Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảm động gia đình 'truyền đời' nghề đưa đò miễn phí

Ông Lê Văn Duyên (sinh năm 1964 - ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) âm thầm lặng lẽ đưa rước học sinh qua lại hai bến mà không nhận bất cứ đồng tiền công nào khiến người dân nơi đây vô cùng cảm động.
Ông Duyên và các cháu học sinh trên bến đò.

Theo mẹ mình, bến đò thiện nguyện

Phía bên kia bờ của con sông có 3 ngôi trường, Trường Mầm non Tuổi Thơ, Trường Tiểu học Đông thuận và Trường Trung học Cơ sở Đông Thuận. Như một con ong cần mẫn, ngày ngày trên con đò nhỏ ông Lê Văn Duyên   (sinh năm 1964 - ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) âm thầm lặng lẽ đưa rước học sinh qua lại hai bến mà không nhận bất cứ đồng tiền công nào. 

Người bén duyên với bến đò thiện nguyện này phải kể đến là mẹ ông, bà Thái Thị Sáng (SN 1928). Vào những năm 1980, bà Sáng mưu sinh bằng nghề chèo đò trên sông, lúc bấy giờ bên kia bến chỉ có một ngôi trường tiểu học duy nhất, thỉnh thoảng bắt gặp một vài em học sinh ngồi bên này bờ nhìn qua sông với gương mặt buồn thiu vì không có phương tiện để sang trường, bà liền chèo xuồng đưa các em qua sông cho kịp giờ đến lớp.

Về sau bà quyết định cất một căn chòi nhỏ bên sông để buôn bán và đưa rước các em qua sông dù gia đình lúc bấy giờ vẫn còn nhiều khó khăn. Và hôm nay, khi tuổi đã già, sức đã yếu, bà để lại công việc cho con cụ ông Lê Văn Duyên.

Như một thói quen, cứ đến gần 6 giờ sáng là chú thức dậy, bất kể ngày mưa hay ngày nắng đều đặn hai buổi sáng chiều đưa rước học sinh qua sông. Ông nói trước đây ông không được học hành đàng hoàng, thì nay ông đưa rước học sinh đi học để các cháu biết chữ, có tri thức sau này giúp ích cho xã hội, cho quê hương và quan trọng là không còn khổ cực như ông nữa. Và cũng theo lời ông đưa đò dường như đã trở thành cái nghiệp, vào dịp hè, học sinh nghỉ học là ông cảm thấy buồn, thấy nhớ, đôi khi phát bệnh. 

Hơn 30 năm với con đò

Ông Nguyễn Tấn Hoàng, Bí thư Chi bộ ấp Đông Thạnh cho biết, trước đây bà Sáng đưa học sinh qua sông nhờ vào chiếc xuồng tam bản về sau bà được UBND xã tặng cho ông chiếc chẹc nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Cho đến khi ông nối nghiệp, cảm động trước tấm lòng của mẹ con ông, nhà hảo tâm tặng cho mẹ con ông chiếc chẹc lớn hơn cùng máy nổ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc mang ý nghĩa này được tiếp tục.

Theo thời gian, số lượng học sinh ngày càng tăng lên, thêm nữa chiếc chẹc ngày nào đã trở nên cũ kĩ, không đảm bảo được an toàn cho các em học sinh, vậy là ông quyết định vay tiền ngân hàng 50 triệu đầu tư chiếc chẹc lớn hơn, vững chãi hơn để đảm bảo an toàn cho các em. Bên cạnh đó ông còn tự bỏ tiền ra trang bị áo phao, xây nhà chờ cho các cháu.

Công việc này từ bà Sáng truyền sang cho chú đã hơn 30 năm, trong hơn 30 năm qua ngày mưa cũng như ngày nắng ngày hai buổi đều đặn ông đưa học sinh qua sông, hôm nào có việc chú nhờ các con ông đưa giúp. Nhờ tay chèo vững chãi, tính cẩn trọng mà trong những năm qua bến đò của mẹ con ông Duyên không xảy ra bất cứ vụ tai nạn đáng tiếc nào.

Mẹ con ông luôn nhắc nhở đám học sinh phải ngồi cẩn thận mỗi khi qua sông. Với những đóng góp đó, bà Thái Thị Sáng vinh dự được Hội khuyến học Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp khuyến học vì đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tác giả bài viết: Huỳnh Như

Nguồn tin: