Phận đời trôi theo con nước trên sông Cửa Tiền
- 07:32 24-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ cách chợ Vinh (trung tâm của tp Vinh, Nghệ An) chừng 2-3km nhưng dường như đang tồn tại một thế giới khác hẳn. Ở đó, có xóm chài với những thân phận nghèo đói, thất học, bị người đời xa lánh…
Nhọc nhằn mưu sinh
Phía sau những tòa nhà cao tầng san sát là con sông Cửa Tiền đen ngòm cuộn lên sự ô nhiễm. Đó là nơi trú ngụ của những con đò cũ kỹ, một vài túp lều nát chênh vênh bên sông, cũng được coi như “tổ ấm” của hàng chục con người ngày ngày lăn lộn với cuộc mưu sinh.
Trước đó đối với họ, cuộc sống có nghĩa là lênh đênh, đôi lúc vớt được dăm con cá hay con tép nhỏ mang lên chợ bán, có nghĩa bữa ăn sau đó của họ sẽ đủ no, những đứa nhỏ không phải gào khóc. Sông chết, cá cũng hết, họ lại ngày ngày tìm lên bờ, nào thì bốc vác, hay nhặt phế liệu… cốt để nhặt nhạnh những đồng bạc lẻ để lo cho gia đình nhỏ của mình.
Phía sau những tòa nhà cao tầng san sát là con sông Cửa Tiền đen ngòm cuộn lên sự ô nhiễm. Đó là nơi trú ngụ của những con đò cũ kỹ, một vài túp lều nát chênh vênh bên sông, cũng được coi như “tổ ấm” của hàng chục con người ngày ngày lăn lộn với cuộc mưu sinh.
Trước đó đối với họ, cuộc sống có nghĩa là lênh đênh, đôi lúc vớt được dăm con cá hay con tép nhỏ mang lên chợ bán, có nghĩa bữa ăn sau đó của họ sẽ đủ no, những đứa nhỏ không phải gào khóc. Sông chết, cá cũng hết, họ lại ngày ngày tìm lên bờ, nào thì bốc vác, hay nhặt phế liệu… cốt để nhặt nhạnh những đồng bạc lẻ để lo cho gia đình nhỏ của mình.
Cuộc sống khổ cực lênh đênh trên sông Cửa Tiền
Tôi hỏi chuyện, họ quệt mồ hôi, rồi lại nói vừa tếu táo vừa chua xót, rằng đó là “cuộc sống kiểu hôm nay không biết đến ngày mai…”. Tôi tìm xuống những con thuyền, chỉ còn những đứa trẻ lăn lóc bên sông, ở cái tuổi mà đáng lẽ giờ này chúng đang ở lớp, đang ê a hay cặm cụi tìm lời giải cho một vài một bài tập khó khăn nào đó. Thấy máy ảnh giơ lên, chúng hò nhau xúm xít tạo dáng trước ống kính. Nhưng mới được dăm kiểu, đã thấy 1 cụ ông thò đầu ra nói vọng: “chụp gì cho lắm, bao nhiêu báo đài đến rồi cuộc sống vẫn thế…”.
11 rưỡi, anh Thuận với chị Lành mới về “tổ ấm”. Con thuyền nhỏ, trống trơn là nơi trú ngụ của 8 nhân khẩu chui ra chui vào mỗi lúc mưa nắng, mà những lúc đông đủ thì tất cả đều phải ngồi, không ai còn chỗ đặt lưng. Bí quá, chị lén lút dựng tạm căn lều sát bờ sông nhằm san bớt người. Ai cũng bảo chị liều, bởi việc đó là trái pháp luật, túp lều từng bị dỡ bỏ nhiều lần, nhưng hai vợ chồng cũng không còn cách nào khác.
Là phụ nữ, nhưng chị Lành là lao động chính trong gia đình, cũng vì anh Thuận chồng chị mù lòa đã lâu, thêm cả mẹ chồng lẫn cô con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Mai (sn 1997) cũng mù nốt.Tuy nhiên, bất hạnh chưa dừng lại ở đó, khi mà cách đây chưa lâu, cô con gái thứ 3 là Nguyễn Thị Đào mới phát hiện mắc bệnh thận. Hôm có đoàn bác sĩ đến kiểm tra miễn phí cho những hộ ở đây, họ bảo phải đưa cháu ra Hà Nội chạy chữa ngay. Chị không có tiền, đành “phải để vậy thôi, khi nào đau quá tính sau…”. Đối với chị, niềm vui là trong tương lai con gái mình có phép màu nào đó sẽ khỏi bệnh, cũng như, bữa cơm hàng ngày, mọi thành viên trong gia đình không ai phải thiếu đói.
Cả gia đình có tới 4 người bệnh tật, đặc biệt trụ cột gia đình cũng mù nốt
Gần đó, gia đình ông Nghinh có vẻ khấm khá hơn. Ông vốn gốc Ninh Bình, không đất, không nhà, từ thuở bé ông đã gắn bó với con thuyền mưu sinh, rồi sau đó lấy vợ, sinh con… rồi cũng không hiểu sao lại trôi dạt về đây và quyết định gắn bó với khúc sông Cửa Tiền này. Ông bảo có mấy người con, thì trong đó có đứa con gái đến năm 10 tuổi lại phát bệnh, lần tha lẩn thẩn. Ông Nghinh thì suốt ngày đầu tắt mặt tối, nên cũng sợ không ai trông coi, lỡ con gái ngã xuống sông, nên đành gửi về nhờ họ hàng trông nom giúp. Bao năm rồi, ông còn chưa một lần đủ điều kiện để về thăm con gái, chưa nói đến việc sẽ mang đi chạy chữa. Ba người con đã chuyển lên bờ nhưng phiêu bạt đâu không rõ. Chỉ còn ba người còn lại quây quần nhau trên thuyền bữa đói bữa no.
Cũng như những gia đình khác ở khu làng chài này, cuộc sống của gia đình ông Nghinh cũng dựa vào con tôm con cá. Ông bà đều già cả rồi, sợ nhất những ngày mưa bão, thế mà cũng có lần bão cũng không tha. Nghe đâu như mới cách đây 2 năm thì phải, thuyền còn giữ được, cái đài là tài sản giá trị nhất cũng bị trôi theo dòng nước. Lần đó, ông bà phải làm quần quật, tích cóp từng tý để mua lại từng cái bát, cái chiếu. Ông bảo, bí bách quá đi bán máu, tuy nhiên bệnh viện thấy ông già cả nên từ chối, năn nỉ mãi cũng không được.
Rồi còn gia đình anh T, gia đình chị D… cũng mỗi nhà một hoàn cảnh, một số phận, nhưng tôi nghe hình như họ giống nhau ở chỗ cuộc sống cũng chả khác mấy cuộc sống của…chị Dậu, như nhà văn Ngô Tất Tố từng miêu tả.Chỉ mỗi điều, họ đang sống ở hiện tại, lại không xa lắm so với trung tâm thành phố.
Về đâu những mảnh đời?
Dòng sông Cửa Tiền cuộn lên sự ô nhiễm, tôi đi dọc bờ sông ngắm làng chài mà cứ phải bịt mũi, bởi một mùi hôi tanh cứ bốc lên giữa trời nắng nóng gay gắt. Đó là nước thải từ nhà dân xung quanh, từ khu công nghiệp gần đó, hay là rác thải bừa bãi trôi ra từ chợ Vinh…Ở giữa cái dòng nước sền sệt, đặc quánh ấy,là những “ngôi nhà nổi” san sát nhau, mái lợp được chằng bởi những tấm ni long mục nát, những cục đá nhỏ đè nén lên để tin chắc rằng nó sẽ không bay mất khi có những cơn gió khẽ thổi. Mà hình như, cái “dãy nhà nổi” đã mọc ở đây rất lâu rồi, không ai quan tâm cũng như để ý đến sự tồn tại của nó.
Rồi đây, cuộc sống của họ sẽ đi về đây khi có người thân bên cạnh
Chị Xuân trông gần như không thể đoán được tuổi, cũng bởi cái hình thù lam lũ, bảo chị năm nay 30 tuổi cũng đúng, vì cuộc sống vất vả nên khuôn mặt cứ khắc khổ như thế, nhưng bảo qua 40 thì cũng không ai phản đối. Chị đang loay hoay bên mấy cái áo cũ mà chưa biết phải nên như thế nào. Thấy tôi đến hỏi chuyện, chị chỉ vào chậu nước cặn bẩn ngay bên cạnh, bảo đó là nước sông, phải dậy từ sáng sớm để múc lên và lọc mãi mới “trong veo” được như thế. Con gái chị mới tắm, giờ chị đang phân vân không biết là nên dùng để giặt đồ hay mình sẽ tiếp tục tắm lại tiếp. Chị bảo, không có nhiều tiền, nên chỉ đủ mua số nước máy ít ỏi từ trên bờ để dùng cho việc cơm nước hàng ngày. Tất cả những sinh hoạt khác, mọi người đều dùng nước từ chính dòng sông đen ngòm này.
“Chuyện sống khổ cực, môi trường không đảm bảo, bệnh tật là chuyện cơm bữa ở đây. Bản thân tôi cũng mấy lần nằm bẹp một chỗ, nhưng rồi cũng qua vậy. Tôi chỉ lo nhất là tương lai những đứa con của mình, không biết đời chúng nó có khá lên nổi không nữa, thôi thì cố được chừng nào hay chừng ấy vậy”, chị Xuân tâm sự, hình như tôi thấy chị rơm rớm nước mắt.
Chị nói đúng khi khẳng định rằng, trẻ em trong cái làng chài này phần lớn chỉ đi học cho có, đến lớp 2 là nghỉ, bởi nhà không có tiền, và học cùng chả để làm gì, khi suốt ngày cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn sông nước, rồi lại bước vào cuộc mưu sinh quá sớm. Số trẻ có trình độ lớp 6, lớp 7 chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở cái làng chài này, Sân chơi của bọn trẻ lại chính là những bãi bồi bên sông hay ở đầu mui thuyền, nơi mà những nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào tới tính mạng. Chúng chỉ biết chí chóe chơi đùa với nhau, bởi bố mẹ đều vắng nhà từ tảng sáng, mà những đứa trẻ trên bờ cũng chả ai dám xuống chơi với chúng.
Cũng có những khát khao, và giá như?
Chính cuộc sống khổ cực, lam lũ “nay đây,mai đó” lênh đênh trên mặt nước sông đen ngòm, hắt lên mùi hôi tanh mà người dân nơi đây luôn chất chứa, ánh lên niềm hi vọng đổi đời. Nhìn tận sâu thẳm vào đôi mắt gầy của họ, dường như ai ai cũng có một khoảng không riêng, một ước muốn có cả khoảng trời để vẫy vùng.
Trong sâu thẳm mỗi con người nơi đây đều le lói khát khao được "lên bờ"
“Khi nào, Nhi lớn lên, Nhi làm nhà tầng, có tủ lạnh, có điều hòa, có mọi thứ, Nhi ở, Nhi kêu bố mẹ ở luôn”, tôi không khỏi giật mình khi nghe con của chị Xuân buột miệng nói về ước muốn của mình, khi đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này.
Đó không chỉ là mơ ước của đứa trẻ 4 tuổi nữa mà là sự khát khao của những người đang sống trong “ngôi nhà nổi” trên dòng sông Cửa Tiền. Giá như có một căn nhà nhỏ, con cái học hành đầy đủ, có công việc ổn định, có giấc ngủ ngon lành sau những giờ làm việc vất vả… đó là phần thưởng, là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời “thân cò” của họ.
Với ánh mắt thèm muốn, tưởng chừng nghĩ chúng tôi sẽ biến điều ấp ủ bấy lâu thành hiện thực, ông Nghinh nhiệt tình chia sẻ “Sau hơn 40 năm vật lộn mưu sinh với nghề cha truyền, con nối dưới mặt nước vô tình này, tôi hi vọng có một ngày được sống trên bờ, trong căn nhà do gia đình gây dựng nên để an dưỡng tuổi già, quay quần bên con cháu”. Nhưng bỗng chốc, nụ cười hiền, ánh mắt trìu mền đã dần tắt hẳn khi ông trở về với thực tại chông chênh đang phải chịu đựng mưu sinh để sống qua ngày.
Ông Nghinh ngán ngẩm lắc đầu “những ước mơ to lớn ấy chắc đời tôi sẽ không được hưởng, mơ rằng đời con cháu sẽ có được cuộc sống tốt hơn”. Với ông, ông chỉ mong chính quyền phường xã sẽ cho phép mở cống thoát nước để nước bẩn chảy ra sông Lam ra biển lớn, nước trên thượng nguồn Nam Đàn sẽ tràn về, trong lành hơn, đỡ bệnh tật hơn.
Những điều giá như ấy liệu khi nào sẽ trở thành hiện thực, khi nào sẽ thoát khỏi kiếp sông nước vừa là nhà, vừa là công sở? Có lẽ đó là điều luôn đeo đẳng, là nỗi niềm trăn trở bấy lâu nay của mỗi người dân nơi đây. Họ hi vọng chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất để được định cư trên bờ, con cái được học hành đầy đủ cho bằng bạn, bằng bè.
Về phía chính quyền phường xã, các cán bộ cũng đã đưa ra những chính sách ưu đãi, mua đất với giá rẻ nhưng với dăm ba cân cá, cân cua, người dân lấy đâu ra tiền để mua khi chưa đủ để nuôi đủ miệng ăn trong gia đình.
Và chính cuộc sống vất vả, không có việc làm, không có nổi một tấc đất cắm dùi đã trở thành một dòng xoáy nhấn chìm họ. Nhưng những hi vọng và khát khao ấy vẫn le lói,, âm ỉ cháy trong tâm hồn, họ tin rằng sẽ có một điều kì lạ xuất hiện và trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời.
Rời những “tổ ấm” đang oằn mình trước những cơn mưa giá rét hay những trận nắng nóng như thiêu như đốt đầu hè, chúng tôi không khỏi chạnh lòng chua xót. Cầu mong nơi này sẽ không còn những điều giá như nữa…
Tác giả: Lê Thúy
Nguồn tin: Chuyên trang Phụ nữ và Đời sống