Trận chiến Gạc Ma 1988
- 15:27 13-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gần 30 năm sau hải chiến Gạc Ma 1988, đất nước vẫn chưa bao giờ nguôi yên trước những con sóng dữ luôn rập rình đe doạ chủ quyền biển đảo.
Đầu năm 1988, lần đầu tiên Trung Quốc tới một số bãi đá trên quần đảo Trường Sa, chiếm giữ các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa (Huy Gơ).
Đầu tháng 3/1988, số tàu hoạt động thường xuyên của Hải quân Trung Quốc tại Trường Sa tăng lên 9 - 12 tàu chiến.
Hải quân Việt Nam xác định: Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 1150. Trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo ta đang chiếm giữ.
Ngày 12/3/1988, Tàu 605, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ Len Đao.
9h, ngày 13/3/1988 , tàu HQ 604 và tàu HQ 505, xuất phát từ Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin.
Hai tàu vừa thả neo khoảng 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, áp sát Tàu 604, uy hiếp, dùng loa gọi sang khiêu khích.
21h ngày 13/3, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững Gạc Ma, Cô Lin; khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm ngày 13/3.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988, lực lượng của Trung đoàn Công binh 83 bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 đã cắm được cờ lên bãi Gạc Ma.
Rạng sáng 14/3/1988, các tàu chiến TQ áp sát. Đó là các biên đội tàu chiến thật sự với hỏa lực mạnh, trong khi các tàu VN chỉ là loại hải vận và đa số chiến sĩ trên tàu là công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo, không phải lính chiến đấu, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng.
Tại bãi Gạc Ma, thủy triều buổi sáng đã dâng cao hơn, nhưng nhóm bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên cường trụ vững.
Gần 6 giờ sáng , tàu chiến TQ cho xuồng nhỏ áp sát Gạc Ma với lính hải chiến TQ nai nịt đầy đủ vũ khí để đổ bộ.
Trước tình thế đó, trên bãi Gạc Ma, các chiến sĩ VN đã quây thành vòng tròn bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc. Lính TQ đổ bộ dày đặc lên đảo với AK sáng quắc lưỡi lê cố tràn vào vòng tròn, cố giật và hạ cờ Việt Nam, nhưng đều bị bật ra. Đến khi chúng nhả đạn mới áp sát được vào chỗ thiếu úy Phương đang giữ chặt ngọn cờ.
Bất ngờ lính TQ nổ súng thẳng vào đầu thiếu úy Phương. Anh ngã xuống nhưng vẫn ôm chặt lá cờ loang máu. Trước khi về với biển, anh hô to: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.
Sau khi anh Phương bị bắn, lính TQ định cướp lá cờ, nhưng hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh giằng lại được. Lính TQ đâm anh từ phía sau rồi bắn thẳng vào anh bằng AK khiến anh bị thương.
Tiếp đó, lính đổ bộ TQ lùi ra xa để đại liên, pháo 37 li từ tàu chiến của chúng bắn thẳng vào các chiến sĩ Việt Nam vẫn đang quyết tử bám trụ giữ đảo.
Hình ảnh bi tráng của những chiến sĩ hải quân hy sinh ở Trường Sa năm 1988 sau này được tôn vinh là “vòng tròn bất tử”.
Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma từ năm 1988, Trung Quốc từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc, biến đây thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của nước này trên Biển Đông.
Mọi thứ lại một lần nữa thay đổi nhanh chóng kể từ cuối tháng 02/2014, khi quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma.
Thực hiện: Mỹ Hòa | Đồ hoạ: Diễm Anh - Tú Uyên
Bài viết có tham khảo tư liệu các báo
Nguồn tin: