể giải quyết, trong đó có tình trạng đường giao thông mờ mịt bụi vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa...
Chúng tôi đến Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) vào những ngày giữa tháng 3 nóng rát gió Lào. Con đường huyết mạch nối liền các xã khác đến đập thủy điện Bản Vẽ và khu vực dân sinh hiện đang rơi vào tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Theo người dân cho biết, "con đường khốn khổ" này do xe tải cỡ lớn hoạt động liên tục chở các loại rác thải, đất cát nạo vét lòng hồ thủy điện đến các khu quy hoạch.

Đoạn đường chỉ chừng 2km nhưng chi chít ổ gà. Xe trọng tải lớn chạy với tần suất liên tục trên đường làng luôn trong tình trạng không có bạt che đậy. Chị Phan Thị Giang ở Bản Vẽ cho biết: “Gia đình chúng tôi luôn luôn trong tình trạng đóng kín cửa cả ngày. Đi ra đường phải bịt khẩu trang kín mít do bụi quá dày”.

 
thuy dien
Con đường lầy lội mỗi khi có mưa
thuy dien 1
Bụi mờ mịt khi có nắng

Bà Lô Thị Mai, Phó thường trực Hội phụ nữ xã Yên Na cho biết: “ Hiện nay môi trường ở bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bằng những biện pháp thủ công như dọn vệ sinh, trồng cây chống xói mòn, phun nước để giảm bụi, đào hố tiêu hủy rác đúng quy định… Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương vừa cho ra mắt các mô hình “Phụ nữ tự quản môi trường” thí điểm tại xã Yên Na để ngăn chặn bụi nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế".

Theo bà Lương Thị Huynh, Trưởng bản Bản Vẽ, những ngày nắng mặc dù bụi bay mù mịt tuy nhiên còn đỡ khổ hơn những ngày trời mưa. Đường trơn, lầy lội đi lại khó khăn. Nhất là vào giờ người dân đi làm hoặc học sinh đến trường. Đất nạo vét hồ được nhà máy thủy điện đổ, san lấp cách khu vực có dân cư sinh sống không xa, hiện tại đã đổ cao hơn cả nóc nhà dân. Dân bản nớp nớp lo lắng về tình trang sụt lở đất có thể nuốt nhà, gây thiệt hại vào mùa mưa lũ.

Hiện tại, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng đưa dân đến sinh sống tại khu tái định cư vẫn chưa được hoàn thiện. Nhiều nhà dân với mảnh đất bị nhà máy đưa vào sử dụng khi chưa giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn.

 
thuy dien 2
thuy dien 3
Chị em Hội phụ nữ xã lập tổ tự quản về môi trường để "đối phó" với rác và bụi

Chị Lô Thi Huyến, người dân bản Bản Vẽ cho biết: “Gia đình tôi có 1 mảnh đất rừng, nhà máy chỉ mới chi trả cho chúng tôi số tiền đền bù hoa màu đếm theo số lượng cây, chưa từng đề cập đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành các thủ tục cũng như nhận được sự đồng ý của các hộ dân, nhà máy đã tiến hành xây dựng các khu nhà ở cho công nhân tại đập trên chính mảnh đất gia đình đang sinh sống đến gần 10 năm nay. Các khu đất do nhà máy xây dựng rồi tháo dỡ để di chuyển đến nơi khác đang bị bỏ hoang, gia đình không thể canh tác.”

Sau hơn 10 năm thực hiện tái định cư để nhường đất cho dự án thủy điện Bản Vẽ đời sống tái định cư của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập chủ yếu từ nghề nông nghiệp, làm nương phát rấy, cuộc sống bấp bênh, không ổn định. Theo số liệu thống kê năm 2016 của UBND xã Yên Na hiện Bản Vẽ có 56/167 hộ nghèo.

 
thuy dien 4
Chị Lô Thị Huyến trước mảnh đất của gia đình từng là nơi ở của công nhân.

Bản Vẽ có 167 hộ và hiện còn 13 hộ dân chưa giải quyết xong vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Lương Đại Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: “Xã đã nhiều lần kiến nghị các bức xúc của người dân đến nhà máy thủy điện Bản Vẽ và huyện Tương Dương. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được cách giải quyết hợp lý”.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng trên thượng nguồn Nậm Nơm (sông Lam). Đập được xây dựng tại xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An). Đập thủy điện được thiết kế với công suất lên tới 320 MW phát điện hòa lưới năm 2010, đây được xem là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung và tỉnh Nghệ An.

Tác giả bài viết: Hoàng Thương

Nguồn tin: