Quảng Bình: Nông dân điêu đứng vì tiêu chết không rõ nguyên nhân
- 19:50 14-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng trăm gốc tiêu ở Quảng Bình bị héo rũ rồi lá chuyển sang màu vàng. Dù đã được tư vấn dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng tiêu của nhiều hộ dân vẫn chết khiến họ trở nên trắng tay.
Điêu đứng vì cả vườn tiêu chết
Nhiều ngày qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Quýt (SN 1960), trú tổ dân phố Xung Kích, thị trấn Nông Trường Việt - Trung (Bố Trạch, Quảng Bình) bủn rủn chân tay vì hơn 500 gốc tiêu trong vườn cứ bị héo rũ rồi chết sạch. Không chỉ gia đình bà Quýt mà nhiều vườn tiêu khác của nhiều hộ dân trong vùng cũng xảy ra tình trạng tương tự khiến người dân rất hoang mang.
Bà Quýt cho biết, từ cuối tháng 9/2016 cho đến nay, vườn tiêu của gia đình bà cứ chết dần do gốc bị héo rũ như vừa bị ai tưới nước sôi. Lo lắng không biết tiêu bị vấn đề gì, ông bà đến chỗ bán thuốc thực vật hỏi thì được tư vấn rằng, đó là hiện tượng thối rễ nên ông bà mua thuốc chống thối rễ về phun. Thế nhưng, khi phun thuốc xong, tình trạng trên không thuyên giảm mà còn tăng lên. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, hàng trăm gốc tiêu trong vườn cứ thế héo vàng rồi chết dần hết không còn một gốc nào.
“Hiện chúng tôi vẫn không biết tiêu chết vì nguyên nhân gì nữa. Lúc mới xuất hiện tình trạng trên, chúng tôi có đi hỏi để mua thuốc về phun, mất 2 triệu tiền thuốc nhưng giờ tiêu vẫn chết sạch”, bà Quýt than thở.
Theo bà Quýt, vườn tiêu nhà bà có 400 gốc được trồng cách đây 7 năm, còn 100 gốc mới trồng 1-2 năm. Như mấy năm trước, trung bình mỗi năm vườn tiêu này thu được 60-70 triệu đồng. Thu nhập chính của cả gia đình trông chờ vào vườn tiêu, thế mà chỉ còn 2 tháng nữa là thu hoạch thì cả vườn tiêu chết sạch, mất cả gốc lẫn lãi.
Cùng cảnh ngộ, vườn tiêu của anh Phạm Hữu Thắng (ở bên cạnh nhà bà Quýt) cũng đang chết dần. “Mới đầu chúng tôi cũng phát hiện tiêu bị héo rũ, vàng lá sau đó dần chuyển thành màu đen. Nhà tôi có 400 gốc nhưng hiện đã bị chết khoảng 80%, số còn lại cũng đang trên đà chết dần. Không biết thời gian tới chúng tôi làm gì để sống đây nữa”, anh Thắng cho biết.
Theo những người nông dân ở đây, để cải tạo đất trồng tiêu thì phải mất 3-4 năm. Do vậy, hiện những nhà có tiêu chết hàng loạt trở nên điêu đứng, chưa biết làm gì với đất vườn trong thời gian tới.
Chưa tìm ra cách khắc phục
Hiện trượng tiêu chết xảy ra nhiều nhất ở hai tổ dân phố Quyết Thắng, Xung Kích, (thị trấn Nông Trường Việt - Trung). Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những vườn tiêu bị chết nhiều trước đó thì hiện cũng có nhiều vườn tiêu khác đang bắt đầu có dấu hiệu héo rũ, vàng lá ở một vài gốc.
Ông Nguyễn Minh Châu (SN 1963, ở tổ dân phố Quyết Thắng) cho biết: “Vườn nhà tôi có gần 1.000 gốc nhưng hiện đã bị chết khoảng 200-300 gốc. Số còn lại không biết có kịp thu hoạch không hay rồi cũng chết dần theo. Thấy hiện tượng tiêu chết xảy ra ở nhiều nhà tôi cũng thấy lo lắng lắm, giờ vườn nhà mình cũng chết sạch nữa thì không biết phải sống sao”.
Theo ông Trần Văn Dậu, Tổ trưởng Tổ dân phố Xung Kích, tính riêng tổ dân phố Xung Kích hiện đã có khoảng 20 hộ có tiêu bị chết, trong đó 10 hộ bị chết nhiều hoặc chết hoàn toàn.
“Lúc đầu khi mới có hiện tượng héo, vàng lá, chúng tôi cứ nghĩ chắc do mình bón phân không đảm bảo hay mình đào gốc quá sâu. Nhưng sau đó, hiện tượng này xảy ra ở nhiều nhà hơn, vì thế không thể do những nguyên nhân trên được. Khi phát hiện, các hộ dân cũng đã đi hỏi rồi mua thuốc về phun nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn”, ông Dậu nói.
Trước tình trạng này, Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt - Trung đã đi kiểm tra, hướng dẫn người dân tìm hiểu mua thuốc về điều trị nhưng không có hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Phong, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông Trường Việt - Trung cho biết: “Chúng tôi đã đến kiểm tra và báo cáo lên cấp trên. Còn hiện tượng trên chúng tôi vẫn chưa tìm ra bệnh gì. Khi đến các đại lý thuốc bảo vệ thực vật thì chúng tôi chỉ nói lại các triệu chứng rồi họ bán thuốc về điều trị nhưng không hiệu quả, tiêu ngày càng chết nhiều”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Trưng - Phó Chủ tịch thị trấn Nông Trường Việt - Trung cho biết: “Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác vì đây không phải chết đồng loạt. Do thời tiết năm vừa rồi mưa quá nhiều nên tiêu bị ngập úng, đổ lá rồi chết. Chỉ có một số vùng thấp quá thì chết đại trà hơn. Còn giải pháp thì tiêu chết do bị úng trong nước, trong đất chứ không phải bị bệnh nên rất khó”.
Tác giả bài viết: M.Khang – Đ.Hoàng
Nguồn tin: