Học sinh nên biết gì về trận chiến Gạc Ma năm 1988?
- 07:52 14-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sự kiện Gạc Ma năm 1988 vẫn chưa được nhắc tới trong chương trình SGK phổ thông. Đó là thiệt thòi cho những người lính đã chiến đấu năm xưa và cho cả thế hệ học sinh hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, cần cấp thiết đưa sự kiện này vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông.
Dù nhiều người đã lên tiếng trong thời gian dài, đến nay, sự kiện Gạc Ma năm 1988 vẫn không được đề cập trong SGK. Đó vẫn luôn là trăn trở của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử như tôi", một giáo viên dạy lịch sử tên Nam Giao viết như thế trên báo điện tử Zing.vn.
Trải qua những năm học phổ thông, đại học rồi sau này đi dạy, giáo viên này nhận thấy nhiều bạn trẻ không hiểu gì về sự kiện Gạc Ma năm 1988. Bởi, nếu không học đúng chuyên ngành, nghiên cứu thêm nhiều giáo trình khác, sinh viên không thể biết đến sự kiện này.
SGK đã trình bày nhiều sự kiện trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước qua nhiều giai đoạn. Vậy tại sao Gạc Ma lại hoàn toàn bị lãng quên?
Nếu không được nhắc tới, công lao, sự hy sinh anh dũng của những người lính Gạc Ma năm xưa sẽ đứng ở đâu trong dòng chảy lịch sử dân tộc?
"Một thực tế cho thấy nhiều học sinh phổ thông thắc mắc vấn đề chủ quyền 2 quần đảo (hiện nay là hai huyện đảo) Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc đến trong sách giáo khoa môn Lịch sử. Và đương nhiên, các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm như Hoàng Sa (1974), Gạc Ma (1988) cũng không được viết một dòng chữ nào",Thạc sĩ Trần Trung Hiếu là giáo viên nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử tại trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An nhận định.
Ai từng đọc qua cuốn sách Lịch sử lớp 12 đều dễ dàng nhận ra sự “thiên vị” của cuốn sách. Trong khi những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được trình bày chi tiết, với từng giai đoạn cụ thể, toát lên được bản chất vấn đề, thì ở chiều ngược lại, nội dung các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, được nhắc tới rất hạn chế (chưa tới 10 dòng). Đặc biệt, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988 ở Gạc Ma không hề được đưa vào SGK.
Thạc sĩ Hiếu cho rằng, ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam.
28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã quên dần sự thật lịch sử này. Nhưng, những người thân của các liệt sĩ Gạc Ma và cả đồng đội còn sống sót sau sự kiện vẫn không thể và không bao giờ quên nỗi đau đó.
28 năm, thời gian quá dài và quá đủ để nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên, dù nó rất phũ phàng và đau xót. Rất đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói một từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.
Vì vậy, Thạc sĩ Hiếu đề xuất “Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này”.
Trước đó, GS.TS. NGND Vũ Dương Ninh cũng từng đề xuất: Những nội dung cần đưa vào sách giáo khoa gồm trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988.
Theo GS Ninh, nhu cầu của xã hội đòi hỏi được biết những sự thật đã xảy ra một cách đầy đủ. Việc bí mật thông tin đang khiến nhiều người nghi ngại là chúng ta sẽ chuẩn bị thế nào nếu tình hình tương tự xảy ra.
Với học sinh, sinh viên từ chỗ không biết sẽ không phân biệt được đúng sai. Từ đó, các em không chuẩn bị được tinh thần cảnh giác để nhìn nhận đúng nguy cơ và sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước khi Tổ quốc lâm nguy.
"Phải phân tích cuộc chiến tranh này là do Trung Quốc xâm lược lãnh thổ chủ quyền của chúng ta, chúng ta phải chiến đấu chống xâm lược. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần làm cho học sinh hiểu rõ tình hình và thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác.", GS Ninh nhấn mạnh.
Việc đưa quá ít thông tin về chiến tranh biên giới phía Bắc hay trận đánh Gạc Ma trong sách giáo khoa hiện hành cần được thay đổi trong nội dung sách giáo khoa mới. Hãy đưa những nội dung này vào dần dần, tùy theo sự nhận thức của học sinh các cấp học khác nhau, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, ĐH Thủ đô Hà Nội cho hay.
Tác giả bài viết: Châu Anh
Nguồn tin: