Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trứng vịt lộn - bổ dưỡng quá hóa sinh bệnh

Vàng da, cao huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ…, bạn có tin tất cả những bệnh này đều do trứng vịt lộn gây ra?

Trái với quan niệm của người dân các nước coi trứng vịt lộn là 1 trong 10 món ăn kinh dị nhất hành tinh, tại Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, đây lại được xem như một món ăn bổ dưỡng, ngon miệng. Với giá cả khá bình dân, trứng vịt lộn trở thành món ăn  ưa thích hàng ngày của nhiều người.

Chị Mai Thu Hồng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Ở nhà, chồng tôi không bao giờ dám ăn món này, nhưng tôi và bọn trẻ thì cực kỳ thích. Mỗi chiều bọn trẻ đi học về, tôi đều luộc trứng cho chúng ăn. Tôi sợ béo nên vài ngày mới dám ăn một quả. Trứng vịt lộn vừa giàu dinh dưỡng, giá lại rẻ, tội gì mình không ăn?”.

Dễ dư thừa hàm lượng cholesterol xấu

Giống như chị Hồng, trứng vịt lộn đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là trong những bữa lót dạ. “Trứng này mà ăn kèm với ngải cứu thì tuyệt. Vừa ngon, vừa bổ. Hôm nào đau đầu, mệt mỏi, tôi ăn liền lúc 2 quả. Ăn xong thấy nhẹ cả đầu. Tuy nhiên, nghe nhiều người nói ăn trứng nhiều cũng không tốt, chẳng hiểu thực hư thế nào?”, chị Hoàng Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) phân trần.

Đem băn khoăn này của chị Minh đến hỏi Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chúng tôi nhận được câu trả lời: Đúng là trứng vịt lộn rất nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên, nếu lạm dụng thì hại nhiều hơn lợi. 

Theo đó, bên cạnh các dưỡng chất như: 13,6 gam protein; 12,4 gam lipid; 82mg canxi; 212 gam photpho, một quả trứng vịt lộn còn chứa tới 600mg cholesterol - cao gần gấp 3 lần 1 quả trứng gà. Điều đó có nghĩa là nếu ăn hàng ngày, nó sẽ dễ gây ra các bệnh như: huyết áp cao, tiểu đường, gan nhiễm mỡ... do dư thừa lượng cholesterol. Đặc biệt, người đang mắc các bệnh này dễ bị nặng hơn, tăng nguy cơ đột quỵ.

Riêng với trẻ em, hàm lượng dinh dưỡng dồi dào trong trứng dễ dẫn đến chứng đầy bụng, khó tiêu. Trẻ dưới 5 tuổi càng khó tiêu hơn nữa. Việc này dẫn đến trẻ biếng ăn, do lúc nào bụng cũng ở trong trạng thái lưng lửng.

Cũng vì những lý do trên, Tiến sĩ Mai khuyên rằng, với người trưởng thành, một tuần cũng chỉ nên ăn 2 quả. Còn với trẻ từ 5 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn 1/2 quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ.

Dễ thừa vitamin A

Việc hạn chế ăn trứng vịt lộn không chỉ bởi nó có hàm lượng cholesterol cao mà còn vì chế độ dinh dưỡng của chúng ta cần phải phong phú các loại thực phẩm, nếu không dễ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Ngoài ra, Tiến sĩ Mai cũng cho rằng: trong trứng vịt lộn có khá nhiều vitamin A, nên nếu ăn thường xuyên dễ dẫn đến thừa loại vitamin này với các biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, khô da...

Bên cạnh lưu ý trên, theo Tiến sĩ Mai, chúng ta cũng không nên ăn trứng vịt lộn vào buổi tối vì nó dễ gây cảm giác ấm ách, khó ngủ. Do đó, loại trứng này chỉ thích hợp ăn vào buổi sáng. Khi ăn, bạn nhớ ăn kèm thêm rau răm với gừng. Gừng sẽ giúp kích thích tiêu hóa, còn rau răm thì làm ấm bụng. Tuy nhiên, nếu đang mang thai ở 3 tháng đầu thì bạn nên hạn chế ăn rau răm vì nó có thể gây ra hiện tượng bong, sảy thai.

Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm bổ dưỡng càng ăn sẽ càng có lợi cho sức khỏe, thế nhưng, thực sự thì bất cứ cái gì cũng vậy, nếu lạm dụng nó sẽ gây tác dụng ngược. Với trứng vịt lộn, nó không chỉ là hàm lượng cholesterol cao hay đầy bụng, khó tiêu mà còn là chế độ dinh dưỡng bị mất cân bằng. Do đó, đừng để ngon miệng mà hại thân nhé!

Tác giả bài viết: Minh Trang

Nguồn tin: