Thống kê thú vị về những nữ đại gia quyền lực tại Việt Nam
- 14:09 08-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không chỉ là những người phụ nữ giàu và quyền lực nhất giới kinh doanh tại Việt Nam, họ còn có những sự thật thú vị ít người biết trong cả công việc và cuộc sống.
Sàn chứng khoán Việt Nam không chỉ ghi nhận những doanh nhân, đại gia là nam giới mà còn hiện hữu nhiều “nữ tướng” quyền lực trong các doanh nghiệp.
30 người sở hữu tài sản lớn hơn 200 tỷ đồng
Theo thống kê của Zing.vn, tính tới ngày 8/3, có 30 phụ nữ ghi nhận khối tài sản trên sàn chứng khoán lớn hơn 200 tỷ đồng, và 29 trong số đó nằm trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.
30 người sở hữu tài sản lớn hơn 200 tỷ đồng
Theo thống kê của Zing.vn, tính tới ngày 8/3, có 30 phụ nữ ghi nhận khối tài sản trên sàn chứng khoán lớn hơn 200 tỷ đồng, và 29 trong số đó nằm trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.
Tính đến ngày 8/3, 29 nữ đại gia trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán sở hữu khối tài sản gần 40.000 tỷ đồng. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Nữ đại gia nhiều tiền nhất sàn chứng khoán là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT hãng hàng không Vietjet Air, với khối tài sản tới hơn 13.000 tỷ đồng.
Người xếp vị trí thứ 30 là bà Trần Thị Thái - Thành viên HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La. Hiện khối tài sản của bà Thái khoảng 201,4 tỷ đồng.
Nếu mở rộng phạm vi khảo sát thì có tới 60 nữ đại gia sở hữu khối tài sản lớn hơn 100 tỷ đồng. Danh sách này chưa kể tới các nữ doanh nhân, đại gia mà doanh nghiệp của họ chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Làm giàu từ nhiều lĩnh vực khác nhau
Nếu như bất động sản là lĩnh vực làm giàu chính của các vị đại gia nam giới thì các nữ đại gia trên sàn chứng khoán chủ yếu nổi danh từ lĩnh vực tài chính - ngân hàng và nông nghiệp.
Trong số 30 người phụ nữ sở hữu khối tài sản lớn hơn 200 tỷ đồng trên sàn chứng khoán thì có 7 người kiếm tiền từ bất động sản.
Thống kê số lượng nữ tỷ phú có khối tài sản trên sàn chứng khoán tới từ cổ phiếu doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Hiện tại, một số cá nhân như bà Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng (cùng là Phó chủ tịch HĐQT Vingroup); bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai... có khối tài sản đến từ bất động sản. Đa số những người còn lại trong danh sách có nguồn tài sản từ tài chính ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp...
Hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo dù khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhưng tên tuổi của bà lại được nhiều người biết tới ở lĩnh vực hàng không. Hiện tại, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo đều đến từ cổ phiếu của Vietjet Air.
3 người giàu nhất sinh ra và lớn lên tại Hà Nội
Với khối tài sản đạt vượt ngưỡng 13.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air đang là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Hiện khối tài sản của bà Thảo xếp thứ 3, chỉ sau ông Trịnh Văn Quyết (hơn 45.000 tỷ đồng) và tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng (hơn 32.000 tỷ đồng).
Tài sản của 3 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Bà Thảo sinh ra tại Hà Nội và hiện sinh sống tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cùng với bà Thảo là 2 vị nữ đại gia họ Phạm. Bà Phạm Thu Hương với khối tài sản khoảng 5.599 tỷ đồng và em gái là Phạm Thúy Hằng sở hữu 3.739 tỷ đồng cũng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trước khi sang Ukraina lập nghiệp. Hiện nay, cả 2 nữ đại gia họ Phạm cũng đang sinh sống và làm việc tại thủ đô.
Phụ nữ với những danh xưng nổi tiếng
Khác với nhiều vị đại gia nam giới, các nữ doanh nhân quyền lực và giàu có thường được ưu ái đặt cho những biệt danh gắn liền với tên tuổi và ngành nghề kinh doanh của mình.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được mệnh danh là "bà chủ hãng hàng không bikini". Trước đây, Vietjet Air từng tung ra chiến dịch cho nhân viên của mình mặc bikini trên các chuyến bay thay vì đồng phục thông thường để gây sự chú ý.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk, từng được kênh CNBC (Mỹ) ví như "Margaret Thatcher của Việt Nam", khi còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk.
Với những quyết sách quyết liệt, bà là đầu tàu đưa doanh nghiệp sữa Việt Nam trở thành tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay (8,4 tỷ USD), doanh thu mỗi năm lên tới hàng tỷ USD.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk được mệnh danh là "Margaret Thatcher Việt Nam".
Trong ngành mía đường Việt Nam, nếu như bà Huỳnh Bích Ngọc được mệnh danh là "nữ hoàng mía đường" thì con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng được biết tới với danh xưng "công chúa mía đường".
Chỉ sở hữu tài sản gần 160 tỷ đồng, nhưng trong ngành mía đường Việt Nam "công chúa mía đường" chính là người quyền lực nhất.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch/Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) được mệnh danh là “nữ tướng vàng nữ trang”. Doanh nghiệp trang sức của bà không chỉ phủ sóng trong nước mà ở cả châu Âu, Mỹ, Australia.
Không phải tất cả đều kinh doanh
Sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng trên sàn chứng khoán nhưng không phải tất cả nữ đại gia đều là doanh nhân. Một số người không hề tham gia bất kỳ hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp nào, nhưng vẫn nắm trong tay khối tài sản khổng lồ.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Trịnh Văn Quyết) không tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Công ty xây dựng Faros. Nhưng với hơn 20 triệu cổ phiếu ROS nắm giữ, bà vẫn sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Cũng như bà Diệp, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trịnh Đình Long) không tham gia hoạt động quản trị, điều hành nhưng sở hữu hơn 53,39 triệu cổ phiếu HPG nên vẫn nắm trong tay khối tài sản lên tới 2.189 tỷ đồng.
Còn nhiều nữ đại gia khác cũng không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ đồng, như bà Lê Thị Thúy Hải (vợ ông Đặng Quốc Dũng - Ủy viên HĐQT Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) sở hữu 680 tỷ đồng. Bà Trương Ngọc Phượng (PVS) sở hữu 489 tỷ đồng; bà Phạm Thị Thanh Hương 430 tỷ đồng...
Tác giả bài viết: Quang Thắng
Nguồn tin: