Ký ức đồng hoang của người đi xây vùng kinh tế mới
- 15:15 14-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhớ lại chuyện hơn 20 năm về trước trên cánh đồng tháng 10, ông Hoa kể rằng, có ngày, người dân bẫy được cả bao tải chim sẻ. Chim sẻ thời ấy nhiều đến nỗi, chỉ cần một đàn sà xuống vài phút là một sào lúa bị tuốt sạch trơn hạt. Sau mỗi trận lụt, nước ngập lênh láng, các loại thú rừng như heo, nai, nhím, chồn…lại kéo nhau lên những điểm cao để trú ẩn. Thợ săn trong vùng chỉ đợi thời cơ ấy để vây bắt và ai nấy đều hớn hở xách chiến lợi phẩm về.
Ký ức đồng hoang
Theo lời kể của ông Đinh Văn Hoa (SN 1949, ngụ thôn Hải Châu, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), đầu năm 1990, ông dắt díu vợ con rời quê Ninh Bình, vào khu vực Trạm bơm số 3 (thuộc thôn 6, xã Bình Hòa) để lập nghiệp.
Do không có vốn để mua đất cất nhà, ông Hoa đành dựng tạm một chòi tranh giữa cánh đồng vắng để che mưa che nắng, bắt đầu tính kế sinh nhai. Ngoài việc khai hoang để có đất tỉa đậu, trồng bắp, hằng ngày, ông Hoa phải tranh thủ thêm thời gian rảnh rỗi ra đồng mò cua bắt ốc, nhằm cải thiện bữa ăn, lo cho vợ con cuộc sống đủ đầy.
Thời đó, khu vực Trạm bơm số 3 là nơi có nhiều thú rừng. Thậm chí, chỉ cần một trận lụt bất ngờ, người dân đã vớt được vài con heo rừng trôi sông để làm thịt. Nhận thấy việc săn thú có thể cải thiện được kinh tế, khắc phục những khó khăn trước mắt cho gia đình, ông Hoa quyết định mượn súng săn của một người bạn để hành nghề.
Ông Hoa nhớ lại: “Ban ngày tôi lo phụ vợ việc đồng áng. Đêm đến, tôi cùng vài người khác đội đèn len vào giữa rừng lau sậy để phục kích, săn thú. Ngoài heo rừng, khu vực Trạm bơm số 3 thời đó còn có nhiều loại động vật khác như nai, hoẵng, nhím, min (bò rừng), gấu…
Bởi vậy, suốt 3 năm đi săn, không có khi nào tôi phải về không. Lần ít thì con chồn, con nhím, lần nhiều thì vài con heo rừng hoặc nai. Nhiều khi anh em đi săn về nổi hứng, đốt lửa nướng thịt, uống rượu, nói chuyện, ca hát xuyên đêm rất vui vẻ”.
Cũng theo ông Hoa, cuộc sống của gia đình ông thời đó thiếu thốn trăm bề. Bởi vậy, mỗi lần đi săn về, ông lại xẻ thịt thú rừng cho vợ đem ra đầu làng bán hoặc đổi gạo, ngô.
Trong suốt thời gian “chinh chiến’’ của mình, có đêm ông Hoa một mình hạ được hai con heo rừng, mỗi con đều nặng gần một tạ, phải nhờ thêm người trong làng ra phụ khiêng về. Một lần may mắn khác, ông bắn gục một con bò rừng mấy tạ. Riêng nai, nhím, chồn…thi không thể nhớ hết.
Ông kể: “Do mình đi ban đêm, lại đội đèn nên con thú bị lóa mắt. Thông thường, khi bị phát hiện thì chúng đứng nhìn chằm chằm vô đèn nên rất dễ bắn hạ. Những năm đó, heo rừng có số lượng đông nhất. Ngay cả ban ngày, chúng vẫn kéo nhau ra ủi mì, phá ruộng lúa của người dân”.
Ông Hoa chia sẻ thêm, ngoài ông ra, thời đó còn có 5-7 thợ săn khác trong vùng. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên anh em thường đi chung để hỗ trợ nhau, hạn chế tối đa những điều rủi ro.
Khi nhà nước có lệnh cấm săn bắn thú rừng, ông Hoa cũng như những “đồng nghiệp” chủ động buông bỏ súng đạn, trở về tay cày tay cuốc, chăm lo công việc đồng áng. Đến nay, những thợ săn tiếng tăm một thời cùng trang lứa với ông Hoa, người đã thác về suối vàng, người đã bỏ xứ đi nơi khác. Cánh đồng tại Trạm bơm số 3 cũng có nhiều đổi thay, muông thú cũng chẳng còn như trước.
Thợ săn buông súng
Ông Hoa kể ông là người thứ hai đặt chân đến lập nghiệp ở cánh đồng Trạm bơm số 3, chỉ sau một người dân tộc Mường. Thời đó, lau lách nhiều hơn lúa, muông thú nhiều hơn người, khung cảnh rất hoang vắng. Bởi vậy, những hộ dân ở gần trung tâm xã Bình Hòa thường gọi gia đình ông là “dân du mục”.
Nhớ lại cuộc sống của hơn 20 năm trước ông Hoa cho biết, khu vực Trạm bơm số 3 nằm ở vùng trũng, lại gần hai con sông lớn là Krông Ana và Krông Nô. Hầu như năm nào khu vực này cũng xảy ra lụt lội. Vì nước ngập liên miên nên trong vòng 10 năm, ông Hoa đã phải dựng đến 10 ngôi nhà. Có khi mưa dầm cả tháng, nước quây tứ bề, gia đình ông phải ăn cháo đậu xanh ròng rã đến phát ngấy.
“Cứ mỗi trận lũ lớn là nhà tôi lại bị hư hại, nhà tranh thì trôi, nhà ngói thì sập. Mãi sau này, khi kinh tế ổn định, có của ăn của để, tôi mới mua được mảnh đất nhỏ nơi khác, xây căn nhà cấp bốn để nương náu”, ông Hoa chia sẻ.
Cũng theo ông, thời trước, muốn đi từ khu vực Trạm bơm số 3 ra chợ mua đồ ăn, ông phải đạp xe và đi bộ tộng cổng hơn 12km đường rừng. Nói là đường cho oai chứ thực ra chỉ là một lối nhỏ ngoằn ngoèo, bị chia cắt bởi sông và hàng chục hố nước do mưa lũ gây ra.
“Mỗi lần đi mua đồ ăn bằng xe đạp, tôi phải sắm một sợi dây thừng và vài cái bao ni-lông. Lỡ gặp mưa bất chợt, nước dâng lên đầy sông hoặc các hố dọc đường thì phải cột một đầu dây vào xe đạp, một đầu dây cột ở người. Khi nào người bơi qua bên này mới kéo xe qua. Đồ ăn thì cột kín trong bịch ni-lông. Nói chung, cái khổ thời đó thì không làm sao kể xiết”, ông Hoa nhớ lại.
Cánh đồng hoang vắng, lau lách um tùm ngày xưa giờ chỉ còn trong ký ức. Giờ đây, cùng với sự phát triển của quê hương, cánh đồng Trạm bơm số 3 đã nhuốm một màu xanh mườn mượn của khoai lang, của lúa. Đường sá, cầu cống, hệ thống thủy lợi trong vùng được xây dựng cơ bản đầy đủ. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con nơi đây không còn tăm tối như trước.
Theo ông Lê Như Diệu, Chủ tịch xã Bình Hòa, cánh đồng thuộc khu vực Trạm bơm số 3 trước đây có tên gọi khác là Cánh đồng tháng 10, rộng khoảng 1.300 héc-ta. Hồi đó, đây là một vùng lau sậy, hệ thống kênh mương thủy lợi kém nên việc trồng lúa nước không đạt năng suất.
Những năm gần đây, hệ thống giao thông, thủy lợi được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện tốt cho bà con tăng gia sản xuất. Bởi vậy, cánh đồng tại Trạm bơm số 3 được coi như “cánh đồng vàng” của xã Bình Hòa, nhiều nông dân ở đây đã thoát khỏi cảnh nghèo, có cuộc sống ổn định.
Tác giả bài viết: Mộ Vân
Nguồn tin: