Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Điện thoại bom tấn mất giá chục triệu đồng ở VN

iPhone 6S giá hơn 6 triệu, LG G5 gần 5 triệu, HTC 10 còn 6 triệu, thị trường di động cao cấp đang chứng kiến màn giảm giá không phanh của các mẫu di động cao cấp.
Sở hữu một chiếc LG G5 xách tay mua từ tháng 5 năm ngoái, anh Quang Huy (Hà Đông, Hà Nội) rao bán model này cả tuần nay không có người mua. “Mua 14 triệu, bán lại 5 triệu vẫn khó như lên trời”, anh Huy nói.

Ngày 1/4/2016, những chiếc LG G5 xách tay đầu tiên được đưa về Việt Nam bán với giá 17 triệu đồng. Chưa đầy một năm sau, LG G5 qua sử dụng được các cửa hàng bán với giá 4,7 triệu đồng. Siêu phẩm di động của LG hiện có giá rẻ hơn một chiếc Galaxy J5 Prime.

Không mất giá thê thảm như LG G5 nhưng người dùng có thể tìm mua hàng tá những smartphone cao cấp khác với mức giá rẻ không kém. Chẳng hạn, HTC 10 hiện được bán với giá khoảng 6 triệu, iPhone 6S bản 16 GB khóa mạng giá hơn 6 triệu, Galaxy S7 còn 6,5 triệu. Tất cả đều mất giá cỡ xấp xỉ chục triệu đồng so với khi người dùng mua mới cách đây một năm.

 
Smartphonecao cap
Những di động cao cấp này sau một năm đã mất giá cả chục triệu đồng. Ảnh: Gsm Arena.

Tình trạng smartphone cao cấp mua về mất giá không mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây việc hạ giá của các smartphone này ngày một lớn, tốc độ mất giá nhanh hơn.

Nói về việc các sản phẩm này mất giá mạnh, các chủ hàng cho biết đây là chuyện “con gà quả trứng”: Hàng nhập về bán chậm, ế ẩm nên phải giảm giá để cạnh tranh. Tuy nhiên, giảm giá nhiều càng khiến đa số người dùng không muốn mua sớm vì sợ tiếp tục mất giá.

Thực tế, lý giải cho việc smartphone mất giá mạnh chính là vòng quay thị trường smartphone cao cấp đang tiến quá nhanh. Mỗi năm, hãng sản xuất cho ra mắt 2-3 model di động cao cấp. Từ đó, yếu tố “cao cấp” trên các sản phẩm này cũng dần mất đi trong mắt người dùng hoặc ít nhất, không đủ mạnh về yếu tố nhận diện thương hiệu để người dùng cảm thấy thèm khát.

Lấy iPhone làm ví dụ, từ 2014, hãng đều đặn tung 2 model cao cấp mỗi năm, một bản thường, một bản Plus với giá bán chênh nhau khoảng 2 triệu mỗi bản.

Là di động được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam, cả 6 bản ra mắt trong 3 năm qua của hãng đều bán tốt tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều người không thể phân biệt kiểu dáng, tính năng, giá bán của 6 model này vì chúng giống nhau.

Một chiếc di động cao cấp chỉ cần bị chìm xuống trước các luồng thông tin là có nguy cơ rất cao trở thành “bom xịt”, từ đó dẫn đến tình trạng giảm giá không phanh.

 
Giacaocap
Biểu đồ mất giá của một số smartphone cao cấp đáng chú ý năm 2016 (tính bằng triệu đồng).

Tình trạng này khiến nhiều cửa hàng ngán ngẩm bởi chỉ cần ôm một lô hàng trong tay, họ có nguy cơ phải bù lỗ rất lớn vì hàng không bán được, máy lại liên tục giảm giá. Doanh số sản phẩm thấp cũng khiến họ gặp khó trong việc nhập linh kiện thay thế, bảo trì, bảo hành sản phẩm.

Theo các chủ hàng, căn bệnh mất giá của smartphone cao cấp này sẽ chưa sớm được giải quyết, thậm chí có xu hướng tăng lên. Đó cũng là lý do khiến rất nhiều cửa hàng không mặn mà với việc sớm đưa smartphone cao cấp về nước bán để hớt váng như trước đây.

Thậm chí, họ còn đợi đến khi máy có hàng qua sử dụng, số lượng dồi dào, giá bán hợp lý mới đem về bán. Trường hợp của HTC 10 là một ví dụ. Smartphone này chỉ mới xuất hiện trên thị trường xách tay với số lượng lớn cách đây không lâu.

Tác giả bài viết: Thành Duy

Nguồn tin: