Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ban giám hiệu đi dự giờ chủ yếu là để cho...đủ mặt!

Những góp ý, rút kinh nghiệm bao giờ cũng trịnh thượng nhưng vì phần lớn không biết nội dung nên cách góp ý không giúp ích được gì cho giáo viên.
LTS: Liên quan đến bài viết “Dự giờ giáo viên, bao nhiêu là đủ” của tác giả Phan Tuyết, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ một số ý kiến của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Việc dự giờ, thăm lớp của Ban giám hiệu nhà trường là một việc làm hết sức quan trọng trong việc quản lí và đánh giá chất lượng giáo viên của nhà trường. 

Bởi thông qua việc dự giờ giúp cho Ban giám hiệu nắm bắt được tình hình hoạt động giảng dạy của giáo viên nhằm thúc đẩy phát triển chuyên môn và tạo được tinh thần chủ động cho mỗi giáo viên đứng lớp. 

Việc dự giờ của giáo viên giúp cho người thầy học hỏi thêm về kinh nghiệm, bổ sung thêm những cái hay, cái mới của đồng nghiệp để hoàn thiện bản thân. 

 
du gio
Việc dự giờ, thăm lớp hiện nay vẫn đang còn tồn tại nhiều bất cập. (Ảnh trên Báo điện tử Zing.vn)

Song, có lẽ do nhiều nguyên nhân mà công tác dự giờ của cả Ban giám hiệu và giáo viên thực hiện chưa tốt. Đồng thời, cũng có cả sự chưa hợp lí từ các văn bản chỉ đạo và cách triển khai ở các đơn vị cơ sở.

Theo qui định hiện hành: “Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/ giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy/ giáo viên;

Mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”. 

Qui định là vậy nhưng trong quá trình thực hiện thì nảy sinh nhiều bất cập.

Thực hiện theo hướng dẫn về việc xét thi đua khen thưởng hàng năm thì giáo viên muốn được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì phải là giáo viên giỏi cấp trường.

Vì thế, phần nhiều giáo viên trong trường đều tham gia Hội thi này. 

Năm nào cũng tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường và giám khảo thường là Ban giám hiệu và các Tổ trưởng chuyên môn. 

Và, cũng từ phong trào thi giáo viên giỏi cấp trường, Ban giám hiệu vừa hoàn thành qui định mà thông qua mỗi hội thi thì những tiết dự giờ như thế này đều được chi tiền theo chế độ hiện hành.

Và dĩ nhiên các Ban giám hiệu đã thực hiện được một công mà đôi việc. 

Tuy nhiên, công tác dự giờ của Ban giám hiệu thường mang tính chủ quan nhiều hơn. Vì mỗi người chỉ nắm được một chuyên môn (đối với cấp 2-3) thì việc dự giờ chủ yếu chỉ để mà… dự. 

Góp ý cũng quanh quẩn vài phương pháp đứng lớp còn nội dung bài dạy thì các Ban giám hiệu không thể nắm hết, biết hết được. 

Thực tế là khi dự giờ, các Ban giám hiệu cứ chăm chăm cầm theo cuốn chuẩn kĩ năng kiến thức để theo dõi các hoạt động của giáo viên. 

Những góp ý, rút kinh nghiệm bao giờ cũng trịnh thượng nhưng vì phần lớn không biết nội dung nên cách góp ý không giúp ích được gì cho giáo viên.

Tuy nhiên, vì là cấp trên dự giờ nên giáo viên cũng phải vâng dạ cho được lòng lãnh đạo, dù những góp ý đó chật lấc vấn đề.

Đối với đội ngũ Tổ trưởng chuyên môn thì phần lớn họ dự được đủ hoặc thừa theo qui định, nhất là ở những trường lớn. 

Bởi theo qui định thì thành phần này phải nộp 3 phiếu dự giờ/ giáo viên để xếp loại tay nghề và xét thi đua từ danh hiệu Lao động tiên tiến trở lên cho giáo viên. 

Vì thế, công việc dự giờ của họ phần nhiều là đáp ứng đủ số lượng. Tuy nhiên, đa phần các tổ trưởng hiện nay làm theo kiểu “dung hòa” các mối quan hệ. 

Trong 3 phiếu dự giờ thì xếp 2 phiếu giỏi và một phiếu khá để không bị cấp trên chê trách, chất vấn mà cũng vừa lòng anh em trong tổ. Việc rút kinh nghiệm tiết dạy chỉ mang tính cách tư vấn…

Đội ngũ giáo viên bộ môn thì qui định là 18 tiết/ năm nhưng phần nhiều là giáo viên dự giờ… từ xa. 

Cùng dạy một bộ môn, cùng dạy một khối chẳng lẽ cứ dự đi, dự lại mãi, đó là chưa kể thời khóa biểu trong tổ thường trùng nhau. 

Vì không yêu cầu xếp loại trong các phiếu dự giờ của giáo viên bộ môn mà chỉ rút kinh nghiệm nên giáo viên chép giáo án vào sổ dự giờ và ghi vài ý ưu điểm và hạn chế rồi đưa cho nhau kí khống. 

Hoặc người này dự giờ thì người khác trong tổ mượn sổ chép lại và nộp cho Tổ trưởng và Ban giám hiệu cho đúng với qui định hiện hành. 

Những góp ý của những tiết dự “thật” cũng chỉ dừng lại ở tính hình thức, chủ yếu là khen, có góp ý hạn chế cũng phải nhẹ nhàng, tế nhị. Bởi góp ý “thật” lần sau ai cho dự nữa…
   
Việc qui định mỗi giáo viên dự giờ 18 tiết/ năm học và đối với Ban giám hiệu 1 tiết/ giáo viên/ năm cũng thể hiện nhiều bất cập. 

Thực ra đây là số lượng không nhiều (nếu là tổ lớn) bởi thường thì các tổ chuyên môn tổ chức thao giảng 1 tiết/ tháng rồi, ngoài ra trong Hội thi giáo viên giỏi cấp trường và đi dự thao giảng hội đồng bộ môn nữa thì coi như đã xong. 

Nhưng, có nhiều tổ chuyên môn ở các trường loại 2-3 chỉ có 1-2 người như môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, Tin học. 

Thậm chí môn Âm nhạc, Mĩ thuật thì mỗi trường chỉ có 1 người. Vì thế, việc dự giờ của họ đủ 18 tiết là điều cực kì khó khăn. 

Ví dụ mỗi môn học có 3 người thì có 1 Tổ trưởng nên còn 2 tổ viên, việc thao giảng mỗi học kì cao lắm cũng chỉ có thể thao giảng được 2 lần. 

Dự giờ Tổ trưởng thì ngại, chẳng lẽ có hai giáo viên cứ dự qua dự lại với nhau cho đủ số tiết? Mà dự môn học khác thì học hỏi được gì và có đúng chuyên môn của mình đâu mà dự. 

Hơn nữa, xin đi dự giờ tổ khác cũng rất ít giáo viên người ta cho dự bởi nó phiền phức nhiều thứ lắm. 

Mà đi dự trường khác đâu phải thích là vào dự, phải xin phép hết người này đến người khác mới được dự mà mỗi trường cũng chỉ dự 1 tiết cũng phải mất một buổi đi lại mà xin trường khác dự đâu phải là một chuyện dễ. 

Ban giám hiệu cho phép mà giáo viên không đồng ý hoặc không vui vẻ thì dự giờ miễn cưỡng sao được. 

Vì thế, nhiều giáo viên như Âm nhạc, Mĩ thuật phần lớn là tự chép giáo án, rồi hôm nào họp Hội đồng bộ môn của huyện, tỉnh thì nhờ đồng nghiệp trường khác kí tên… để đối phó với cấp trên.
   
Các Ban giám hiệu họ cũng rất ít dự giờ, một phần cũng vì công việc của họ nhiều.

Phần lớn mỗi năm họ chỉ dự vài tiết trong Hội thi giáo viên giỏi và một số ít tiết ôn tập còn lại kiểm tra chuyên đề, thao giảng thì phần lớn giao hết cho Tổ trưởng. 

Nhưng, vì họ là thủ trưởng đơn vị thì ai dám kiểm tra hay nhắc nhở. Nhưng nếu giáo viên bộ môn mà dự thiếu tiết qui định là cuối năm cắt thi đua vì điều này bị qui vào tội “vi phạm qui chế chuyên môn”.
    
Một điều không thể phủ nhận được là nếu phát huy được công tác dự giờ là chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao hơn, bởi dự giờ sẽ giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. 

Dù giáo viên có bê tha cỡ nào đi nữa thì thì mỗi khi có người đến dự giờ, các giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị bài kĩ hơn, đôi khi còn có sự trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp, đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa đối với mỗi giáo viên. 

Đặc biệt, khi có người đến dự giờ, lớp học cũng diễn ra sôi nổi hơn, ý thức học tập của học sinh tốt hơn, đây là điều kiện tốt nhất để giáo viên phát huy tính sáng tạo của học sinh, bởi khi có người lạ ngồi trong lớp là học sinh tuyệt nhiên không dám nói chuyện hay quậy phá. 

Việc dự giờ không chỉ giúp cho giáo viên đi dự giờ học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy từ đồng nghiệp mà còn giúp cho họ những sáng tạo trong xử lí các tình huống trong dạy học. 

Hoặc, thông qua việc xử lí tình huống của đồng nghiệp giáo viên sẽ khắc phục được những thiếu sót trong quá trình giảng dạy của mình.
    
Thiết nghĩ, hoạt động dự giờ của giáo viên vẫn là một hoạt động tốt nhằm hướng tới nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Có điều, Ban giám hiệu và các Tổ trưởng chuyên môn cần linh hoạt trong qui định công tác dự giờ phù hợp với từng môn, từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu không sẽ dẫn đến sự đối phó và gây ức chế cho giáo viên.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

Nguồn tin: