Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện về vị tướng anh hùng cùng dân giữ đảo Trường Sa

Dang cánh tay ôm lấy ba người thợ xây, lão tướng anh hùng Hoàng Kiền lắc mạnh vai họ rồi giới thiệu “Đây là những người đồng hương gắn bó với tôi từ những ngày đầu ra giữ đảo Trường Sa sau sự kiện ngày 14/3/1988. Chính những người dân này đã góp sức vào việc bồi đắp chủ quyền quốc gia”.
“Đảo của ta, chủ quyền của ta, anh em cứ vững tin”

Những ngày cuối năm Ất Mùi, chia sẻ niềm vui cùng những đồng đội khi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh không quên gửi lời cảm ơn tới người dân làng Bỉnh Gi, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - những đồng hương đã cùng ông xây nên hàng trăm công trình tại quần đảo Trường Sa.

 
gac ma
Đội thợ xây của làng Bỉnh Gi, tham gia xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa. Ảnh tư liệu thiếu tướng Hoàng Kiền.

Ở tuổi 65, giọng nói của ông tướng sinh năm Canh Dần vẫn rất hào sảng, cách nói chuyện dứt khoát của nhà binh nhưng lại pha chút thi vị của một nhà thơ. Nhìn lại 7 năm cùng quân và dân xây đảo, ông tóm tắt: “Góp phần công sức của mình, Cho Trường Sa vững công trình dài lâu. Sóng xô phai bạc mái đầu, Lòng dân với đảo áo nâu đậm đà. Bỉnh Gi làng nhỏ đẹp tươi. Đảo xa in dấu chân người nông dân”
 
gac ma 1
Đội thợ mộc của làng Bỉnh Gi, tham gia xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa. Ảnh tư liệu thiếu tướng Hoàng Kiền.
gac ma 2
Thiếu tướng – Anh hùng Lực lượng VTND Hoàng Kiền bên những người thợ xây đảo Trường Sa. Ảnh: Công Khanh.
gac ma 3
Những người thợ xây đảo bên cây bàng vuông được trồng tại Bảo tàng Đồng quê. Ảnh: Công Khanh.

Thiếu tướng Hoàng Kiền trầm ngâm nhớ lại, “tháng 8/1970 khi đang là giáo viên trường cấp 2 Giao Tân, huyện Giao Thủy, Nam Định, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi “cất giáo án lên đường nhập ngũ” và trở thành người lính công binh "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Năm 1976, đất nước thống nhất. Sau hơn hơn 5 năm sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, ông được cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 1989, Tốt nghiệp trở thành kỹ sư công trình, ông được điều về công tác tại Phòng Công binh Quân chủng Hải quân. 

10 năm sau, ông lại được cấp trên cử đi học tại Học viện Lục quân, đến tháng 10/1989, ông tốt nghiệp và được điều về công tác tại Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân.

 
gac ma 4
Công binh dầm mình xây đảo. Ảnh tư liệu Quân chủng Công binh.
gac ma 5
Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng Hải quân, thăm những  người xây dựng đảo 1988. Ảnh Tư liệu Quân chủng Công binh.
gac ma 6
Công binh xây đảo Tiên Lữ vào tháng 8 năm 1988. Ảnh tư liệu Binh chủng Công binh.

Bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp người lính Hoàng Kiền là vào tháng 8/1990, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 và nhận nhiệm vụ xây dựng các công trình tại quần đảo Trường Sa.

Nhớ lại giờ phút nhận trọng trách cách một phần tư thế kỷ, vị tướng già chia sẻ “nhiệm vụ lúc này rất nặng nề và khẩn trương với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao trên các đảo chìm, đảo nổi, trước sự uy hiếp của tàu chiến Trung Quốc sau sự kiện 14/3/1988”.

Rồi ông về quê chọn thợ xây dựng có tay nghề cao ra làm nòng cốt về kỹ thuật xây dựng các công trình ở Trường Sa. Khi đó, cả làng Bình Gi có rất nhiều người đăng ký nhưng đợt đầu ông Kiền chỉ tuyển bảy người thợ giỏi nhất.

"Khi người dân mình mới ra đảo xây dựng, tàu Trung Quốc còn chạy vè vè xung quanh, mở cả bạt súng uy hiếp. Nhiều người dân cũng lo lắng. Tôi nói rõ đảo của ta, biển của ta, chủ quyền của ta, anh em cứ bình tĩnh, không việc gì phải lo sợ ", -  lão tướng nhắc lại chuyện cũ mà giọng vẫn như ra lệnh.

Trong 7 người đầu tiên trong khoảng 300 người thợ  làng Bỉnh Gi ra Trường Sa giữ đảo từ năm 1991 tới nay, những lão nông nay đã ở gần tuổi "thất thập cổ lai hy" như ông Lê Văn Biển, ông Nguyễn Văn Hoàn, Đoàn Văn Tự như sống lại thời trai trẻ khi thiếu tướng Hoàng Kiền nhắc lại chuyện ra Trường Sa ngày đó.

Xoa xoa đôi bàn tay thô ráp vì những tháng ngày làm thợ nề, ông Nguyễn Văn Hoàn cho hay, xây một công trình ở đảo bằng xây ba ngôi nhà trong đất liền. Vì anh em chưa quen có khi đang làm thì say nắng, nằm vật ra. Hay có lúc xây gần xong gió bão nổi lên, tường lại đổ sập. Nhiều khi cứ đứng ngây người ra mà không biết làm gì” – ông Hoàn hồi tưởng.

 
gac ma 7
gac ma 8
Một góc trưng bày những kỷ vật xây dựng Trường Sa của người dân làng Bỉnh Gi, Nam Định tại Bảo tàng Đồng Quê. Ảnh: Công Khanh.

“Ban đầu ra đảo cũng thấy khổ vì thiếu nước ngọt, rau xanh, ăn uống không có nổi. Thế rồi, ở riết cũng quen, lúc về đất liền lại nhớ đảo. Không khí ngoài đảo lại trong lành, ăn ngủ điều độ nên lúc đó anh nào cũng béo ra. Tôi vẫn nhớ ở ngoài đảo ngủ không bao giờ phải mắc màn vì chẳng bao giờ có muỗi” – lão nông Đoàn Văn Tự (63 tuổi) vừa cười vừa nhắc lại một kỷ niệm khó quên. Rồi ông Tự chia sẻ, “giờ sức khỏe không còn cho phép, chứ nếu có chúng tôi vẫn muốn xin được ra làm nhà, dựng công trình”.

Nhớ về kỷ niệm với thiếu tướng Hoàng Kiền, Đại úy Phí Mạnh Phòng, nguyên đảo trưởng đảo Đá Tây chia sẻ, khi các chiến sĩ trung đoàn 83 của Hải quân ra xây đảo khó khăn lắm, cực nhọc lắm. « Anh em lính tráng và cả chỉ huy phải dầm nước biển để xây nhà cho anh em giữ đảo. Nước ngọt không có để dùng nhưng vẫn phải dành nước để trộn bê tông”.

“Do chế độ ăn uống nên anh em ở lâu dễ bị bệnh đường ruột. Mỗi lần trung đoàn ra đảo xây dựng, quà cho anh em chiến sĩ không gì quý bằng rau xanh. Có đồng chí còn bơi cả km để xin rau xanh cho đảo. Ai bị ốm, quà tới thăm hỏi cũng là rau củ để bồi bổ sức khỏe. Lúc ốm, thứ quý nhất lại là rau đấy” -  Thiếu tướng Hoàng Kiền kể. 

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” “Hoàng Kiền là con người của công việc, là một trong số những tướng lĩnh rất đáng tự hào của quân đội ta”.

Bàng vuông xanh lá giữa đồng bằng

Trong khuôn viên của Bảo tàng Đồng quê rộng hơn 6000 m2 do Thiếu tướng Hoàng Kiền và vợ là Nhà giáo Ngô Thị Khiếu gây dựng, nhiều người bất ngờ khi thấy những cây bàng vuông, cây phong ba – đặc trưng của Trường Sa mọc lên xanh tốt.

Hay nằm một góc trang trọng khác trong bảo tàng đặc biệt này là những vỏ sò, vỏ ốc, những cưa, những đục, những bay... những dụng cụ làm mộc và xây dựng quen thuộc ấy đã cùng với hàng trăm nông dân làng Bỉnh Di (xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) đi kiến thiết đảo Trường Sa suốt hơn 20 năm qua. Nay trở về nằm một góc trang trọng tại bảo tàng, nhắc nhớ các thế hệ sau về một làng xây đảo.

Tác giả bài viết: Công Khanh

Nguồn tin: