Bí quyết giữ gìn chất lượng cam Vinh của người Nghệ An
- 14:21 06-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, phục tráng cam Xã Đoài hay hình thành những khu vườn cam sinh thái là cách mà người xứ Nghệ gìn giữ chất lượng cho cam Vinh.
Cam Vinh vốn nổi tiếng với nhiều loại khác nhau. Tuy không sở hữu vẻ ngoài bắt mắt nhưng giống cam trồng tại đất Nghệ An lại cho hương vị thơm ngon riêng.
Phục tráng cam Xã Đoài
Là loại cam nổi tiếng để tiến Vua từ thời xa xưa, cam Xã Đoài được trồng chủ yếu tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thời điểm giáp Tết, giá cam Xã Đoài lên tới 60.000 đồng một quả. Tuy nhiên, phần vì bị thoái hóa giống, phần vì thay đổi vùng trồng nên hiện nay, giống cam này chỉ còn khoảng 110 ha, rải rác trong các hộ dân.
Để phục tráng cam tiến Vua, bà con xứ Nghệ chủ động lựa chọn lại các cây giống chuẩn và chỉ thực hiện nhân giống bằng phương pháp chiết cành.
Mô hình trồng cam Vinh VietGap
Năm 2013, huyện Quỳ Hợp có hơn 20 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là mô hình do trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông Quỳ Hợp phối hợp triển khai. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng liên kết với các hộ trong vùng để xây dựng mô hình này.
Hiện, bà con Quỳ Hợp trồng 4 giống cam chính là Xã Đoài 2, Sông Con, Vân Du và V2. Để nhân rộng mô hình trồng cam VietGap, Ủy ban nhân dân và phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cùng doanh nghiệp cử cán bộ trạm khuyến nông về hướng dẫn người trồng cách chăm sóc, thăm vườn, kiểm tra tán lá, gốc cây và thực hiện ghi chép sổ nhật ký. Ngoài ra, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà bà con sử dụng cũng được chi cục nông lâm thủy sản địa phương phân phối, cung cấp theo danh mục. Vào mùa thu hoạch, bà con thu hái cam cẩn thận và sơ chế, đóng hộp theo tiêu chuẩn trước khi vận chuyển tới nơi tiêu thụ.
Ông Đồng, một nông dân trồng cam VietGap cho biết: "Trồng theo phương pháp truyền thống rất vất vả. Cùng là cam trong một vườn nhưng có cây lại cho quả ngon hơn. Khi chuyển sang trồng VietGap, quả cam đồng đều về chất lượng, sâu bệnh giảm, năng suất tăng, giá thành cũng cao hơn".
Trồng cam theo mô hình vườn sinh thái
Cũng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Công ty cổ phần Trang trại nông sản Phú Quý đang triển khai 2 ha mô hình vườn cam sinh thái. Tại đây, người trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học mà cho cây phát triển tự nhiên. Ngoài ra, để đuổi côn trùng, hạn chế cỏ, công nhân trồng xen các loại cây thảo mộc như sả, húng quế, gừng, nghệ...
Để phòng sâu vẽ bùa và các loại sâu khác, người trồng sử dụng dung dịch tỏi ớt, nước chế từ dược liệu, nước bồ hòn để phun xịt ngay từ thời kỳ cây mới ra đọt non; đồng thời, bón phân hữu cơ được ủ trong 6 tháng từ phân bò, ngô, bã đậu.
"Sự phát triển của cỏ cùng các loại cây trồng khác tạo nên nét đa dạng và dần khôi phục thế cân bằng sinh học cho khu vườn, nhờ đó, các loài thiên địch cũng có cơ hội phát triển. Vườn cam sinh thái có thể cho sản lượng thấp hơn cách trồng VietGap nhưng người trồng tận dụng được nhiều sản phẩm phụ từ cây cam như cánh hoa, quả non rụng để sản xuất các chế phẩm có giá trị kinh tế", chị Thu - một công nhân tại vườn cam sinh thái chia sẻ.
Mùa vụ 2016 - 2017, tổng sản lượng cam Vinh đạt gần 70.000 tấn. Bằng sự nỗ lực và sáng tạo, người dân xứ Nghệ vẫn tiếp tục gìn giữ, duy trì một sản vật quý của địa phương.
Phục tráng cam Xã Đoài
Là loại cam nổi tiếng để tiến Vua từ thời xa xưa, cam Xã Đoài được trồng chủ yếu tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thời điểm giáp Tết, giá cam Xã Đoài lên tới 60.000 đồng một quả. Tuy nhiên, phần vì bị thoái hóa giống, phần vì thay đổi vùng trồng nên hiện nay, giống cam này chỉ còn khoảng 110 ha, rải rác trong các hộ dân.
Để phục tráng cam tiến Vua, bà con xứ Nghệ chủ động lựa chọn lại các cây giống chuẩn và chỉ thực hiện nhân giống bằng phương pháp chiết cành.
Cam tiến Vua vào vụ Tết.
Mô hình trồng cam Vinh VietGap
Năm 2013, huyện Quỳ Hợp có hơn 20 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là mô hình do trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông Quỳ Hợp phối hợp triển khai. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng liên kết với các hộ trong vùng để xây dựng mô hình này.
Hiện, bà con Quỳ Hợp trồng 4 giống cam chính là Xã Đoài 2, Sông Con, Vân Du và V2. Để nhân rộng mô hình trồng cam VietGap, Ủy ban nhân dân và phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cùng doanh nghiệp cử cán bộ trạm khuyến nông về hướng dẫn người trồng cách chăm sóc, thăm vườn, kiểm tra tán lá, gốc cây và thực hiện ghi chép sổ nhật ký. Ngoài ra, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà bà con sử dụng cũng được chi cục nông lâm thủy sản địa phương phân phối, cung cấp theo danh mục. Vào mùa thu hoạch, bà con thu hái cam cẩn thận và sơ chế, đóng hộp theo tiêu chuẩn trước khi vận chuyển tới nơi tiêu thụ.
Ông Đồng, một nông dân trồng cam VietGap cho biết: "Trồng theo phương pháp truyền thống rất vất vả. Cùng là cam trong một vườn nhưng có cây lại cho quả ngon hơn. Khi chuyển sang trồng VietGap, quả cam đồng đều về chất lượng, sâu bệnh giảm, năng suất tăng, giá thành cũng cao hơn".
Trồng cam theo mô hình vườn sinh thái
Cũng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Công ty cổ phần Trang trại nông sản Phú Quý đang triển khai 2 ha mô hình vườn cam sinh thái. Tại đây, người trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học mà cho cây phát triển tự nhiên. Ngoài ra, để đuổi côn trùng, hạn chế cỏ, công nhân trồng xen các loại cây thảo mộc như sả, húng quế, gừng, nghệ...
Để phòng sâu vẽ bùa và các loại sâu khác, người trồng sử dụng dung dịch tỏi ớt, nước chế từ dược liệu, nước bồ hòn để phun xịt ngay từ thời kỳ cây mới ra đọt non; đồng thời, bón phân hữu cơ được ủ trong 6 tháng từ phân bò, ngô, bã đậu.
"Sự phát triển của cỏ cùng các loại cây trồng khác tạo nên nét đa dạng và dần khôi phục thế cân bằng sinh học cho khu vườn, nhờ đó, các loài thiên địch cũng có cơ hội phát triển. Vườn cam sinh thái có thể cho sản lượng thấp hơn cách trồng VietGap nhưng người trồng tận dụng được nhiều sản phẩm phụ từ cây cam như cánh hoa, quả non rụng để sản xuất các chế phẩm có giá trị kinh tế", chị Thu - một công nhân tại vườn cam sinh thái chia sẻ.
Mùa vụ 2016 - 2017, tổng sản lượng cam Vinh đạt gần 70.000 tấn. Bằng sự nỗ lực và sáng tạo, người dân xứ Nghệ vẫn tiếp tục gìn giữ, duy trì một sản vật quý của địa phương.
Tác giả bài viết: Hương Giang
Nguồn tin: