Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nỗi khốn cùng của những người bị lừa sang Trung Quốc làm việc

Chi phí đi lại thấp, không phải làm các thủ tục xuất nhập cảnh, điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao là lý do các đối tượng cò mồi thường đưa ra để lừa bịp những người đang có ý định sang Trung Quốc tìm việc làm.
Tuy nhiên, cuộc sống nơi đất khách quê người với vô vàn những khó khăn phức tạp chẳng những không giúp người lao động thực hiện ước mơ đổi đời mà còn khiến nhiều người bỏ mạng hoặc thân tàn ma dại dẫn đến tiền mất tật mang. Câu chuyện của chị Trịnh Thị Chính, ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ - người vừa từ Trung Quốc trở về là một ví dụ.

Gần một tháng nay, bà Hoàng Thị Nghiêm, 51 tuổi, thường trú tại khu Nhồi, xã Trung Sơn phải giao lại việc đồng áng, nhà cửa cho chồng để xuống Trung tâm Y tế huyện Yên Lập chăm sóc con gái. Từ ngày đi lao động ở Trung Quốc trở về, Trịnh Thị Chính - con gái bà Nghiêm có các biểu hiện nói ngọng, sốt cao, sợ tiếp xúc với người lạ và nhiều lúc bị mất trí nhớ.

Theo chẩn đoán của các bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập thì chị Chính bị sang chấn tâm lý và có dấu hiệu bị tổn thương phần não. 

Bà Nghiêm cho biết, Chính là con thứ 3 trong gia đình. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2001, nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè, Chính đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm.

 
Bác sỹ thuộc Trung tâm Y tế huyện Yên Lập khám, kiểm tra sức khỏe cho chị Trịnh Thị Chính.

Tại đây, Chính đã kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc tên là Xuân Văn Bình, 46 tuổi, ở tỉnh Vân Nam và sinh được một con gái. Năm 2007, vợ chồng Chính đưa con gái về nhà mẹ đẻ để gửi rồi 2 vợ chồng tiếp tục trở lại Trung Quốc làm việc. Năm 2010, chồng Chính không may qua đời, Chính đã bỏ ra ngoài làm thuê. Kể từ đó, gia đình hoàn toàn mất liên lạc.

Đầu tháng 3-2017, gia đình bà Nghiêm bất ngờ nhận được thông tin, do sức khỏe yếu, không làm được việc nên Chính bị nhà chủ đánh đập dã man dẫn đến mất trí nhớ.

Trong quá trình lang thang trên đất Trung Quốc, rất may Chính đã gặp và được một đôi vợ chồng người Việt Nam hiện đang buôn bán làm ăn tại Trung Quốc đưa về cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, giao cho Trung tâm Rồng Xanh ở Hà Nội để bàn giao cho gia đình.

Tâm sự với chúng tôi, bà Hoàng Thị Nghiêm nói trong nước mắt, trước khi đi cháu lành lặn, xinh xắn là thế, giờ cháu trở về tàn phế thế này, người ta đánh đập cháu dã man quá đến mức không nhớ gì..

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra 6 vụ người lao động bị thương hoặc tử vong tại Trung Quốc, trong đó riêng địa bàn huyện Yên Lập đã có 2 trường hợp chết và mất tích. Tất cả các trường hợp trên đều là những lao động bất hợp pháp, do đó ngoài việc vi phạm pháp luật của nước sở tại, thì họ còn bị các chủ sử dụng lao động phía Trung Quốc từ chối thanh toán các khoản hỗ trợ  khi xảy ra tai nạn rủi ro.

Đại tá Đào Văn Lý, Trưởng Công an huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Yên Lập có trên 160 người đang lao động và làm thuê tại Trung Quốc.

Để hạn chế tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và các  nước Đông Nam Á tìm việc làm thì chính quyền các địa phương cần tạo công ăn việc làm cho người dân và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và nâng cao nhận thức pháp luật, không nghe và tin theo lời dụ dỗ lôi kéo của các đối tượng cò mồi, tổ chức đưa người vượt biên trái phép qua biên giới; đồng thời chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và các quy định của chính quyền nước sở tại.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chung

Nguồn tin: