Chuyện ở “trái tim kinh tế” Vũng Áng: Những mỏ đá ngắc ngoải chờ chết
- 09:38 08-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi Formosa được Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư dự án thép và cảng biển tại Vũng Áng cũng là lúc cơn sốt về vật liệu xây dựng lên đến đỉnh điểm. Những thông số về đá, cát cực khủng mà công trường Formosa cần đã khởi nguồn cho một cuộc chạy đua đầu tư ồ ạt vào các mỏ đá. Nhưng thật nghiệt ngã, trong số hơn 50 mỏ đá vây quanh Formosa, giờ chỉ còn chưa đầy chục mỏ đá hoạt động lay lắt, số còn lại ngắc ngoải, đóng cửa hoặc phá sản.
>>Chuyện ở nơi “trái tim kinh tế” Vũng Áng: Khi những "con gà đẻ trứng vàng" biến thành... cục nợ!
>>Trắng tay sau giấc mơ tỷ phú tại “trái tim kinh tế” Vũng Áng
“Chúng tôi đang ngồi trên đống lửa!”
Gần 3 năm trước, lần đầu tiên có mặt tại mỏ đá Hồng Sơn, thuộc địa bàn phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi quy mô, mức độ đầu tư của chủ mỏ đá này. Với diện tích được cấp phép là 15 ha, thời gian khai thác 30 năm, tổng mức đầu tư cho hệ thống dây chuyền sản xuất đá, đội xe vận chuyển khủng, hệ thống cơ sở hạ tầng lên đến hơn 84 tỷ đồng, sử dụng hơn 50 cán bộ, kỹ sư, lao động… mỏ đá Hồng Sơn là một trong những mỏ đá lớn nhất trên địa bàn sản xuất, cung cấp đá xây dựng cho các nhà thầu thi công tại công trường Formosa.
Thời điểm đó mỏ đá Hồng Sơn hoạt động hết sức rầm rộ, công nhân thậm chí phải tăng ca mới có đủ sản phẩm cấp cho nhà thầu; khu xuất đá luôn kín xe ra vào ăn hàng...
>>Trắng tay sau giấc mơ tỷ phú tại “trái tim kinh tế” Vũng Áng
“Chúng tôi đang ngồi trên đống lửa!”
Gần 3 năm trước, lần đầu tiên có mặt tại mỏ đá Hồng Sơn, thuộc địa bàn phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi quy mô, mức độ đầu tư của chủ mỏ đá này. Với diện tích được cấp phép là 15 ha, thời gian khai thác 30 năm, tổng mức đầu tư cho hệ thống dây chuyền sản xuất đá, đội xe vận chuyển khủng, hệ thống cơ sở hạ tầng lên đến hơn 84 tỷ đồng, sử dụng hơn 50 cán bộ, kỹ sư, lao động… mỏ đá Hồng Sơn là một trong những mỏ đá lớn nhất trên địa bàn sản xuất, cung cấp đá xây dựng cho các nhà thầu thi công tại công trường Formosa.
Thời điểm đó mỏ đá Hồng Sơn hoạt động hết sức rầm rộ, công nhân thậm chí phải tăng ca mới có đủ sản phẩm cấp cho nhà thầu; khu xuất đá luôn kín xe ra vào ăn hàng...
Mỏ đá Hồng Sơn hiện còn tồn cả trăm ngàn khối đá thành phẩm chưa biết tiêu thụ ở đâu.
Thế nhưng, lần trở lại mỏ đá Hồng Sơn vào đầu tháng 3/2017 này, một khung cảnh thật quá thảm hại. Hồng Sơn đã không còn cảnh máy xay, nghiền đá hoạt động rầm rộ; không còn cảnh xe chở hàng nối đuôi rầm rập chở hàng rời mỏ. Những chiếc xe vận tải nhỏ còn lại, chỉ nhìn qua đã thấy gỉ sét, lâu ngày không hoạt động. Các công nhân, phần lớn trong số hơn 50 người đã buộc phải nghỉ việc, số ít còn lại hợp đồng chủ yếu là bảo vệ tài sản của công ty. Từ chỗ sản xuất không kịp cấp, mỏ đá giờ tồn những núi đá thành phẩm lên đến vài trăm ngàn khối.
Hỏi về tình hình kinh doanh của công ty, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc công ty, rầu rĩ cho biết, thời gian qua quá khó khăn, hai năm nay không có hợp đồng xuất đá lớn nào, lượng hàng tồn bãi lên đến cả trăm ngàn khối chưa biết tiêu thụ đi đâu, tình hình kinh doanh của công ty rất bi đát, thua lỗ và nợ ngân hàng chưa biết khi nào trả được.
“Tình hình công ty quá khó khăn, nợ đọng thuế ngày một tăng nên giờ tôi không biết xử lý thế nào. Tôi giờ như đang ngồi trên đống lửa!”, ông Hải nói.
Bi đát hơn là mỏ đá Cây Khế của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Miền Tây, cũng đóng tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Với tổng mức sản xuất 2 triệu m3/năm, mỏ Cây Khế từng là mỏ đá cung cấp sản lượng lớn nhất cho công trường xây dựng Formosa. Thế nhưng do không có đơn hàng, mỏ đá đã đóng cửa suốt hai năm qua.
“Chúng tôi đã cố gắng duy trì hoạt động, chờ thị trường ấm lên. Nhưng càng chờ đợi càng lỗ nặng, mất khả năng than toán cả tiền vay, lương thưởng công nhân và cả tiền khai thác mỏ. Không còn cách nào khác chúng tôi buộc phải đóng cửa” – người phụ trách mỏ đá này cho hay.
Ông Phan Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã và huyện Kỳ Anh chua xót nói, thảm trạng nói trên là thảm trạng chung của hơn 50 mỏ đá ăn theo dự án Formosa. “Trong số hơn 50 mỏ đá, giải quyết hơn 2.500 lao động, hiện chỉ còn 5 đến 6 mỏ hoạt động cầm chừng. Hầu hết các mỏ như tôi biết sức khỏe đã rất yếu, đã ngưng hoạt động, chỉ còn chờ làm thủ tục xin phá sản” – ông Hồng nói.
Ào ạt tháo chạy
Ông Phan Xuân Hồng phân tích, nguyên nhân khiến các mỏ đá tại Kỳ Anh rơi vào thảm trạng trên không chỉ xuất phát từ dự án Formosa ngưng xây dựng sau khi cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, mà đó là cái kết đắng cho tỉnh Hà Tĩnh khi không dự báo được khối lượng cung - cầu của thị trường, thậm chí là bỏ qua việc cảnh báo các doanh nghiệp. Hậu quả là chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ chỉ hơn chục mỏ đá, quanh khu vực Vũng Áng nói chung và Formosa nói riêng có tới hơn 50 mỏ đá có quy mô được cấp phép hoạt động tới 30 năm.
Theo ông Hồng, trong cơn bĩ cực, cuối năm 2014, các chủ mỏ đá ở Kỳ Anh đã thống nhất thành lập Hiệp hội mỏ đá Kỳ Anh để mong cứu vãn tình thế khó khăn. Hiệp hội đã tìm mọi cách để chấm dứt thực trạng bán phá giá, mạnh ai nấy làm. Hiệp hội cũng có rất nhiều công văn kêu cứu tới UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm cứu các chủ mỏ đá nhưng mọi nỗ lực không đem lại được kết quả khả quan nào, các chủ mỏ vẫn tiếp tục rơi vào thảm trạng không lối thoát. Và đấy cũng là lúc một cuộc tháo chạy bắt đầu.
Trong số hơn chục mỏ mà ông Hồng điểm danh đang dần tháo chạy khỏi địa bàn, phải kể đến mỏ đá Khe Giàn thuộc Công ty CP TM & DV Phú Minh Sơn (Công ty Phú Sơn), đóng tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh. Với tổng mức lên đến gần 200 tỷ đồng, diện tích cấp phép 20 ha, thời gian khai thác 30 năm, giàn xay đá hiện đại, sử dụng đến hơn 120 cán bộ, kỹ sư, lao động, mỏ đá Khe Giàn là một trong 3 mỏ đá quy mô lớn nhất tại khu kinh tế Vũng Áng.
Mó đá Khe Giàn hiện tồn kho hơn 300.000 khối đá thành phẩm. Gánh khoản nợ 70 tỷ đồng, trong khi sản phẩm không tiêu thụ được khiến công ty lao đao.
Cách đây hơn hai năm, mỏ đá Khe Giàn hoạt động hết sức rầm rộ; còn tại thời điểm này, mỏ đá đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Nay mỏ chỉ còn lại 6 người ở lại để bảo vệ tài sản.
Anh Nguyễn Văn Thiết, một trong số 6 công nhân ở lại công trường, chỉ vào núi đá thành phẩm cao ngất buồn bã cho biết: Do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nên công trường đã ngưng hoạt động sản xuất vài năm nay, hiện còn tồn hơn 300.000 khối đá thành phẩm không biết tiêu thụ đi đâu. Anh Thiết thông tin thêm, do khó khăn chồng chất nên lãnh đạo công ty đã cho di dời máy móc, thiết bị, di chuyển một bộ phận công nhân đi nơi khác.
Gọi là di dời, nhưng thực chất đây là cuộc “tháo chạy” của Công ty Phú Minh Sơn khỏi khu kinh tế Vũng Áng và mảnh đất Kỳ Anh. Nối máy với ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc công ty, vị này rầu rĩ: “Hai năm nay chúng tôi không có hợp đồng xuất đá lớn nào được kí kết, lượng hàng tồn bãi trị giá hơn 20 tỷ đồng chưa biết tiêu thụ đi đâu, nên tình hình kinh doanh của công ty rất bi đát, thua lỗ và nợ 70 tỷ đồng ngân hàng chưa biết khi nào trả được. Ở lại với tình hình như thế công ty chỉ có nước phá sản”.
.
Hàng chục chiếc xe đã được Công ty Phú Minh Sơn rút khỏi mỏ đá Khe Giàn, số ít còn lại nằm đắp chiếu lâu ngày.
Ông Anh tiết lộ, việc rút dần khỏi địa bàn Kỳ Anh được triển khai từ giữa năm 2016 khi công ty đã cho tháo gỡ giàn máy xay nghiền đá chính và giàn xe hơn chục chiếc di chuyển vào một tỉnh phía Nam. “Chúng tôi chưa biết khi nào có thể trở lại, tất cả còn tùy thuộc vào thị trường tại Vũng Áng”- ông Anh cho hay.
Những mỏ lớn khác như Cơn Tria, Hồng Sơn, Đá Dàn... cũng đang ồ ạt rút khỏi Kỳ Anh sang địa bàn khác tìm lối ra.
Thực trạng sức khỏe ốm yếu, ngắc ngoải của các mỏ đá tại hai địa bàn Kỳ Anh được thể hiện rất rõ qua mức đóng góp vào ngân sách địa phương. Nếu như năm 2014, các mỏ đá tại thị xã Kỳ Anh còn đóng góp tới hơn 23,8 tỷ đồng, thì năm 2015 giảm xuống 15,4 tỷ, và năm 2016 chỉ còn lại 9,9 tỷ đồng. Sự sút giảm mức đóng góp ngân sách của các mỏ đá tại thị xã Kỳ Anh còn được Chi cục thuế thị xã này dự báo là rất thấp trong năm 2017 này.
Tác giả bài viết: Văn Dũng – Tiến Hiệp
Nguồn tin: