Huyền thoại về người Việt đầu tiên cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa
- 07:00 21-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách đây gần 200 năm, Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vua Minh Mạng, thống lĩnh đội thuyền ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình... Cụ được xem là người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa
Trong những ngày ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Thoại Tuyền (67 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh) là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật - người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và được ông kể về quá khứ hào hùng của tiền nhân.
Theo ông Tuyền, trong ghi chép của gia phả họ Phạm, vào mùa xuân năm Bính Thân 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, Phạm Hữu Nhật - Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của triều đình nhà Nguyễn đã đem binh thuyền đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa.
Ông Tuyền bảo, sử liệu ghi lại vào thời điểm ấy, Bộ Công tâu lên vua Minh Mạng mấy câu: “Bổn quốc hải cương Hoàng Sa, tối thị hiểm yếu…” nói lên vai trò quan trọng của quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa đối với đất nước. Thấy ý nghĩa mấy câu này quá chính đáng nên vua Minh Mạng mới xem trọng việc lập đội hùng binh Hoàng Sa đi xác lập chủ quyền ngay từ thời đó.
Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật đưa 5 binh thuyền gồm khoảng 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái thẻ bài gỗ, mỗi thẻ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ:
“Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự”. Nghĩa là: “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ”.
Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của Phạm Hữu Nhật đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình. Ngoài việc trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, đội cụ Nhật còn xây miếu, thăm dò để biết biển chỗ nào nông, chỗ nào sâu để làm dấu cho những chiếc thuyền ra Hoàng Sa sau này biết mà tránh mắc cạn.
Ngày nay, trong câu chuyện truyền đời của dòng họ Phạm ở xã An Vĩnh thì câu chuyện của cụ Phạm Hữu Nhật là cuộc ra khơi hùng tráng. Họ cho rằng, đội của cụ Nhật đi suốt ba ngày ba đêm thì tới quần đảo Hoàng Sa.
Ông Tuyền cho biết: “Việc ra quần đảo Hoàng Sa của đội cụ Phạm Hữu Nhật kéo dài suốt 18 năm ròng, đến năm 1854 thì cụ và nhiều người đã không trở về nữa. Sau đó, gia đình, họ tộc và quê hương đã làm một nấm mộ chiêu hồn (mộ gió) không có hài cốt tại thôn Đông, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm - 1 trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh để tưởng nhớ cụ”.
Theo ông Tuyền, hiện nay các miếu thờ lính Hoàng Sa cũng như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn luôn có linh vị: “Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị”. Đó là bằng chứng hùng hồn, hậu thế khắc ghi công đức Phạm Hữu Nhật cùng các quân sĩ vị quốc vong thân để xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa.
“Tổ quốc cũng khắc ghi công ơn của cụ bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho hòn đảo ở nhóm đảo Lưỡi Liềm, một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Diện tích của đảo rộng khoảng 0,32km2, ở đây có nhiều san hô, cây lùm và cỏ tranh”, ông Tuyền cho biết thêm.
Hiện nay, trên huyện đảo Lý Sơn có hàng trăm nấm mộ chiêu hồn đã được tạo lập rải rác khắp huyện đảo kể từ thời tổ tiên họ giong thuyền ra lập nghiệp trên đảo từ thế kỷ XVI - XVII. Đó không chỉ là là nơi yên nghỉ của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, mà còn là nơi yên nghỉ của nhiều người thuộc các dòng họ khác như Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính sử triều Nguyễn cùng nhiều tài liệu cổ của các gia tộc ở huyện đảo Lý Sơn đều ghi đó là những tổ tiên đã lãnh sứ mệnh thiêng liêng giong buồm ra Hoàng Sa. Và nhiều người đã ra đi và vĩnh viễn không về. Vậy nên mới có câu ca: “Hoàng Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.
Ngôi mộ khẳng định chủ quyền
Theo ông Tuyền, cách đây 10 năm con cháu dòng họ Phạm đã tình cờ phát hiện tung tích cụ Phạm Hữu Nhật trong chuyến sưu tầm tài liệu, để viết hồ sơ di tích đình Bà Roi (còn gọi là Nguyễn Tiên Điều) - người được xem như phúc thần của huyện đảo Lý Sơn.
Các tài liệu phổ hệ, sắc phong, linh vị viết bằng chứ Hán Nôm được tìm thấy trong chuyến sưu tầm này hiện được lưu giữ trong nhà thờ Phạm Hữu Nhật, ghi rõ: Thủy tổ họ Phạm tại xã An Vĩnh tên là Phạm Văn Tuệ. Là một trong sáu vị tiên hiền ra khai phá phía Tây phần đất Lý Sơn, đặt tên An Vĩnh vào năm Hoàng Định thứ 13 (năm 1609).
Theo đó, cụ Phạm Hữu Nhật tên thật là Phạm Văn Triều, là thế hệ thứ tư của tộc họ Phạm ở huyện đảo Lý Sơn. Điều này đã được minh chứng qua linh vị được ghi trên bia mộ cổ: “Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị sanh Giáp Tý niên 1804, Giáp Dần 1854 tôn điệt phụng tự”.
“Khi phát hiện chính xác cụ Phạm Hữu Nhật tức là Phạm Văn Triều, cả dòng họ ai cũng vui mừng, xúc động. Và trong ngày giỗ tổ họ hàng năm, câu chuyện về cụ Phạm Hữu Nhật được vị trưởng họ kể một cách đầy tự hào, để con cháu thế hệ sau ghi nhớ công lao của các tiền nhân, và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ vùng biển của đất nước”, ông Tuyền chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng mộ cụ Phạm Hữu Nhật trong khuôn viên 60m2, nằm trong quần thể các di tích về chủ quyền Hoàng Sa trên huyện đảo Lý Sơn. Mộ cụ Phạm Hữu Nhật là một trong những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
“Việc xây dựng mộ không chỉ thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân có công bảo vệ và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, mà đồng thời thông qua đó giáo dục cho các chủ nhân tương lai của đất nước truyền thống yêu nước, lòng can trường, dũng cảm của đội dân binh Hoàng Sa trên huyện đảo Lý Sơn dưới triều nhà Nguyễn”, cụ Tuyền cho biết.
Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Việc xây dựng mộ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật nhằm tri ân vị anh hùng dân tộc năm xưa đã giong thuyền ra biển Đông cắm cột mốc khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ngôi mộ còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên bia mộ của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật có khắc hai câu đối: “Đảo Lý Sơn quê hương dân binh Hoàng Sa/ Hùng binh đội, Cù Lao Ré gốc tích suất đội thủy quân Phạm tướng công”. Đó là hai câu đối của tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã - chuyên gia về Hoàng Sa, Trường Sa viết khi xây mộ cụ Phạm Hữu Nhật.
Ông Trần Bút - Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, cho biết: “Cùng với hàng nghìn mộ gió binh phu Hoàng Sa, mộ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật được xem là bằng chứng, chứng minh các thế hệ ở huyện đảo Lý Sơn từng ra Hoàng Sa, Trường Sa nhiều thế kỷ trước của nhân dân ta. Và cụ Phạm Hữu Nhật mãi mãi là vị anh hùng, là niềm tự hào trong lòng người dân Lý Sơn chúng tôi”.
Tác giả bài viết: Thắng Mỹ
Nguồn tin: