Vài nét về lịch sử nguồn gốc di tích và lễ hội Đền chín gian, huyện Quế Phong
- 10:28 08-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đền Chín gian (Tến Cau Hong) tương truyền được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIV. Sự tích xây dựng Đền có nhiều giai thoại, song đến nay, đồng bào dân tộc Thái ở Quế Phong lại thiên về truyền thuyết liên quan đến nhân vật Tạo Ló Ỳ, Người có công xây bản lập mường, hình thành nên vùng đất Quế Phong ngày nay.
Truyền thuyết kể lại rằng: Ló Ỳ đã có công xây bản lập mường làm cho mường lớn Quỳ Châu trở nên thịnh vượng. Để tạ ơn trời đất, thần thánh đã cho dân chúng làm ăn phát đạt và mong ước bản mường luôn được mưa thuận gió hòa nên cả các mường góp công, góp của xây dựng ngôi đêng (Tến xớ) ở mường Tôn để thờ Trời và lấy chỗ để cúng trâu cho Trời. Vì ngôi Đền có 9 gian, nên đồng bào Thái thường gọi là Tến Cau Hong.
Đền Chín gian bản Piếng Chào xã Châu Kim huyện Quế Phong
Đầu thế kỷ XVIII, đền được chuyển về bản Piếng Chào, xã Châu Kim, Huyện Quế Phong. Quá trình di chuyển đền Chín gian gắn với huyền thoại: “Một hôm dân làng đang mở hội chín mường, trong khi các Mo thực hiện nghi thức tắm trâu ở bến Tà Khoẳng (một đoạn sông Nậm Giải), bỗng dựng có con rồng đến cuốn (quái mè hảo) con trâu cái trắng của Mường Tôn vào trong hang đá. Tào mường cho rằng đây là điềm xấu, liền cho dân chúng giết trâu để lập đàn tế trời. Cả mường đang làm lễ tế trời, bỗng dưng mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp mịt mùng. Núi đá có cái hang mà rồng kéo trâu vào nứt ra thành 3 mảnh (hiện nay gọi là con tạch tà khoẳng xã Châu Kim). Ngày hôm sau, từ đâu có một con Quạ cổ khoang trăng bay đến đậu trên tảng đá bị sét đánh sau đó bay lại cắp miếng xương trâu trắng bay lên bầu trời lượn 9 vòng rồi bay thẳng xuống một ngọn đồi có tên Pú Pỏm thuộc bản Piếng Chào và thả khúc xương trâu trắng xuống đó. Lấy làm điềm lạ, Tào mường cho rằng thần linh, Thẻn Phà và tổ tiên đã đồng ý chuyển đền về khu vực này (nay là xã Châu Kim), lập tức cả mường tập trung dựng đền tại nơi có khúc xương trâu mà con quạ khoang đã thả”. Từ đó, ngôi đền tồn tại cho đến ngày nay.
Đền Chín gian nguyên khởi được làm bằng tranh, tre, nứa, mét, về sau được xây dựng quy mô với kiến trúc nhà sàn đặc thù của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ nghệ. Đền Chín gian tọa lạc trên một ngọn đồi có tên Pú Pỏm, có độ cao so với mực nước biển là 186,4m, thuộc bản Piến Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Dưới chân ngọn đồi, phía trước đền chín gian là dòng sông Nậm Giải và bến Tà tạo, phía sau Đền là bản Piếng Chào, bên trái là cánh đồng Tồng Huống, bên phải là ngọn núi Pú Kẹp, quanh đền được che phủ, bao bọc bởi rừng cây cổ thụ nguyên sinh.
Tọa lạc trên một địa thế đẹp, sơn thủy hữu tình, di tích đền Chín gian bố trí các công trình kiến trúc khá hợp lý và đăng đối trải đều theo một trật tự tuân thủ trục tâm linh “thiên, địa, nhân” làm cho ngôi đền trở nên linh thiêng nhưng cũng không kém phần duyên dáng, đẹp đẽ, nên thơ.
Dưới chân đồi, cách đền Chín gian 300m là bến tắm trâu, cách bến tắm trâu khoảng 200m về phía bắc là Am Thổ thần, qua Am Thổ thần là đến Am nghỉ tiếng Thái gọi là Pặc Phắng, đây là nơi du khách tạm nghỉ để sửa sang, kiểm tra lại quần áo, tư trang để rũ bỏ mọi phiền não trước lúc lên đền. Từ dưới Am nghỉ, du khách phải đi qua 164 bậc đá mới đến được sân đền Chín gian. Sân đền có diện tích 200m2, giữa sân trang trí hình tượng 9 con trâu làm bằng xi măng, trong đó có 6 con trâu đên và 3 con trâu trắng, mỗi con được đặt trên bệ đá, phía trước có 9 cái vạc đựng nước. Theo quan niệm của đồng bào Thái ở Quế Phong, đây là 9 cái vạc sử dụng để lấy nước mưa luộc thịt trâu tế thần trong dịp mường tổ chức lễ hội.
Kiến trúc đền Chín gian được làm theo kiểu nhà sàn, một đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Đền Chín gian có diện tích 138,6m2, được làm bằng gỗ kết hợp với vôi vữa, gạch kiên cố gồm 9 gian. Trong Đền được chia làm 9 gian tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Chọng, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón. Đền thờ trời (Thẻn phà); Náng Xỉ đả (Con gái trời); Tạo Ló ỳ (Người có công xây bản lập mường)
Từ năm 1927 đến năm 2003 trải qua một thời gian dài với những biến cố thăng trầm của lịch sử, Đền bị xuống cấp và mai một, chỉ còn là phế tích .
Năm 2004 thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ khoá XVIII và thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc huyện nhà. Đựợc sự giúp đỡ của Sở Văn hoá thông tin tỉnh Nghệ An, (nay là Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch) Đền được tôn tạo lại nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị Văn hoá truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.
Từ năm 2006 đến nay UBND tỉnh đã cho phép huyện Quế Phong tổ chức lễ hội Đền chín gian với quy mô cấp huyện.
Năm 2008 Đền 9 gian đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Từ năm 2005 đến nay đó trải qua 12 kỳ lễ hội, lễ hội Đền Chín gian ngày càng thu hút được đông đảo du khỏch thập phương từ mọi miền đất nước về dâng hương và trẩy hội. Lễ hội Đền Chín gian hàng năm được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Phần lễ như: Lễ khai quang, yết cáo, lễ tắm Trâu, lễ rước, lễ hiến Trâu, lễ khai hội, lễ đại tế và lễ tạ.
Lễ rước
Lễ tắm trâu
Lễ hiến trâu
Lễ cúng
Phần Hội như: Hội trại của 14 xã, thị trấn; Thi gói bánh chưng, ẩm thực; thi viết chữ Thái; Thi văn nghệ; Thi trống, cồng, chiêng, khắc luống và hát xuổi nhuôn đối đáp; tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa.
Văn nghệ
Thi người đẹp
Nhảy sạp
Khắc luống
Dệt thổ cẩm
Thi Tò lẻ
Du khách thập phương dự lễ hội
Chính những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt đó, ngày 13/6/2016 Lễ hội đền Chín gian được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm cao cả của huyện nhà để bảo vệ và phát huy giá trị di sản ngày càng tốt hơn./.
(ảnh nguồn lễ hội những năm trước)
Tác giả bài viết: Lô Mai Phòng Văn hóa – Thông tin
Nguồn tin: