Cảm động “mối tình da cam” nơi xứ Nghệ
- 10:44 24-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Suốt 13 năm qua chị vừa làm vợ, làm mẹ, làm chồng trong gia đình. Để có tiền mua thuốc men, chăm sóc chồng con, người phụ nữ ấy luôn xông xáo, bươn chải đủ nghề. Chưa hết, chị còn là đôi chân sẵn sàng cõng chồng đi những nơi anh muốn. “Mối tình da cam” đặc biệt khiến nhiều người cảm động.
Nhân duyên từ nỗi đau da cam
Không may mắn như chị gái, lúc lọt lòng chị Phan Thị Yến (SN 1979, ngụ xóm 2, xã Hưng Chính, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) bị hở hàm ếch, trí não chậm phát triển. Vội bế con đến bệnh viện, vợ chồng ông Phan Đình Minh bàng hoàng khi biết Yến bị nhiễm chất độc da cam từ bố.
Để cứu chữa hình hài đứa con bé bỏng, người thân đã vay mượn tiền bạc đưa Yến đi phẫu thuật. Qua nhiều lần can thiệp bằng dao kéo, vết hở môi của chị được thu hẹp, nhưng vẫn không hoàn thiện như người bình thường. “Bị khiếm khuyết về cơ thể nên lúc nhỏ tôi luôn tự ti. Dù được bố mẹ cho đi học nhưng tôi hạn chế giao tiếp với bạn bè, sống khép kín” - chị Yến nhớ lại.
Mỗi lần nhìn con gái, người bố bị nhiễm chất độc da cam rất đau lòng, trăn trở. Nhưng vì hoàn cảnh, ông Minh đành gạt nước mắt, chấp nhận sự thật.
Trong những lần đến thăm đồng đội cũ ở xã bên, ông Minh tình cờ biết đến hoàn cảnh đứa con của bạn, cũng nhiễm điôxin. Đó là anh Ngô Xuân Bình (SN 1976).
Bình là con đầu trong gia đình có 5 anh em. Ngoài anh ra, một người em trai cũng không may nhiễm chất độc da cam khiến cuộc sống của gia đình này rất chật vật. Do bị bệnh nặng hơn nên anh Bình không làm được việc gì kể cả vệ sinh cá nhân. Hai chân bị liệt nên việc di chuyển của anh cũng rất khó khăn.
Nhắc lại cơ duyên giúp hai vợ chồng đến với nhau, chị Yến kể: “Lúc trước, bố của tôi và bố của anh ấy cùng tham gia chiến trường, cả hai không may nhiễm chất độc da cam. Cùng cảnh ngộ nên hai gia đình hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Đồng cảm vì hai bên đều có con bị bệnh tật nên hai gia đình đã mai mối cho chúng tôi nên duyên vợ chồng”.
Dù đã được bố làm công tác tư tưởng trước, nhưng khi gặp mặt, chị Yến vẫn không ngờ rằng người mình sẽ lấy làm chồng lại bị tàn tật nặng như vậy.
“Đầu anh ấy nghiêng hẳn sang một bên, hai tay cong queo, đôi chân teo tóp nên mỗi khi đi cần phải có người dìu. Do khuôn mặt bị kéo xệch nên việc phát âm của anh ấy cũng rất khó nhọc. Lúc đầu tôi trăn trở nhiều lắm, nhưng sau mấy ngày suy nghĩ tôi đồng ý cuộc hôn nhân xếp đặt này, bởi qua ánh mắt, tôi nhận ra tình cảm chân thành mà anh Bình dành cho tôi”, chị Yến tâm sự.
Chỉ sau vài tháng quen và tìm hiểu nhau, cả hai quyết định về chung một nhà. Vào năm 2004, một đám cưới đặc biệt đã diễn ra. Đó là một bữa tiệc nho nhỏ nhưng ấm cúng được bà con lối xóm chung tay tổ chức.
Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, tay đẩy chú rể co quắp trong chiếc xe lăn lên hôn trường ra mắt mọi người đã khiến những người có mặt, chứng kiến trào nước mắt.
“Ngày cưới của chúng tôi mà cả làng ai cũng khóc, họ nói tội nghiệp trước tình cảnh của hai đứa. Nhưng với vợ chồng tôi chính tình cảm của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh để vượt qua cuộc sống còn nhiều thiếu thốn” - chị Yến tâm sự.
Rồi hạnh phúc cũng nở hoa khi anh chị sinh được đứa con khỏe mạnh, bụ bẫm. Cháu bé có tên Ngô Xuân Hoàn (SN 2005), hiện đang học lớp 5. Đứa con ấy như tiếp thêm động lực để chị Yến làm việc, nuôi gia đình, chăm sóc chồng con.
Chị kể, để có tiền trang trải cuộc sống, bản thân phải xoay xở nhiều nghề. Nhất là với một người phụ nữ mang di chứng da cam như chị, chuyện xin việc càng khó khăn hơn nhiều.
Lúc đầu, chị Yến làm công nhân cho một cơ sở sản xuất hoa tươi tại thành phố Vinh. Thu nhập dựa vào lượng sản phẩm hàng ngày chị bán được, dù không dư giả song cũng đủ giúp chị có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.
Đôi vợ chồng nên duyên từ nỗi đau da cam.
Khiếm khuyết cơ thể nhưng không được “khuyết nghề”
Cách đây chừng 4 năm chị Yến may mắn được học lớp làm hoa lụa do Hội phụ nữ xã Hưng Chính tổ chức dành riêng cho những người phụ nữ kém may mắn. Bằng sự cần cù, nỗ lực học hỏi, cộng với chút khéo tay, chị đã tạo ra những lẵng hoa đẹp được nhiều người tấm tắc khen ngợi. Chưa hết, chị còn là điểm tựa cho những người không may mắn bị khuyết tật tìm đến học hỏi, dạy nghề.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường thay đổi, sản phẩm hoa lụa không còn được ưu chuộng, tổ sản xuất hoa lụa của những người phụ nữ khiếm khuyết không còn hoạt động nữa. Duy chỉ còn chị Yến là người vẫn bám trụ với nghề.
Chị tự đứng ra nhập nguyên liệu rồi làm hoa bán cho khách. Nhờ vào những “sắc riêng” của mình nên sản phẩm từ đôi tay người phụ nữ khuyết tật vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Chỉ vào những bông hồng bằng giấy lụa để ngay ngắn trên bàn, chị Yến khoe: “Gần 50 bông hồng tôi làm bán dịp lễ 8/3 đã tiêu thụ gần hết. Mình bán giá cả hợp lý nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn với một người khuyết tật như tôi”.
Theo lời chị Yến, dù vẫn bán được hoa nhưng chi phí nguyên liệu cao nên mỗi lẵng hoa làm ra cũng không có lời là bao. Do vậy, chị tiếp tục học thêm nghề may mặc. “Công việc này cũng khá phù hợp với khả năng của bản thân và hoàn cảnh của tôi. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” mình phải linh động để lèo lái gia đình” - chị Yến nói.
Với chiếc máy may, hàng ngày chị nhận sửa đồ cho bà con trong vùng, mỗi ngày kiếm được 50 - 60 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi ấy cũng giúp chị trang trải bớt những chi phí hàng ngày và lo cho con ăn học. Chị Yến tâm sự: “Sửa quần áo được xem là nghề “lượm bạc cắc”, khó có thể làm giàu, nhưng mình chịu khó thì cũng kiếm được đồng ra, đồng vào. Nếu như người khác có nhiều sự lựa chọn thì với tôi phải bám lấy những công việc như vậy để sống”.
Người phụ nữ ấy luôn tâm niệm, mình khiếm khuyết cơ thể nhưng không được “khuyết nghề”. Phải sống, phải lao động, không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn để xã hội, mọi người ghi nhận.
“Người bình thường họ cố gắng một thì tôi phải nỗ lực gấp mười lần. Nhiều khi cũng đuối sức nhưng nhìn cảnh chồng ngồi một chỗ, đứa con nhỏ hồn nhiên chơi đùa, tôi lại tự động viên mình. Hạnh phúc của tôi vô cùng đơn giản đó là hàng ngày được nhìn thấy hai tình yêu lớn” - chị Yến chia sẻ.
“Nguyện dìu anh đến cuối đời”
Suốt 14 năm qua, chị Yến vừa làm việc kiếm tiền lo cho gia đình vừa chăm sóc chồng từ những việc nhỏ nhất. Chị kể: “Mấy năm trở lại đây, sức khỏe anh Bình yếu hẳn đi. Lúc trước, anh ấy còn có thể cà nhắc được, chứ rày (bây giờ) thì chịu. Mỗi khi muốn đi đâu phải có người dìu, hoặc cõng trên lưng. Nhiều năm qua, những công việc đó chủ yếu do tôi đảm nhận. Thi thoảng tôi lại cõng anh ấy đi hóng mát, đi chơi nhà anh em, họ hàng. Dù vất vả nhưng tôi nguyện cõng anh ấy đến cuối cuộc đời”.
Nghe vợ nói chuyện, anh Bình ngồi dựa hẳn vào ghế cố gắng vừa phát âm, vừa diễn đạt bằng hành động. Phải qua sự “phiên dịch” của chị Yến, người viết mới hiểu ra thông điệp mà người đàn ông này muốn chuyển tải.
Rằng, anh biết ơn chị Yến nhiều lắm, chính chị đã mang đến cho anh một cuộc sống mới, một gia đình bé nhỏ nhưng ấm áp, yêu thương. Có vợ, anh Bình cảm thấy không vô nghĩa dù cơ thể bị khiếm khuyết.
Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Chính cho biết, ở địa phương, tấm gương nghị lực vươn lên của hội viên Phan Thị Yến là rất hiếm có. Thời gian qua, các cấp hội, tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên anh Bình, chị Yến.
Vợ chồng đều bị di chứng của chiến tranh nên hoàn cảnh kinh tế gia đình không như những vợ chồng khác, nhưng chị Yến luôn biết lèo lái gia đình qua giai đoạn khó khăn nhất. Sự hy sinh và nghị lực của chị là gương sáng cho nhiều người noi theo.
Tác giả bài viết: Long Trần
Nguồn tin: